Ảnh minh họa
Một buổi sáng, mưa dầm dai dẳng. Lá bàng phủ dày mặt đường, ướt rượt, bốc mùi ẩm mốc. Bưng chén trà trên tay, ông kỹ sư địa chất nói:
- Cảnh này không phải để thưởng trà!
- Thỉnh thoảng mới có ngày rác ùn như hôm nay. Chắc họ cũng sớm khắc phục thôi.
Tuy thế ông vẫn nói:
- Xử lý rác thải tưởng đơn giản, song hết sức phức tạp, liên quan đến mọi người, mọi ngành, trong đó có chuyện trồng cây đường phố.
Biết chắc tôi chưa hiểu, ông nói tiếp:
- Trồng cây đường phố có nguyên tắc của nó.
Thấy tôi chăm chú nghe, ông giảng giải:
- Cây bàng có nhược điểm cành rậm, lá to, lá rụng vào thời điểm nhất định. Những loài như thế thì không nên trồng trên đường phố. Vì sao ư? Phiến lá to, dày, rụng cấp tập, làm khó cho việc quét dọn; cành ngang khó tạo tán.
Những loài có đặc tính giống như bàng thường được trồng làm dải ngăn cách giữa cơ sở công nghiệp với khu dân cư. Dải ngăn cách phải rộng từ một trăm mét trở lên mới đủ ngăn bụi, ngăn tiếng ồn. Và ở nơi đó không phải quét lá hàng ngày.
Hào hứng tiếp nhận những điều mới mẻ, tôi liền hỏi:
- Vậy còn những loài cây nào không nên trồng trên đường phố?
- Cây ngoại nhập như cau vua, dáng thô kệch, chiếm khoảng không quá lớn; cây cành ngang, cây có nhựa, cây có hoa mùi hắc, phát tán bông bụi như cây hoa sữa. Bông của nó mỏng, nhẹ, dễ hít phải, gây bệnh đường hô hấp, khá nguy hiểm.
- Sao thấy có nhiều bài hát ngợi ca hoa sữa?
- Tôi biết, nhưng mùi hoa ấy chỉ nên thoang thoảng. Ở Hà Nội hoa sữa người ta trồng điểm, mỗi cây cách xa nhau. Vả chăng đó là những cây trồng đã lâu năm, hoa nở trên tầng cao.
Đang định hỏi thì ông nói ngay:
- Nên chọn loài cây có nhiều tác dụng, vừa cho bóng râm, giảm bụi, trung hòa khí các bon vừa làm đẹp cảnh quan. Ưu tiên hàng đầu là cây rễ cọc. Chúng có khả năng chống chịu gió bão, tự bảo vệ và bảo đảm an toàn cho con người. Những loài cây bản địa có dáng đẹp, lá rụng trải đều quanh năm.
Nhìn kỹ, hóa ra đường phố chúng tôi trồng toàn cây bàng, cây hoa sữa. Hầu như chẳng thấy có loài cây thứ ba nào khác. Đúng là phải thay đổi cách trồng cây đường phố. Việc này hẳn không dễ. Song một khi có chủ trương, kế hoạch đồng thuận trên dưới dọc ngang “Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Gửi phản hồi
In bài viết