Thời Trần - Đạo Phật phát triển cực thịnh ở Tuyên Quang

- Đạo Phật đã vào Tuyên Quang từ thời vua Lý Thái Tổ, vị vua đầu tiên của Nhà Lý thông qua con đường nhà vua gả công chúa thứ ba cho Tù trưởng châu Vị Long, rồi cho xây chùa Sùng Phúc trên đất Bảo Ninh, tức xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa ngày nay. Nhưng thời Lý, đạo Phật mới chỉ dừng lại ở châu Vị Long mà thôi. Phải đến thời nhà Trần (1225 - 1400) đạo Phật mới trở nên cực thịnh ở khắp Tuyên Quang.

Những căn cứ từ chính sử

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) I, sau năm 1225, khi vua Trần Thái Tông lên ngôi, nhà vua thường mời các cao tăng vào cung để bàn luận về phật pháp. Đây là thời kỳ vua đi tu, quan cũng đi tu, và dân càng đi tu, chùa chiền mọc lên khắp cả nước.

ĐVSKTT, Khâm định Việt sử thông giám cương mục và Đại Việt sử ký tiền biên là các bộ chính sử của đất nước đều cho biết, sau năm 1242 nhà vua cho đổi 24 lộ thời Lý sang 12 lộ thời Trần, và "Nhà Trần gọi là Tuyên Quang châu, thuộc lộ Quốc Oai", thì vùng đất này chính thức có tên là Tuyên Quang và được ghi vào chính sử của quốc gia từ đó (trang 1.048 Khâm định Việt sử thông giám cương mục tập I). Lúc này vùng đất Tuyên Quang không chỉ có 04 châu là Đô Kim, Vị Long, Bình Nguyên, Thường Tân như thời Lý mà có thêm những vùng đất mới như châu Thu Vật (nay là huyện Yên Bình - Yên Bái) trong đó có Lục Yên, mà Lục Yên thời Trần thuộc châu Đô Kim của Tuyên Quang (ĐVSKTT II trang 594).

Thời Trần, Nhà Trần đã cử các thân vương trong hoàng tộc trực tiếp đi cai quản các lộ, đặc biệt các lộ quan trọng giáp biên giới, Tuyên Quang được đặt dưới sự cai quản của Chiêu văn vương Trần Nhật Duật, (con thứ sáu của Thượng hoàng Trần Thái Tông). Trần Nhật Duật cai quản đất Tuyên Quang từ năm 1280 đến 1285 khi quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai, ông là vị Tổng trấn đầu tiên trong lịch sử của Tuyên Quang.

Trần Nhật Duật cai quản đất Tuyên Quang từ năm 1280 đến 1285 khi quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai. Trong ảnh:  Đền Pác Tạ là nơi thờ phụng và tưởng nhớ vị hôn thê của Tướng quân Trần Nhật Duật.    Ảnh: Cảnh Trực

Là con trong một gia đình sùng đạo phật, rất am hiểu đạo Phật, nên khi cai quản Tuyên Quang, ngay trong nơi đóng quân của mình ông đã cho lập chùa và khuyến khích quân lính, nhân dân các dân tộc trong vùng theo đạo Phật để cùng nhà Trần giữ nước. Đây cũng là thời kỳ đạo Phật phát triển rực rỡ trên đất Tuyên Quang về nhiều mặt như: số lượng chùa được xây dựng ở các làng xã, kèm theo đó là số lượng các phật tử theo đạo phật tăng lên; các công trình chùa tháp với nghệ thuật kiến trúc đa dạng, phong phú, nhiều bảo tháp có dấu ấn nghệ thuật điêu khắc Chăm có từ thời Nhà Lý.

Ngoài ra trên các bia đá, trên chuông xuất hiện nhiều bài Minh không chỉ giá trị về phật pháp mà còn có giá trị văn học và chỉ dấu lịch sử mà các nhà sử học thời đó chưa ghi chép được, như trên chuông Bạch Hạc Thông Thánh quán khắc năm 1321 cho biết về Trần Nhật Duật như sau: "Cuối đông năm Giáp Thân giặc Bắc đến xâm lược! Lúc đó, Khai quốc vương trấn thủ các lộ Tuyên Quang.

