Người truyền lửa

- Nhắc đến ông, những kỷ niệm một thời ấm áp lại đầy ngập khắp trong lòng. Ấy là những năm tháng lâu rồi, thời ấy thiếu thốn đủ bề, người ta chọn đủ thứ việc kiếm kế sinh nhai, còn tôi lại chọn học viết báo. Viết được bài nào thì thích thú lắm nhưng sợ không dám gửi, cứ cất trong ngăn kéo rồi tự đọc đi, đọc lại. Mãi đến khi cái ngăn kéo đầy lên toàn bài vở tôi mới mạnh dạn tự chọn mấy bài gửi đi. Giờ tôi còn nhớ cái phong bao đầu tiên tôi gửi đến tòa soạn báo ngày đó vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng. Quả thực, tôi bồi hồi lắm, chờ mong từng ngày được nhận báo biếu.

Một sáng, tôi nhận được báo biếu và thư của tòa soạn. Tôi vội mở xem, vui như hội khi nhìn thấy bài “Ghi chép từ cuốn sổ tay” được in trang trọng ở mục xây dựng Đảng. Tôi cứ thế đọc đi đọc lại đến hai ba lần. Thật xúc động vì những lời động viên của ông. Khen cũng có, góp ý thẳng thắn cũng có và cuối bức thư được ký tên người phụ trách bạn đọc. Ông khen chê rất cụ thể, có dẫn chứng hẳn hoi, điều đó đã giúp tôi không còn mắc phải những sai sót sơ đẳng nữa. Đắn đo mãi, tôi cũng đánh liều đến tòa soạn gặp ông giúp đỡ mình. Gặp tôi, ông tay bắt mặt mừng kéo tôi vào ngồi chỗ bàn nước. Chén chè ấm nóng, câu chuyện nghề nghiệp trở nên cởi mở hơn.

- Chú đến đây, anh em biết nhau rồi, thường xuyên cộng tác với báo nhé, mảng bài chú quan tâm báo đang cần đấy nhưng viết báo là phải tốc độ, phải ít chữ mà nhiều thông tin thì mới hay. Rồi ông lại trao đổi thêm về những cái được, cái chưa được từ những bài tôi gửi, rồi gửi lại bản thảo cho tôi chỉ rõ những cái cần bổ sung, đi sâu hơn để người đọc người ta “khoái”.  

Tôi cầm bản thảo về, đêm lại hỳ hục viết lại, hôm sau gửi đến cho ông. Chỉ vài ngày sau tôi lại nhận được báo biếu và bài đăng trang trọng trên trang 3 của tờ báo. Rồi sau đó lại nhận được giấy mời lĩnh nhuận bút, tiền nhuận bút thời ấy chả bao nhiêu nhưng cứ như bắt được “vàng”. Tôi càng chăm viết và cũng hay được đăng bài luôn trên báo. Đến đận báo tổ chức cuộc thi viết về đề tài lâm nghiệp, ông viết thư động viên tôi tham gia. Ông bảo, cuộc thi này tổng hợp cả thơ, nhạc, báo chí, truyện ngắn… chú tham gia nhiều thể loại nhé, giải nhất to lắm. Được ông động viên, tôi mạnh dạn tham gia, tôi lặng lẽ viết, lặng lẽ tham gia cuộc thi, hỳ hục mãi rồi cũng xong bài báo “Rừng chò lá xanh”. Tôi sửa đi sửa lại nhiều lần, mang cả bản thảo đến xin ý kiến ông. Đọc xong ông bảo, “chú cứ để đây rồi anh sẽ gửi cho thư ký, sẽ đăng, sẽ đăng”. Ông gật gù tỏ vẻ rất hài lòng về điều gì đó khiến tôi thấy tâm hồn ấm áp đến lạ. Điều thôi thúc tôi viết có lẽ ngoài vì đam mê con chữ thì có sự cổ vũ rất thân tình của người làm công tác bạn đọc là ông. Khi biết tôi đoạt giải nhì cuộc thi ấy, ông đi chiếc xe đạp cà cộ đến tìm tôi và bảo, “chúc mừng chú mày, chú được giải mà anh vui như thành công của mình vậy”.

Có lần, tôi muốn mời ông ăn trưa để “hậu tạ”, nhưng ông gạt đi: “Quán sá gì, mừng cho chú thôi. Anh em ta cùng hoàn cảnh mà”. Tôi hay qua lại chỗ ông chơi và gửi bài, tình cảm anh em qua viết lách càng bền chặt. Ông quý tôi nhưng bài viết không được là dứt khoát bỏ, cùng những góp ý rất chân thành, trách nhiệm. Nhờ sự thẳng thắn, chân thành của ông nên tay nghề của tôi từng bước khá lên. Với tất cả cộng tác viên, ông đều chăm chút như vậy, bởi theo ông, mỗi cộng tác viên là cánh tay nối dài của tòa soạn, họ là chuyên gia ở một lĩnh vực cụ thể, nếu khơi dậy niềm đam mê viết lách, tòa báo sẽ được hưởng lợi nhiều.

Sau này ông về hưu, nhưng cái máu nghề nghiệp lúc nào cũng lấp lánh trong ông. Nên mỗi lần đến thăm ông, tôi đều như được truyền thêm lửa nghề.

Trịnh Thành Công

Tin cùng chuyên mục