Ngày bé, bố thường cho chị em tôi về quê nội mỗi khi nghỉ hè. Và luôn luôn là ở nhà bá. Bá làm nghề hàng xáo. Là mua thóc ở chợ về, xay giã, sàng sẩy, rồi mang gạo ra chợ bán, lấy cám nuôi lợn. Tôi về quê thường được theo bá đi chợ. Đường ruộng nhấp nhô, tôi đi tay không luôn chực ngã. Còn bá đội thúng gạo nặng trên đầu, tay cắp nón, tay ve vảy quết trầu, trông rất ung dung. Nhìn bóng bá đội gạo đi giữa cánh đồng lúa xanh đầy nắng, tôi thấy bá sao mà nổi bật và đẹp đẽ.
Thường mỗi khi bán xong gạo, bá mua bó lá chè xanh, giao cho tôi quản lý để về nhà hãm nước uống cho cả nhà. Rồi bá tranh thủ mua mớ cá, mớ tép về làm bữa.
Quê tôi sát biển Đồng Châu, nên chợ luôn sẵn cua cá, tôm tép. Nhà bá không dư dả, nhưng mỗi lần chợ, bá đều mua cho chị em tôi mỗi đứa 1 con cua bể to bằng bàn tay xòe. Bọn tôi thấy sướng như được sống trong cổ tích. Giờ nghĩ thấy thương bọn trẻ, ít được ăn cua bể hàng ngày như cánh tôi ngày ấy.
Ngày bà nội tôi còn, bà thường ốm một ngày, khỏe một ngày. Ngày ốm, bà nội thường rên rỉ rất nhiều chuyện. Bá vừa làm ruộng, vừa làm hàng xáo, chăn lợn gà, vừa cơm bưng ước rót cho bà nội. Thế nhưng vẫn có lúc bị bà phàn nàn sao chậm chạp thế. Tôi thấy bá im, nhưng cũng có lúc thấy bá nhìn bà nội, ánh mắt có phần ai oán, tủi hờn. Trẻ con, nên tôi cảm thấy bá hơi ghê gớm, sao con dâu lại nhìn mẹ chồng như thế. Mãi sau này làm người lớn, phải gánh vác chuyện đời, chuyện nhà, tôi thấy thông cảm cho bá rất nhiều.
Bá chỉ có một con trai, và nhiều con gái. Nên bác bá nhận thêm anh Vịnh làm con nuôi. Tôi mãi sau này mới biết anh Vịnh là con nuôi của bác bá, vì mỗi lần về quê, thấy bá đối xử với con nuôi và con ruột chẳng khác gì nhau. Tấm lòng nhân từ ấy khiến tôi vô cùng cảm phục, và luôn nhủ lòng mình phải học theo.
Ngày bá mất, anh Vịnh dắt vợ con về chịu tang, khóc ngất. Chị em tôi cũng ào về tiễn bá, thấy căn nhà xưa bỗng trống tênh.
Tôi cứ mãi nhớ hình ảnh cánh đồng ở quê. Lúa vẫn màu xanh như thế, nhưng chẳng còn bóng bá đội gạo đi chợ mỗi ngày.
Rồi mãi sau này, mỗi khi có dịp đi trên cánh đồng lúa xanh ngăn ngắt, tôi lại như thấy một dáng hình bá tôi đội gạo, tay quết trầu, tay vung vẩy, ung dung.
Gửi phản hồi
In bài viết