- Bố, bố không ngủ đi, có gì sáng mai bố nói cũng được, sao phải vội thế ạ.
- Tôi sợ anh bận, đi làm tối, về lại lo cho bố, cho thằng Vửng, tôi thương anh quá.
- Bữa nay bố thấy trong người khó chịu, đau nhức, chả biết thế nào.
Nói rồi, ông quay mặt đi, cố giấu sự yếu mềm, bởi trước giờ ông vẫn luôn là người mạnh mẽ, dẫu gặp bao nỗi đau. Tôi với cái ấm để đun nước pha chè nhưng ông giữ lại, ông bảo, khuya rồi, bố không uống chè nữa. Ông vân vê cái điếu cày để tựa vào chân bàn trường kỷ, rồi kéo một hơi, gương mặt ông như tươi hồng trở lại. Mỗi lần cha con ngồi nói chuyện, tôi thấy ông như quên đi muộn phiền. Bao chuyện buồn vui cuộc đời ông kể tôi nghe, một thời ông đi đánh giặc, một thời làm thầy giáo ở vùng cao, rồi học được những bài thuốc quý cứu người. Ông tâm đắc nhất bài thuốc trị nọc rắn độc cắn người. Năm ấy, khi ông còn là thầy giáo ở bản vùng cao vùng thượng nguồn sông Gâm được một cụ già người bản địa rất tin tưởng truyền cho bài thuốc trị rắn độc cắn qua những câu thần chú. Mỗi lần có người bị rắn độc cắn là mỗi lần ông hao tổn thể chất, tâm can mình để dồn vào từng câu thần chú lôi cái nọc độc đó ra khỏi cơ thể người bệnh. Nhưng điều đó không làm ông nề hà, mà thấy hạnh phúc khi cứu được người thoát khỏi cái chết. Người ta mang lễ đến tạ, mang tiền đến trả ơn, ông chỉ xin một đồng tiền lẻ để đặt lên ban thờ tạ ơn tổ tiên, trời phật đã trao cho ông những câu thần chú linh nghiệm mà không thể nào lý giải nổi.
Ông bảo, thời đó nhiều rắn lắm con ạ, chỗ bố dạy học, tháng nào cũng có người bị rắn độc cắn, rồi người ở mãi bên kia sông đến cầu cứu, chữa bệnh xong họ ra về, ông cũng không biết họ ở chỗ nào cả. Nhiều lúc sức ông yếu đi, lăn ra ốm. Nhưng nhìn thấy cảnh nạn nhân chân tay, mặt mày tím tái, cái chết đang cận kề, ông đành lòng sao được. Bệnh viện thì ở xa, băng qua đường rừng đến nơi thì nọc độc chạy vào tim, vào nội tạng rồi, cứu sao được nữa. Ông thở dài nhưng đôi mắt ánh lên niềm tự hào. Ông lại với cái điếu cày, vân vê sợi thuốc…Bỗng ông đưa cho tôi tờ giấy đã ngả màu và xấp tiền, định nói điều gì đó mà nước mắt cứ trào ra. Ông bảo, bố đã dặn cả ở trong này, đây là số tiền ít ỏi bố tích cóp được, bố gửi cho con lo cho em nó và mẹ. Bố chỉ có con và thằng Vửng em mày đấy, giờ bố trông cả vào con, dẫu bố không đẻ ra con nhưng những gì con dành cho bố, cho gia đình bố, cho thằng Vửng thì chả có gì đong đếm được.
Ông gục xuống bàn, rồi cố vịn tay vào ghế tràng kỷ đứng dậy nhưng bệnh tình mỗi ngày một nặng khiến ông không thể bước đi được. Nhà tôi ngay sát nhà ông, tôi và con trai ông bằng tuổi, lớn lên hai thằng cùng thi đỗ đại học nhưng chả biết thế nào anh bạn đổ bệnh hoang tưởng, lúc nào cũng lo lắng, sợ hãi. Điều anh sợ nhất là bố mất, lúc bố ốm anh sợ sệt, ôm bố chặt lắm, không lúc nào cho bố đi đâu cả, vậy nên, bố mới phải “lừa” con trai mình ngủ say để sang chuyện trò cùng tôi. Ông nói trong tiếng thở: “Bố chỉ có mỗi Vửng thôi, lúc này bố thấy chông chênh, chỉ còn biết bấu víu ở con…”.
Tôi nắm tay ông, muốn nói thật nhiều mà cứ nghẹn lại. Và ông đã ra đi sau đêm đó, bầu trời bỗng trở nên xanh trong, tôi như thấy hồn ông dịu mát ở khuông trời xa vời vợi kia. Chiều nào đi làm về tôi cũng tranh thủ đưa Vửng đi chơi, mẹ bảo, con còn phải lo việc, cứ để Vửng đó cho mẹ. Mẹ còn sức mà. Từ khi bố mất, Vửng không còn quậy phá nữa nhưng thường ngồi thu lu một mình ở góc cây bưởi bố trồng ở đầu hồi nhà. Vửng bảo, hoa cây bưởi này bố ướp trà thơm lắm, giờ Vửng không được uống nữa, ngồi đây nhớ bố, chờ bạn đi làm về. Vửng bảo tôi lấy vợ đi, Vửng ở với mẹ cũng được mà. Nếu Vửng không bệnh tật thế này, chắc bố sẽ không ốm đâu…
Vửng ôm mặt khóc nấc. Kể từ khi tôi đến xóm này ở, lần đầu tiên tôi thấy Vửng khóc. Ngày bé, tôi ở với bố, tôi vẫn gặng hỏi về mẹ, nhưng bố bảo, lớn lên con sẽ hiểu. Nhưng điều đó mãi là bí ẩn theo ông đi về thế giới bên kia. Tôi nương tựa vào cha con Vửng, ông là điểm tựa cho tôi vượt qua những đớn đau. Giờ tôi xây thêm căn phòng nhỏ đón mẹ và Vửng về ở, Vửng thì mừng lắm, anh thì thầm bảo, đây là ý nguyện của bố rồi, bố sẽ yên lòng nơi chín suối. Bệnh của Vửng trở nên thuyên giảm nhiều hơn, có lúc tôi bảo, hai thằng mình lấy vợ thôi, già cả rồi. Vửng nhìn tôi, bỗng gương mặt rạng rỡ…
Gửi phản hồi
In bài viết