Ông Ma Men

- Cả bản Nhả Khà đều biết tiếng ông già này. Nói đến lão là người ta nghĩ đến giai thoại, lão uống rượu triền miên, say như con cáo điên. Say từ sáng đến trưa, từ trưa tới tối, lại tối qua đêm.

Say thì lảm nhảm, lải nhải, không bước được nữa thì rúc vào bụi cây, đống rơm, kể cả chuồng ngựa ngủ. Lão họ Ma, tên Man. Nhưng cái tên họ ấy chỉ còn trong căn cước công dân. Ngoài đời ai cũng gọi lão với cái tên “thân mật” Ma Men.

Trước, lão đã từng tham gia công tác trên huyện. Cán bộ gì mà chỉ mong được đi xã, vào bản, để tha hố uống. Đôi khi, mải rượu quên cả việc chính. Cơ quan cho nghỉ việc vì lý do mất sức lao động. Được chút tiền trợ cấp, ông “Ma Men” chẳng đưa cho vợ, tất cả quy đổi ra chai, ra lít. Ở nhà, lão uống với măng luộc, sắn nướng, đôi khi là mấy quả cọ ỏm. Ra cái quán lá ở cuối bản, lão nhậu với bim bim, dăm bảy hạt lạc rang. Đời này, mấy ai được “hưởng lạc” như lão. Uống nhiều, da dẻ lão lúc nào cũng bợt bạt, như da cá chết. Lão đi đứng như kẻ mất hồn. Trẻ con trong bản thấy lão là hò nhau hát đồng dao: 

“Có ông Ma Men say/Suốt ngày thích cay cay/Thân tàn, tàu chuối rách/Bả lẩu, ngã lăn quay” (bả lẩu là say rượu tới mức không làm chủ được).

Nhà có cái xe máy cà tàng, nếu bán cho hàng sắt vụn, cũng được mấy bữa nhậu của lão. Thế mà xe vẫn phải è lưng ra cõng lão say. Bất chấp luật cấm người uống rượu điều khiển phương tiện giao thông, ông Men vẫn tằng tằng cưỡi xe lượn khắp bản. Có hôm ngấm men, bốc lên, còn phi xe lên phố huyện. Thế là, một lần gặp cảnh sát giao thông, van xin thế nào cũng không xong. Bằng tuổi cháu lão, vẫn phải xưng em mà mấy đồng chí cảnh sát chẳng tha. Lão phải ký vào biên bản tạm giữ xe máy và phạt tiền. Móc hết cái túi lép kẹp chẳng đủ tiền nộp phạt. Lão bỏ xe bắt xe ôm về.

Sau đận ấy, vợ con lão đưa lão đi chữa bệnh. Bác sĩ bảo, trường hợp của lão là bệnh lý thèm rượu, phải chữa trị mới khỏi. Lão Man ở rịt trên bệnh viện huyện hơn một tuần, cấm có ho he tìm rượu. Ra viện, vợ lão lên rừng lấy thuốc nam cho uống. Lá rừng, rễ và thân cây, dây leo, băm phơi khô, sắc nước uống. Hóa ra, rừng quê mình có rất nhiều cây là thuốc chữa bệnh. Ban đầu lão vật vã, bứt dứt. Qua một tháng thì qua cơn thèm rượu. Không uống rượu nữa, da dẻ lão thấy nhuận sắc hẳn. Ăn cơm lão thấy ngon hơn, người tỉnh táo, sảng khoái lạ thường, không còn đê mê, lết mết như trước.

Trưởng thôn, gọi lão bằng ông trẻ, đến tận nhà nhắc: “Bản mình xây dựng nếp sống văn hóa, ông trẻ phải gương mẫu giúp con. Người nhà mình mà không nói được, không thực hiện tốt thì sao nói được bà con”. Ông thấy thằng cháu nói đúng, nên im nghe. Ít lâu sau, ông Man tự nguyện nhận việc trông coi, quét dọn nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn. Ông đã bỏ hẳn rượu và lấy niềm vui từ trồng hoa, cây cảnh khuôn viên Nhà văn hóa. Có chút vốn năng khiếu hát then, cọi từ thời trai trẻ, vào tối thứ bảy, ông tự biên, tự hát trên loa của bản. Bây giờ thì cả bản đều gọi ông Ma Men là ông Mê Hát Then.

Lê Na

Tin cùng chuyên mục