Thầy giáo cà cuống

- Ngày xưa, đứa trẻ nông thôn nào cũng hay ngóng mẹ đi làm ruộng về. Quà của mẹ là mấy con cá, con cua hay một xâu muỗm. Thích nhất được chú cà cuống, thêm ổ trứng nữa thì sướng reo lên. Cà cuống thân hình mỏng, dẹt, dáng như một con thuyền nhỏ.

Món quà vừa để chơi lại được ăn, thơm, ngon. Vùi cà cuống vào than lửa, một phút sau, mùi vị đã thơm lừng khắp bếp. Nhặt ra, vặt lớp cánh mỏng, phủ sạch bụi than, là chén. Vị thơm, tê tê lưỡi còn đọng mãi trong ký ức tuổi thơ. Trứng cà cuống nướng chín, ăn vừa thơm ngon, bổ dưỡng lại vui tai bởi có tiếng lép bép trong miệng.

Suốt mùa hè, cậu bé Thanh vận chiếc quần đùi, đầu đội trời, ra đồng mò cua, bắt ốc, cùng lũ bạn, be ruộng, ngăn mương tát cá. Niềm vui nhỏ, bò quẫy trong cái xô nhựa. Có lúc Thanh ước mơ biến thành chú cà cuống, để được bơi dưới nước, lại có thể vút bay lên trời xanh. Lớn lên, cậu bé cà cuống thi vào Đại học Sư phạm I Hà Nội, khoa Kỹ thuật. Thế là anh trở thành thầy giáo.

Những lúc rảnh, anh nhớ về cánh đồng, nhớ những ao chuôm, mương, suối quanh làng. Một hôm lướt mạng, anh bất ngờ gặp lại ước mơ cũ. Thế là lóe ra trong đầu thầy giáo dạy công nghệ, ý nghĩ bảo tồn nguồn gien cà cuống. Thầy bắt đầu say sưa tìm hiểu, đặc tính sinh học, cách nuôi và nguồn giống. Ngoài giờ lên lớp, thầy Thanh lặn lội khắp ao hồ quanh vùng tìm con giống. Cũng như một số loại sinh vật khác, cà cuống đang bị tuyệt chủng. Phân bón, thuốc trừ sâu và nhiều loại hóa chất, nước thải sả xuống nguồn nước ao, hồ, sông suối, làm cho môi trường sống bị ô nhiễm. Diện tích mặt nước bị thu hẹp và cạn kiệt dần.

Tháng chín năm hai nghìn không trăm mười chín, Sở Giáo dục tỉnh phát động cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, Thầy Thanh đã chọn đề tài “Nhân nuôi nguồn gien cà cuống”. Thầy và trò say sưa lao vào thực hiện. Đề tài được giải Ba cấp tỉnh, là nguồn động viên khích lệ cho nhóm thực hiện. Với thầy giáo Thanh, niềm vui được nhân lên bởi có thêm các em học sinh biết quý trọng, và có ý thức giữ gìn một nguồn gien trong tự nhiên, bảo vệ môi trường nước.

Sau giải thưởng, thầy giáo lại nghĩ, mình phải làm kinh tế từ cà cuống. Hơn chục triệu tiền lương mỗi tháng, anh bỏ ra cho cà cuống. Anh xây ba mươi bể nuôi. Con giống, ban đầu anh phải mua tận miền tây Nam Bộ, đến nay anh đã tự sản xuất. Anh thuê thêm chín người trong bản giúp việc chăm nuôi, chế biến nước mắm. Vòng đời mỗi con cà cuống chỉ trong mười hai tháng. Con cái đẻ năm đến sáu lần, mỗi lần từ một trăm đến hai trăm trứng. Nhiệm vụ ấp trứng là của con đực. Nó nằm ôm ổ trứng, với nhiệm vụ giữ ẩm và giữ nhiệt, trong khoảng một tuần thì trứng nở. Ngoài tự nhiên, cà cuống đẻ trứng trên lá cây, ngọn cỏ, gần mặt nước. Khi nuôi, người ta phải làm giá cho chúng đẻ.

Sau khi đã nuôi được cà cuống, thầy giáo nghĩ đến làm kinh tế từ con vật bé bỏng này. Đó là lấy tinh dầu, pha chế nước mắm và bán nguyên con. Anh sẵn sàng bán con giống, hướng dẫn cách nuôi và bao tiêu sản phẩm. Cà cuống là một món ăn vừa dân dã vừa xa xỉ, nó là đặc sản cho người sành ẩm thực. Thương hiệu Nước mắm cà cuống xứ Tuyên, với hương vị nguồn cội đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, đặc biệt là người Hà Nội và các tỉnh lân cận. Mỗi năm anh bán ra thị trường cả ngàn lít nước mắm cà cuống. Nó cũng đã trở thành một sản phẩm OCOP, được giới thiệu trong các hội chợ của Tuyên Quang và vùng đồng bằng Bắc bộ.

Lê Na

Tin cùng chuyên mục