Nhưng cuộc đời đâu có dễ như vậy, bàn tay trắng kiếm kế mưu sinh để nuôi niềm đam mê hội họa. Đôi lúc anh cũng muốn quẳng tất cả mà cái nghiệp vẽ cứ đeo đuổi anh. Anh làm đủ việc nhưng vẫn không thể nào theo học ngành mỹ thuật mà anh yêu thích. Anh tự học, tự sáng tác, kiếm tiền bằng vẽ tranh truyền thần, kẻ vẽ biển hiệu quảng cáo, cắt chữ để “nuôi” nghiệp vẽ. Anh vẽ bằng tất cả trái tim mình. Mùa Trung thu về người ở các khu phố đến nhờ anh làm mô hình, anh vẽ từ sáng đến chiều muộn, có lúc quên cả ăn để giúp bọn trẻ có mô hình chơi Trung thu. Tuyệt nhiên anh không lấy bất cứ một đồng tiền công nào. Người phố hỏi nhau anh từ nơi nào đến bởi trước đây người ta cũng chỉ để ý có một thanh niên nhìn như “Bao Công” đến đây thuê cửa hàng và mở xưởng vẽ. Người ta cứ tò mò thế, rồi hỏi nhau sao có người tốt đến vậy. Có lúc người ta biếu anh quà cáp nhưng anh không nhận. Anh chỉ bảo làm được điều gì tốt cho bọn trẻ thì anh làm thôi. Nhìn nụ cười và tiếng nói trong veo của bọn trẻ mỗi buổi tối dưới ánh trăng rằm anh nhớ về tuổi thơ lam lũ của mình và tình yêu dành cho con trẻ cũng dài theo năm tháng.
Người dân cả khu phố đều yêu quý và trân trọng anh, coi anh như người thân. Tình người ấm cúng đó như ghép lại những mảnh vỡ trong trái tim anh từ thuở khát khao lập nghiệp.
Năm tháng trôi đi, người cha dần nguôi ngoai cơn giận, khăn gói quả mướp tìm đến nơi con mình ở. Chứng kiến sự yêu quý và trân trọng của người dân nơi đây dành cho con mình, ông thấy ân hận... Đêm nay ông cùng con trai và đám trẻ đi rước mô hình Trung thu khắp phố phường, tâm hồn ông như trẻ lại và càng thương yêu con trai mình. Ông nhớ lại ngày xưa ông là đồ nho viết thư pháp đẹp nức tiếng một vùng, nhưng cuộc sống nghèo khổ quá, ông phải gác bút làm đủ thứ để nuôi sống gia đình. Vậy nên ông không muốn con mình theo nghiệp vẽ là như thế. Nhưng giờ ông thấy làm nghề gì mang lại lợi ích cho đời đều đáng trân quý.
Một lần ông thăm xưởng vẽ của con trai, ông khựng lại trước bức vẽ ông đang ngồi viết thư pháp. Ông hiểu con ông rất trân quý nghề của cha, trân trọng cha mình chứ không phải là thằng con bất hiếu như ông từng nghĩ. Bất giác ông cầm bút lông lên viết thư pháp sau mấy chục năm gác bút. Nhìn cha múa bút say sưa, nét bút như rồng leo, phượng múa, trái tim anh như nghẹn lại. Anh dựng Quán ông đồ cho bố trên phố đi bộ. Hai cha con người vẽ truyền thần, người viết thư pháp tặng những người yêu môn nghệ thuật này.
Anh như người đi ngược nắng, đi mãi, đi mãi trong niềm đam mê hội họa hòa vào nhịp đập cuộc sống đầy ắp tình yêu thương này.
Gửi phản hồi
In bài viết