Nhà Lý với việc phát triển đạo Phật ở Tuyên Quang

- Đạo Phật vào nước ta từ lâu, nhưng đến thời Lý, đạo Phật mới đến được Tuyên Quang. Vua Lý Thái Tổ là người cho xây chùa Nhùng ở Chiêm Hóa.

Trước năm 2016 nhân dân Tuyên Quang và các nhà khoa học lịch sử, khảo cổ và Hán - Nôm trong nước mới chỉ biết đến chùa Bảo Ninh Sùng Phúc ở xã Yên Nguyên huyện Chiêm Hóa của tỉnh Tuyên Quang mà chưa biết đến ngôi chùa Nhùng (theo cách gọi của dân địa phương) ở xã Hòa Phú, cách chùa Bảo Ninh Sùng Phúc ở xã Yên Nguyên của Chiêm Hóa chừng 3 km đường chim bay.

Theo Lý lịch di tích Chùa Nhùng số 372/LLDT - BT do Bảo tàng Tuyên Quang lập ngày 28-9-2015 và sách “Các di tích kiến trúc chùa Tháp Lý - Trần tỉnh Tuyên Quang” do NXB Thế giới ấn hành năm 2020 cho thấy:

Quanh khu di tích chùa Nhùng ở thôn Càng Nộc, xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang hướng Tây Bắc là các dãy núi như Núi Pù Kiềng (núi Đèn); Keo Chiêu (Đèo Chiêu, xã Tân An); Loong Lung (thung lũng nhỏ thôn Lũng Lằm), đèo Keo Khà (đèo Gà); phía Đông Bắc có đèo Keo Môn (đèo Môn), Khuôn Hang; phía Đông Nam là các dãy núi Pù Tâm, Pù Xe, Pù Quạt; phía Tây Nam là các dãy núi Đán Hán (con Ngỗng), Kim Lao, Tát Lụa (Thác Lụa); Cham Chu... phía Tây Bắc có 30 con suối, hướng Đông Nam là sông Gâm bao bọc.

Tại điểm khai quật, năm 2015 các nhà Khảo cổ học đã tìm thấy bệ đá hoa sen thời Lý nơi đặt 03 pho tượng Tam Thế thời Lý; đầu tượng Phật thời Lý; mảnh tháp đất nung; gạch bìa hình chữ nhật không có hoa văn trang trí; đồ gốm men... Các nhà khảo cổ học khẳng định đây đều là hiện vật của nhà Lý đầu thế kỷ 11.

Sang năm 2016 các nhà Khảo cổ đã khai quật và tìm thấy ở đây 250 hiện vật các loại gồm đồ gốm của thế kỷ 11 như bát gốm men ngọc ngà vàng và một số mảnh gốm men trắng thời Lý; di tích bệ thờ gồm một số mảnh tháp đất nung ở giai đoạn sớm thời Lý; ba cây bảo tháp đất nung; gạch in nổi cúc dây cùng thời với gạch in nổi cúc dây ở Hoàng thành Thăng Long...Tại chùa Nhùng không tìm thấy một mảnh ngói nào, có nghĩa là ngôi chùa chỉ được lợp mái lá...

Các nhà Khảo cổ đã kết luận: Một số hiện vật tại đây có niên đại thế kỷ 11 sớm hơn chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Từ đó chúng ta có thể suy luận rằng chùa Nhùng được xây dựng trước chùa Bảo Ninh Sùng Phúc với quy mô nhỏ và khá đơn sơ, mặt bằng kiến trúc khá chật hẹp...” (sách Các di tích tr 75 - 76 NXB Thế giới 2020).

Như vậy có thể khẳng định chùa Nhùng được vua Lý Thái Tổ cho xây dựng sau năm 1015 khi diệt xong Thủ lĩnh châu Vị Long là Hà Trắc Tuấn. Nếu lấy năm 1020 là năm xây xong chùa thì đến năm 2023 chùa này có tuổi đời là 1003 năm, nó cũng trùng với việc đạo Phật vào Vị Long và Tuyên Quang cách đây 1003 năm.

Vậy tên chùa Nhùng có nghĩa là gì? Theo nhà nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tống Đại Hồng, chữ Nhùng theo tiếng Tày có ba cụm từ như sau: “Mạy Nhùng” là loại tre nhỏ hơn hóp mọc thành từng khóm nhỏ ken dầy. “Nhả Nhùng” là Cỏ Ngựa; và “Nhùng” là con Muỗi. Theo các nhà khảo cổ học trong sách “Các di tích...” thì “tên chùa ngày nay được gọi theo tên gọi của loài tre/cỏ vốn xưa kia phủ kín khu vực đồi chùa” (tr 69 sđd).

