Mế Tòng

- Mế Tòng ơi! Mế Tòng ơi!... Thằng bé nhà cháu bị rắn cắn. Mế cứu nó với.

Nghe tiếng gọi thất thanh của nhà hàng xóm, bà Tòng đã đoán ra mọi chuyện. Bà nhấc vội chiếc cối rồi lấy nắm thuốc treo ở gác bếp rửa sạch, cứ thế liên tay giã chan chát. Nhanh đến mức khi thằng bé vào đến cửa bà cũng giã xong nắm thuốc. Bà kiểm tra chỗ bị rắn cắn rồi lấy miếng vải buộc lại thật chặt đoạn từ đầu gối lên để máu độc không lan ra cơ thể. Rồi bà thoăn thoắt các động tác sơ cứu: sát trùng vết thương bằng nước muối, đắp thuốc, xé miếng vải xô rồi băng chặt lại.

Vậy là cơ bản ổn rồi. Đủ thời gian để 2 mẹ con ra bệnh viện - bà Tòng thở phào nói với hai mẹ con.

Người mẹ cảm ơn rối rít rồi lấy ở trong túi ra tờ một trăm nghìn đồng rúi vào tay bà. Bà gạt đi rồi bảo, hàng xóm tôi có lấy tiền của ai bao giờ đâu. Thôi, xe đến rồi, hai mẹ con mau lên xe đi.

Bóng chiếc xe đi khuất, bà Tòng vào bếp ăn nốt bát cơm dang dở. Nhưng chưa kịp bưng bát cơm lên, lại có tiếng gọi từ xa, lần này chậm rãi hơn, khó nhọc hơn:

- Tòng ơi, mày có nhà không?

Thì ra là cụ Lín. Năm nay cụ 80 tuổi rồi. Bà Tòng vội vã chạy ra ngoài cổng đỡ cụ vào.

Nhìn qua tình hình của cụ thấy không trầm trọng lắm, bà Tòng hỏi:

- Cụ thấy trong người khó chịu phải không?

Ông cụ gật gật đầu rồi bảo:

- Cả đêm qua cụ thức trắng. Rồi cụ giơ bàn tay lẩm nhẩm đếm, tính ra là được 45 ngày nay rồi. Ban ngày còn đỡ chứ đêm về là chân tay tê bì, buồn bực, đau nhức không sao ngủ được.

Quan sát kỹ hơn bà Tòng thấy đúng là cụ cũng gầy đi. Rồi bà động viên cụ:

- Bệnh của cụ là bệnh của người già thôi. Cụ yên tâm, con kê cho cụ vài thang thuốc, cụ về bảo con cháu đun uống hàng ngày sẽ đỡ thôi ạ.

Nói rồi bà rót cho cụ một cốc nước lá lúc nào bà cũng để cạnh bếp. Chỉ là thuốc mát gan, bổ thận, giãn gân cốt nên uống vào người sẽ thấy khỏe hơn. Uống xong, cụ nở nụ cười sảng khoái:

- Thuốc tốt thật. Mày lấy cho cụ mấy thang, hết bao nhiêu cụ gửi tiền.

 Bà Tòng xua tay: Cụ ơi, con có bao giờ lấy tiền của dân bản mình đâu. Cụ làm vậy con ngại lắm. Cụ về đi, uống hết lại qua con lấy thêm ạ.

Bà Tòng có nguyên tắc chữa bệnh của mình. Với bà con hàng xóm hay những trường hợp éo le, bà không bao giờ lấy tiền. Nói bà cho không cũng không đúng vì trước kia bà vẫn đi bán thuốc nam ở chợ huyện. Người mua của bà một lần đều tìm đến lần 2, lần 3 rồi giới thiệu nhiều người khác. Nhưng đó là khi thuốc nam trên rừng còn nhiều, giờ nhiều loại cây không tìm được nên bà cũng không duy trì được thang thuốc đó nữa. Giờ thuốc tìm được trên rừng, bà không bán nữa mà chỉ để phòng khi đau yếu hay hàng xóm không may có chuyện.

Nhà bà Tòng lấy thuốc nam bao đời nay. Bà học được bài thuốc từ cụ nội, bà nội và chính người mẹ vừa khuất núi của bà. Trước khi qua đời, mẹ dặn lại bà: Con cố gắng tìm bằng được cây thuốc trằn hốp hây. Đó là một vị trong thang thuốc chữa bệnh trĩ. Nhưng phải là loại đỏ, dây leo chứ loại màu trắng là không nên thuốc. Tiếc rằng cây này giờ rất khó tìm. Nếu thiếu nó thì thang thuốc không có tác dụng. Rồi mẹ bảo, phụ nữ sau sinh rất nhiều người bị trĩ ngoại. Con tìm được là giúp được dân bản mình nhiều lắm.

Lời dặn của mẹ khiến bà Tòng day dứt mãi. Ngót chục năm nay bà đi tìm mà không thấy. May thay lần vừa rồi đi thả đàn trâu bà vô tình thấy người dân chặt bỏ khi phát nương trồng rừng. Vậy là bà lấy hết về, băm nhỏ, phơi khô được khoảng 20 gói. Song, giờ cũng hết rồi.

Nghĩ lại mong ước của mẹ, bà Tòng gạt nước mắt. Bà vẫn kiên trì đi tìm thuốc. Ngày nào đi qua phần mộ của mẹ, bà cũng dừng đó rất lâu. Hôm nay, bà dừng lại lâu hơn, dường như muốn nói lời xin lỗi mẹ vì hơn 10 năm rồi vẫn không tìm được cây thuốc ấy. Đang định đứng dậy ra về bà chợt nhìn thấy một cây dây leo đang lan sang phần mộ của mẹ. Bà định nhổ đi thì chợt nhận ra, đây là dây leo màu đỏ. Lẽ nào, chính là cây thuốc mà bà đang tìm kiếm bấy lâu. Rồi bà dụi dụi lại mắt để nhìn cho rõ. Đúng rồi. Chính xác rồi.

Nước mắt bà tuôn rơi. Mẹ ơi, vậy là con tìm được cây thuốc này rồi. Dân bản mình sẽ lại có thêm cây thuốc quý để chữa bệnh.

Đức Hải

Tin cùng chuyên mục