Nhà Trần với những kế sách giữ nước ở Tuyên Quang

- Tháng 12 năm 1225, được vợ là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi, Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế, xưng là Trần Thái Tông, hiệu là Kiến Trung, mở đầu cho Vương triều Trần với 13 đời vua, kéo dài 175 năm trong lịch sử dân tộc. Nói đến nhà Trần là nói đến một vương triều luôn dùng “Kế thượng sách nhất là khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, “Thân dân” tập hợp toàn dân dưới ngọn cờ “Đông A” để đánh giặc và giữ nước. Nhờ vậy, nên ba lần, vào những năm 1258; 1285 và 1288 nhà Trần đã cùng toàn dân đánh tan quân Nguyên - Mông giữ vững nền độc lập cho dân tộc Đại Việt.

Những kế sách tiêu biểu

Những năm đầu của Nhà Trần, vua Trần Thái Tông vẫn duy trì nền hành chính của Nhà Lý; các kế sách của nhà Lý với vùng biên giới như Tuyên Quang, đồng thời từng bước tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước từ trung ương đến cơ sở.

Đại Việt sử ký toàn thư I “Kỷ nhà Trần Thái Tôn hoàng đế” (sđd 434) viết rằng, sau khi lên ngôi, tháng 2 năm 1226 Thái Tông cho định lại luật lệnh điều lệ để tháng 3 năm 1320 xét các lệ của triều trước để ban hành bộ “Quốc triều thông chế” gồm 20 quyển quy định về tổ chức chính quyền, và sau khi sửa chữa đã cho ban hành bộ “Quốc triều hình luật” để quản lý đất nước.

Năm 1242, Trần Thái Tông đã cho đổi 24 lộ thời Lý thành 12 lộ. Ở triều đình, Nhà Trần đã cho thực hiện chế độ Thái Thượng hoàng, tức là người đứng đầu quốc gia chỉ làm vua trong một thời gian nhất định, sau đó nhường ngôi cho con, còn mình đứng sau để hướng dẫn các con lãnh đạo đất nước. Hơn thế, Nhà Trần còn thực hiện chính sách chính quyền của một dòng họ, quan lại từ trung ương đến địa phương, đặc biệt vùng biên giới quan trọng đều do các thân vương và những người trong dòng họ nắm giữ, như ở Tuyên Quang do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật làm Tổng trấn các lộ Tuyên Quang từ năm 1280 đến năm 1285 vậy. Nhà Trần coi đây là một nguyên tắc và giữ nguyên tắc này đến năm 1400 khi Đại Việt rơi vào tay Nhà Hồ. Ở các địa phương, Nhà Trần cho xây dựng và tổ chức bộ máy chính quyền ba cấp là Lộ - Phủ; Huyện - Châu; Hương - Xã.   

Việc thứ hai là Nhà Trần đã bắt đầu mở khoa thi để kén chọn người hiền tài cho đất nước. Năm 1232 nhà Trần mở khoa thi Thái học sinh đầu tiên, lệ sau 7 năm mới mở khoa thi khác, mỗi khoa lấy từ 30 đến 50 người để  bổ đi làm quan các nơi.

Với các vùng miền núi, Nhà Trần tiếp tục thực hiện chính sách “Nhu viễn” của nhà Lý là dụ dỗ, lôi kéo, lôi kéo các tù trưởng làm việc cho mình, lôi kéo không được mà vẫn chống lại thì cương quyết trấn áp; tiếp tục thực hiện việc gả công chúa cho các Tù trưởng để ràng buộc họ trong hệ thống chính quyền của dòng họ Nhà Trần. ĐVSKTT trang 437 viết rằng, sau khi lên ngôi, “tháng 8 năm 1226, vua đã đem các cung nhân của Lý Huệ Tôn và các con gái thân thích họ Lý gả cho các Tù trưởng người Man” để thu phục họ nhằm buộc họ phục vụ nhà Trần giữ yên biên giới.

Trần Nhật Duật và đường lối “Thân dân” ở Tuyên Quang

Thời Trần, từ vua đến các quan trong triều ai cũng thực hiện việc “thân dân”, gần gũi với nhân dân, thương yêu dân chúng, chú ý đến cuộc sống của dân chúng từ đó đứng ra bảo vệ họ, khiến họ tin yêu mà đi theo mình. Đó là tiền đề cho chính sách đại đoàn kết dân tộc sau này. Người thực hiện xuất sắc nhất kế sách này chính là Trần Nhật Duật ở Tuyên Quang.

