Đạo Mẫu tại Tuyên Quang

- Việt Nam với bề dầy văn hóa về lịch sử văn hóa tín ngưỡng, thì Đạo Mẫu đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người miền Bắc nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Đền mẫu Tam Cờ, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang).

Thần chủ thứ nhất của đạo mẫu Việt Nam là công chúa Liễu Hạnh, truyền thuyết tại buổi yến tiệc trên thiên đình khi nâng chén vàng lên cung chúc vua cha, công chúa đã sơ ý đánh rơi làm Ngọc Hoàng nổi giận, giáng lệnh truyền cho xuống trần gian hiển Thánh tại Vụ Bản, Nam Định, bây giờ đền thờ chính tại Phủ Vân Cát và Sòng Sơn (Thanh Hóa). Vị thần chủ thứ hai là Thánh mẫu Thượng Ngàn, có nhiều điển tích và truyền thuyết về bà là người có công giúp vua dẹp giặc, yêu thương dân chúng, độ trì mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đền thờ chính tại bốn nơi là Đông Cuông (Yên Bái), Sâm Sơn Linh Từ (núi Dùm Tuyên Quang), Suối Mỡ (Bắc Giang) và Bắc Lệ (Lạng Sơn). Vị Thần chủ thứ ba là Mẫu Thoải Phủ, truyền thuyết bà là con vua Động Đình, kết hôn với Kính Xuyên, sau bị một người tiểu thiếp của Kính Xuyên tên là Thảo Mai trá đồ thư gieo oan nên bị đày lên chốn sơn lâm, đền thờ chính của bà tại Sâm Sơn Linh Từ (núi Dùm Tuyên Quang) và đền Dầm (Hà Nội).

Như vậy thần chủ của đạo Mẫu Việt Nam có ba vị (Tam Tòa Thánh Mẫu) thì có tới tận hai vị ngự chính tại Tuyên Quang, điều đó đã minh chứng rõ ràng Tuyên Quang là một miền đất Mẫu đã có từ ngàn xưa, có điển tích rõ ràng trong các tư liệu lịch sử văn hóa cổ Việt Nam.

Trong bản chầu văn cổ về thánh Mẫu thượng ngàn có từ trăm năm nay, ngay từ những dòng đầu tiên đã viết:

Sắc phong Lê Mại chúa tiên
Núi Dùm chúa ngự trấn miền Tuyên Quang
Đức Mẫu ngàn con vua Đế Thích
Giáng sinh vào quý tộc Lê gia
Năm Thân mùng hai tháng ba
Định sinh tiên chúa khai hoa giờ Dần…

Bà là hiện thân của thánh Mẫu thượng ngàn, được nhân dân khắp nơi tôn thờ và kính ngưỡng, đặc biệt là các thanh đồng dưới Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định rất tôn sùng, nhiều thanh đồng đã lập phủ thờ để bái vọng bà và thường trang trọng bắc ghế hầu bà trong những dịp lễ, tiệc long trọng.

Cũng như chúa thượng ngàn Lê Mại đã được thờ chính tại đền Sâm Sơn Linh Từ hay còn gọi là đền Thượng (Núi Dùm Tuyên Quang). Tại đây cũng thờ chính vị Mẫu thoải phủ Xích Lân Long Nữ, điển tích thơ phú hàng trăm năm về bà có đoạn viết khi bà bị đầy lên chốn non cao:

Trách Thảo Mai ra lòng giáo giở
Trá đồ thư làm cớ gieo oan
Chàng không soi xét thiệt gian
Nỡ đem đầy chốn lâm sơn sao đành
Đỉnh non xanh một mình vò võ
Sớm khuya cùng núi cỏ ngàn cây
Đèn trăng chiếu đá màn mây
Dưỡng thân hoa quả bạn bày trúc mai…

Chốn lâm sơn ở đây chính là đất Tuyên Quang xưa, và đỉnh non xanh kia phần nào cũng chính là khu vực núi Dùm ngày nay. Mẫu thoải cũng chiếm một vị trí đặc biệt trong văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam. Hàng năm, mỗi dịp Tết đến xuân về, hàng đoàn những xe khách thập phương nối đuôi nhau từ khắp mọi miền lên Tuyên Quang đỗ chật kín sân đền Thượng để cho các thanh đồng tứ phủ vào dâng lễ và chiêm bái Mẫu Thoải. Nói về sự đông khách thập phương thì đền Thượng (Núi Dùm) đứng hàng số 1, sau nữa phải kể đến đền cô bé Minh Lương.