Chưa bằng lòng với giải thích trên, tôi tìm đến GS - TS Sử học và Hán Nôm học là Đinh Khắc Thuân ở Viện Hán - Nôm để hỏi về việc đặt tên chùa. Ông cho biết: “đặc điểm nổi bật nhất của chùa thời Lý là đặt tên chùa gắn liền với tên đất nơi đặt chùa”. Bài viết của GS. TS Đinh Khắc Thuân “Về văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc thời Lý ở Tuyên Quang” đăng tạp chí Hán - Nôm số 5 (114) 2012, cũng có đoạn “Cũng cần giải thích thêm ý nghĩa đầu đề văn bia “Bảo Ninh Sùng Phúc tự”. Khi dịch tên bia này, phần lớn các bản dịch đều giữ nguyên phiên âm như bản gốc Văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Duy có bản dịch trong Văn bia thời Lý xuất bản năm 2010 thì dịch là “Bia chùa Bảo Ninh núi Sùng Phúc. Thực ra Sùng Phúc mới là tên chùa, còn Bảo Ninh là địa danh nơi đây”.

Nhận định này của GS - TS Đinh Khắc Thuân phù hợp với nhận định của các nhà Khảo cổ học viết trong sách “Các di tích kiến trúc chùa tháp thời Lý - Trần ở Tuyên Quang” là, năm 1107 khi “ngôi chùa này (Chùa Nhùng) đã xuống cấp hay vì lý do nào đó người ta xây dựng chùa Bảo Ninh Sùng Phúc bề thế và quy củ hơn”!  (tr 76 sđd).

Với các tài liệu đó, có thể khẳng định khi chùa ở Hòa Phú xây xong vào quãng năm 1020, thì chùa đã mang tên là BẢO NINH SÙNG PHÚC! Và năm 1107, khi xây lại chùa mới ở Yên Nguyên thì người ta vẫn mang tên chùa cũ đặt cho chùa mới là BẢO NINH SÙNG PHÚC và viết bia Bảo Ninh Sùng phúc tự bi.

Vậy Bảo Ninh là ở chỗ nào? Theo GS - TS Đinh Khắc Thuân “là tên gọi một trong bảy trạm dịch do nhà Lý đặt năm Đinh Hợi (1047) ở vùng địa đầu phía bắc. Mỗi trạm đều dựng ụ đá làm chỗ nghỉ trọ cho người Man Di. Cách thức ghi tên chùa gắn với địa danh nơi có chùa là đặc điểm thường gặp trên bia thời Lý” (tạp chí Hán - Nôm số 5 (114) 2012).

Năm 1047 là năm Lý Thái Tông ở ngôi. Ông là con trưởng của vua Lý Thái Tổ, tên húy là Lý Phật Mã, theo chế độ thế tập cha truyền con nối, ông lên làm vua thay Lý Thái Tổ từ năm 1028 đến năm 1054. Đây là năm Lý Thái Tông cho lập trấn Vọng Quốc, trong đó có trạm Bảo Ninh ở châu Vị Long, một trong bảy trạm dịch để tuần tra biên ải như ĐVSKTT đã viết.

Chữ Bảo Ninh trong ĐVSKTT viết trong thời Lý Thái Tông, chắc chắn đã có từ thời vua Lý Thái Tổ. Theo GS - TS Đinh Khắc Thuân, nó là tên đất thì chắc chắn xã Hòa Phú ngày nay, xưa vốn là động Bảo Ninh, là một trong 49 động của Vị Long do họ Hà quản lý. Còn nói Sùng Phúc là tên núi thì chưa chắc đã đúng, vì chữ Hán Sùng Phúc có nhiều nghĩa, nếu diễn giải theo cách thông thường của dân gian thì là “Sùng bái phúc đức” của nhà vua khi vua cha ban cho làm con rể và nhiều bổng lộc trên đất Vị Long. Nó cũng đúng như miêu tả của của các nhà khảo cổ mà chúng tôi đã trích ở trên, nghĩa là hệ thống núi bao quanh chùa Nhùng không có núi nào mang tên Sùng Phúc cả!

Từ các cứ liệu trên, đã đủ điều kiện để kết luận thời Lý Thái Tổ làm vua (1009 - 1028), ông đã cho xây dựng chùa Sùng Phúc trên động Bảo Ninh (tức Hòa Phú ngày nay) trước chùa Bảo Ninh Sùng Phúc ở Yên Nguyên gần 90 năm, mở đầu cho Phật giáo vào châu Vị Long và Tuyên Quang. Như vậy Phật giáo đã vào Tuyên Quang khoảng hơn 1000 năm.

Phí Văn Chiến

Tin cùng chuyên mục