Trần Nhật Duật là con thứ sáu của Thượng hoàng Trần Thái Tông, là chú của vua Trần Nhân Tông, ông sinh năm 1255 hơn Trần Nhân Tông 3 tuổi, là người thông minh, học giỏi và rất tôn thờ đạo phật.

Lớn lên, khi được làm quan trong triều đình, Trần Nhật Duật rất thích chơi với người nước ngoài để học tiếng và biết được tình hình nước họ. Khi Trần Nhật Duật đã làm tới chức Tể tướng, mỗi khi tiếp sứ nhà Nguyên, ông đều không mượn người phiên dịch.

Với các dân tộc trên biên giới như ở Tuyên Quang, Trần Nhật Duật không chỉ nói được tiếng của các người Man, mà còn hiểu cả phong tục tập quán, văn hóa của các dân tộc này như ăn bốc, uống rượu bằng ống thông qua lỗ mũi - một phong tục còn tồn tại ở vùng Nà Hang mãi đến năm 1756 khi Lê Quý Đôn lên kiểm tra việc ẩn lậu thuế ở Tuyên Quang và đã viết trong phần Tuyên Quang trong sách Kiến Văn tiểu lục của ông.

Việc Trần Nhật Duật biết phong tục này không biết có phải nó gắn với truyền thuyết về việc khi ông đến đây tuần tra, ông lấy một người thiếp con một Tù trưởng ở châu Vị Long để vị Tù trưởng này cùng ông kiểm soát vùng biên giới Đại Việt giáp với Trung Quốc hay không? Nhưng hiện nay đền thờ bà thiếp của Trần Nhật Duật vẫn tồn tại dưới chân núi Pác Tạ của Nà Hang, là minh chứng cho việc ông đã đến tuần tra vùng này và lấy vợ ở đây.

Tháng 10 năm 1280, khi ông đang coi đạo Đà Giang nhằm đề phòng và chặn giặc Nguyên theo sông Chảy qua Lục Yên của Tuyên Quang (ĐVSKTT II tr 594; Khâm định II tr 93; ĐNNTC IV tr 392; Địa danh Yên Bái sơ khảo tr 175; Di tích lịch sử - khảo cổ học Hắc Y tr 155) để đánh vào Thăng Long lần thứ hai, ông được tin Trịnh Giác Mật, một thủ lĩnh người dân tộc ở Đà Dương nổi dậy làm phản. Khi ông đem quân đến nơi, Trịnh Giác Mật sai người đến quân doanh tỏ lòng thành nói rằng: “Mật không dám trái mệnh, nếu ân chúa đi ngựa một mình đến thì Mật xin hàng”.

Trước lời thách đố và đầy ý đe dọa đó, Trần Nhật Duật đem 5 - 6 tiểu đồng đi theo đến trại của Mật. “Khi đến trại thì người Man bày vây mấy chục vòng, đều cầm gươm và thương hướng vào bên trong. Nhật Duật đi thẳng trèo lên trại. Mật mời ngồi. Nhật Duật biết nói tiếng và hiểu phong tục các nước, cùng với Mật ăn bằng tay uống bằng mũi, người Man thích lắm. Khi Nhật Duật về doanh, Mật đem gia thuộc đến doanh đầu hàng... không mất một mũi tên nào mà bình được Đà Giang”. (ĐVSKTT I tr 496 - 497).

Với những điều mà chính sử đã ghi lại trong các cuốn sử của nước nhà như Đại việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục hay Lịch triều hiến chương loại chí... ta thấy nhà Trần mà tiêu biểu nhất là Trần Nhật Duật đã thực hiện tốt kế sách “thân dân”, “lấy dân làm gốc”. Chính vì thế nên ba lần quân Nguyên - Mông sang xâm lược nước ta đều bị quân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của vua quan nhà Trần như Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật đánh cho đại bại phải bỏ chạy về nước…

Biên khảo: Phí Văn Chiến

Tin cùng chuyên mục