 

Đền cô bé Minh Lương tọa lạc trên một ngọn đồi có phong cảnh hữu tình tại xã Lang Quán, Yên Sơn, Tuyên Quang. Đã từ lâu, cô đã nổi tiếng linh thiêng được phong Thánh trong đạo Mẫu và đưa vào hàng các Cô thường được các thanh đồng cả nước bắc ghế hầu vào mỗi dịp khánh đản quan trọng. Chầu văn cổ về cô ngay từ những dòng đầu tiên đã trang trọng viết:

Vầng nhật nguyệt soi đường chính đạo
Lượng càn khôn xét kẻ ngay gian
Nhớ xưa Lang Quán, Tuyên Quang
Minh Lương lại có cô nàng Thiên Y
Phù tiên dược thần kỳ cứu thế
Đất Tuyên Quang già trẻ đội ơn
Ơn người như núi như non
Trọn đời nhớ tấm lòng son vì đời…

Bởi lộc cô là lộc hái thuốc cứu đời, nên những ai muốn khỏe mạnh, khỏi hết bệnh tật về mặt tâm linh thường đến đền cô kêu cầu dâng lễ, vì thế đền cô Minh Lương quanh năm rất đông khách thập phương đến chiêm bái và thành kính dâng hoa. Tuyên Quang còn có rất nhiều điển tích về các ngôi đền đã được trang trọng ghi trong các áng chầu văn cổ của Việt Nam, như:

Tuyên Quang cảnh trí hữu tình
Núi Dùm Mẫu ngự trước ghềnh nguy nga
Cảnh đền Cấm một tòa thạch động
Đền Ỷ La lồng lộng ngôi cao
Cây Xanh chầu mắc võng đào
Mỏ Than chầu ngự thấp cao mấy tầng… 

     (Văn cổ Chầu Bé Bắc Lệ)

Rồi: Có khi ngự Nam lâu Bắc điện
Trở ra về chơi chốn Tuyên Quang
Dạo miền Thác Cái, Thác Con
Khi chơi Bắc Mục lúc sang Tam Cờ 

      (Văn cổ Quan Lớn Đệ Tam)

Nhắc đến đền Ỷ La, chúng ta cũng không thể quên được một nhân vật quan trọng ở đây, đó chính là Cô Tư Ỷ La, một nhân vật được tôn kính trong hàng Thánh Cô của Đạo Mẫu, được các thanh đồng cả nước biết tiếng và thường xuyên chiêm bái, rồi là những:

Đền thờ hoa quả xanh um
Lãng na chầu quẩy núi Dùm vô qua
Tức thời về tới Ỷ La
Nửa đêm giờ Tý hiện ra Đồng Tiền
Có phen lên tới tỉnh Tuyên 

      (Trích văn cổ Chầu Lục)

Bản văn trên đã được các nghệ nhân hàng đầu Việt Nam như nghệ nhân ưu tú Lương Trọng Quỳnh và Nghệ sĩ Nhân dân Khắc Tư thể hiện rất thành công.

Sách cúng xưa, khoa khao thỉnh sơn trang ngay những dòng đầu tiên có đoạn viết:

Sắc cẩn thỉnh đức chúa sơn trang
Vốn tiền duyên chúa ngự trên ngàn
Vào lệnh tộc danh xưng Lê Mại
Đền Tuần Quán, Đông Cuông thượng đại
Cảnh núi Dùm lịch đại muôn niên
Tỉnh Tuyên Quang qua miếu Đồng Tiền
Ỷ La thần Tam Cờ xuất nhập…

Đây là khoa cúng mà mỗi khi cúng Thánh Mẫu trước một vấn hầu đồng, thầy cúng dù ở vùng miền nào trên khắp cả nước cũng đều phải thỉnh tới. Thế mới biết các vị Thánh và những ngôi đền của Tuyên Quang trong hội đồng Tứ phủ đạo Mẫu Việt Nam mới chiếm một vị trí quan trọng và tối linh đến nhường nào.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, chúng ta cùng lắng lại lòng mình nhớ tới các ngôi đền có tuổi đời hàng trăm năm cổ kính trên mảnh đất xứ Tuyên linh thiêng, để thưởng thức các làn điệu hát văn thi đồng trong Lễ Hội Mẫu; cùng ôn lại những truyền thống tốt đẹp nhân văn mà đạo Mẫu đem lại, tôn vinh người Mẹ xứ sở đã hóa thân vào những đóa hoa Văn Hóa bất tử, tỏa hương thơm mãi ngàn năm.

Dương Đình Lộc

Tin cùng chuyên mục