Trước khi quen chú, cô có mấy năm nuôi con trong tù. Thằng cha cùng làng luôn cợt nhả lếu láo khiến cô luôn chịu uất ức. Rồi con giun xéo lắm cũng quằn, một hôm không chịu được, cô xuống tay vào chỗ phạm, thằng cha kia phải đền mạng. Cô phải chịu án.
Quen chú Việt từ những ngày chú mới bị vợ bỏ, nay thương chú một mình, cô thường qua lại. Rồi khi biết chú bị bệnh hiểm nghèo, cô vẫn không xa lánh, chăm sóc tận tình hơn. Nhìn cô và lý lịch đã từng có lúc phải thi hành án, người nhà chú mới đầu không hoan nghênh cô, thậm chí ghẻ lạnh. Nhưng anh em kiến giả nhất phận, mỗi người nhà chú chỉ đến thăm nom vài buổi, rồi ai phải về nhà nấy. Chỉ còn cô bên chú, tận tụy ngày đêm, chăm sóc từ miếng ăn miếng uống, đến giặt giũ, vệ sinh cá nhân.
Tháng cuối cùng của chú, đêm đêm cô gần như thức trắng, xoa bóp, tập thể dục cho chú đỡ mỏi. Ban ngày, tranh thủ lúc có người trông, cô lại đi làm với những tốp thợ đổ mái, đào móng thuê... lấy tiền nuôi con.
Cảm tấm lòng cô, người nhà chú Việt bảo cô thôi hẳn việc đi làm để giúp gia đình trông chú, gia đình sẽ gửi tiền cho cô. Cô chỉ nói “em vẫn làm được”, rồi tay năm tay mười, cô ngày đi làm, chiều tối về trông chú. Ai bảo tìm lá thuốc gì cho chú, cô cũng đều tìm được. Nghe nói cô còn đi “bắc cầu” gì đó trên chùa xem chú có đỡ bệnh không.
Rồi mọi nỗ lực của cả nhà không thắng nổi mệnh chú. Lúc chú nhắm mắt xuôi tay, cả nhà gào khóc tiếc thương. Riêng cô Hằng gạt nước mắt, chăm chú lau rửa bằng nước lá thơm, chuẩn bị áo quần, gương lược cho chú nhập quan. Lúc di quan, cô cùng đưa chú lên xe tang đến nơi an nghỉ cuối cùng. Lạ, có người nhà chú lúc đầu ghẻ lạnh với cô, nay lại nhất nhất hỏi cô về các việc phải làm, và nghe cô răm rắp như nghe người chỉ huy lúc tang gia bối rối.
Bình luận về cô, phần nhiều đều nói cô tốt, quá tốt. Nhưng cũng có người đa nghi: Hay cô đã được chú hứa cho một phần tài sản. Người kỹ càng hơn thì bảo, liệu cô có giọt máu chung với chú hay chăng. Một người chị của chú đã được nghe tâm sự về quá khứ nuôi con trong tù của cô thì đoán: Có lẽ đây là nghĩa khí của những người có chút máu giang hồ.
Bình thì bình thế, nhưng ai cũng thấy sau khi chú mất, cô lại lặng lẽ về nhà mình. Đồ đạc tài sản của chú vẫn còn nguyên xi. Rồi 49, 100 ngày, rồi giỗ đầu, giỗ hết chú, cô đến thắp hương, chẳng có dấu vết “giọt máu” nào.
Đến lúc ấy, người đa nghi nhất cũng khẳng định cô Hằng là người trọn tình trọn nghĩa. Những việc cô đã làm là những việc của người thật sự tử tế, không phải ai cũng làm được. Chắc linh hồn chú sẽ luôn phù hộ cho cô.
Gửi phản hồi
In bài viết