Hội viên bất đắc dĩ

- Cuối cùng thì ông Phếch cũng tham gia Hội Người cao tuổi ở thôn, sau nhiều lần vận động.

Ông vào một phần vì nể mặt đứa cháu gái làm Bí thư Đoàn xã. Ông vẫn nghĩ, vào hội này được cái gì? Sắp xuống lỗ rồi, họp hành, mất việc. Làng Mốc nơi ông sinh ra xưa nghèo đói nhất vùng. Mấy chục năm, nay đã vươn lên sáng láng nhờ các phong trào chung. Về hưu, ông mới được chứng kiến những thay đổi lớn lao của làng.

Người có sức khỏe thì đua nhau phát triển kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Thanh, thiếu niên, nhi đồng, duy trì phong trào văn hóa, văn nghệ, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường. Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, nuôi dạy con khỏe, giữ gìn làng nghề. Các cụ tuy chân tay yếu, vẫn có thể bảo ban, khuyên nhủ con cháu, giữ truyền thống quê hương hay tham gia hoạt động thể thao, dưỡng sinh, sống vui, sống khỏe. Ông Phếch lại không nghĩ thế.

Ông đã từng tham gia công tác ngoài huyện. Nghỉ hưu, ông về làng Mốc. Cũng năm triệu lương hưu, hơn khối cụ chẳng có lương, mỗi khi có đóng góp, lại ngửa tay xin con. Có cụ trồng rau, chăn nuôi gà vịt, mang ra chợ bán hay phụ giúp con, đưa đón cháu đi học. Giờ là lúc ông Phếch có quyền hưởng thụ. Đắn đo mãi, ông mới nộp quỹ hội. Rút tờ năm chục, hội phí đóng cho cả một năm trời, chỉ bằng năm tờ vé số ông Phếch vẫn mua mà ông tưởng như tiền mình bị đánh mất. Mà đồng tiền ấy cũng chỉ để thăm hỏi hội viên khi ốm đau, qua đời…

Nộp tiền được năm bữa, nửa tháng là ông Phếch lăn ra ốm. Năm nào cũng thế. Ông ốm định kỳ sau khi đóng quỹ hội. Khi thì ông gọi điện thoại cho hội trưởng. Vừa gọi vừa rên rỉ. Lúc thì ông nhắn nhe người làng. Không được, ông bảo vợ, con đến tận nhà hội trưởng báo cáo. Lâu, chưa thấy ai đến thăm là ông trách móc. Trong khi đó, có người “mách” hội trưởng rằng: thấy ông ngồi chơi cờ ở nhà ấy, nhà nọ. Rồi gặp ông xăm xoi bên cô bán xổ số loto ở đầu ngõ.

Cả thôn có hơn bốn chục cụ người cao tuổi. Nhiều hội viên còn gặp khó. Hôm ông sang nhà ông Mấp mua rượu, thấy ông ấy vừa ho lụ khụ, vừa nấu rượu. Hai bàn chân thì sưng vù vì trời lạnh là bệnh khớp dở chứng. Bà Miền vợ ông Mấp tập tễnh, bê mấy mớ rau ra chợ làng. Ông Phếch hỏi:

- Ông đau ốm thế này, hội đã đến thăm chưa? Ông Mấp cười, bảo:

- Nếu hơi ho hắng lại kêu Hội đến thăm thì thăm suốt. Quỹ của hội có hạn, mà toàn của anh em mình đóng góp cả. Bệnh của tuổi già ấy mà. Có thuốc và biết bệnh rồi, uống vào là ổn.

Ông Phếch ôm chai rượu về, vừa đi vừa ngẫm ngợi. Con đường làng mấy năm gần đây, lúc nào cũng phong quang, sạch sẽ. Nhà mới mọc lên san sát, chẳng kém gì phố huyện. Hai bên đường bê tông, hoa nở tím lối đi, ra tận đồng. Nhà văn hóa thôn, muôn hoa khoe sắc. Công trình vui chơi cho trẻ nhỏ, sân cầu lông, sân bóng chuyền hơi, chẳng khác gì công viên. Đó là công sức và tiền của mà các tổ chức xã hội trong thôn đóng góp, xây dựng. Ông thấy vui được làm người làng Mốc. Nhưng, ông chợt thấy xấu hổ vì những đóng góp ấy, không có bóng dáng của ông, một hội viên “bất đắc dĩ”!!!.

Lê Na

Tin cùng chuyên mục