Ngày thượng nguyên năm Ất Dậu (1285) vương cùng Hứa Tông Đạo cắt tóc thề trước thần linh trên sông Bạch Hạc đem hết lòng trung báo ơn vua. Rồi đem quân tả hữu, một mình một ngựa xông lên phía trước. Vừa qua vùng Man Lão, quân Thát đã đến sau, trong vòng tám khắc hai bên không gặp nhau. Vương đến thẳng trước vua, chầu hầu ở bên ngự giá, rồi tập hợp quân sĩ, chém đầu Toa Đô” (Trang 629 Thơ văn Lý - Trần tập II).

Cùng với lịch sử, kết quả khai quật ở các chùa thuộc đất Tuyên Quang thời Trần do các nhà khảo cổ, bảo tàng các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang tiến hành thu được hàng chục nghìn hiện vật các loại đã khẳng định: thời Trần, đạo Phật phát triển cực thịnh trên đất Tuyên Quang.

Khẳng định từ kết quả khảo cổ học

Năm 2004 đến năm 2008, Bảo tàng tỉnh Yên Bái và Viện Khảo cổ đã tiến hành khai quật trong khu di tích Quốc gia Hắc Y tại xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên vốn là đất của Tuyên Quang từ thời Nhà Lý đến nhà Nguyễn (1010 - 1910). Việc khai quật trên diện tích rộng 2 km vuông có các khu chùa và nhiều tháp thuộc đồi Hắc Y (vị Thần Áo Đen); Bến Lăn và chùa Dõng cùng một vài di tích có liên quan, đã giúp các nhà khảo cổ và Bảo tàng thu được khoảng 6.000 hiện vật cực quý để khẳng định toàn bộ các di tích này được làm đầu thời Nhà Trần, nó có liên quan đặc biệt đến thời gian từ năm 1280 - 1284 khi Trần Nhật Duật đóng đại bản doanh để cai quản vùng biên ải Tuyên Quang, đồng thời vận động nhân dân các dân tộc ở đây theo đạo phật, đoàn kết cùng nhau để gìn giữ bình yên trên vùng biên ải này.

Đánh giá về nghệ thuật điêu khắc trong khu di tích khu chùa cổ này, PGS - TS Tống Trung Tín khẳng định "Nghệ thuật điêu khắc trong khu di tích này là những đề tài thời Trần quen thuộc ở Thăng Long như lá đề có đôi chim Phượng uốn theo hình lá đề chầu quầng sáng hình lá đề, đầu rồng có mào lửa mang má dài, đầu chim Phượng, GaRuDa, uyên ương, sen, cúc... tất cả nói lên tính thống nhất cao của nghệ thuật kiến trúc đời Trần" (trang 60 Di tích Lịch sử - Khảo cổ học Hắc Y; Sở VH TT YB 2008).

Hình tượng chim GaRuDa và tượng voi đất nung khiến nhiều nhà khoa học có mặt trong cuộc khai quật các cuộc Hội thảo khoa học về di tích Lịch sử - Khảo cổ Hắc Y như GS Phan Huy Lê, PGS Nguyễn Duy Hinh, PGS - TS Tống Trung Tín.

PGS - TS Diệp Đình Hoa, PGS Cao Xuân Phổ, TS Nguyễn Văn Quang, Thạc sĩ Tạ Xuân Hiếu và nhiều vị khác đều khẳng định, các hiện vật này có liên quan đến Trần Nhật Duật như ĐVSKTT I trang 312 đã viết về ông rằng, ông "Thường cưỡi voi đến thôn Bà Già (thôn này là khi Lý Thánh Tôn đánh Chiêm Thành, bắt được người Chiêm cho ở đấy lấy tiếng nước Chiêm đặt tên là Đa Da Li, sau gọi sai là thôn Bà Già) có khi 3 - 4 ngày mới về”.

Đánh giá về giá trị khu di tích Hắc y, Cố GS Sử học Phan Huy Lê, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã khẳng định "Sự ra đời và tồn tại một trung tâm văn hóa phật giáo tại vùng núi rừng biên viễn với những di tích, di vật mang phong cách chung của triều Trần còn cho thấy không những sự mở rộng ảnh hưởng của Phật Giáo mà cả sự kinh dinh thành công của triều đình đối với miền núi rừng phía bắc vốn giữ vai trò chiến lược trọng yếu trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Trại Thu Vật nằm trên lưu vực sông Chảy là một hướng tiến công của quân Nguyên từ Vân Nam sang và chính vì vậy Trần Nhật Duật đã đóng quân ở đây trong thời gian trấn thủ Tuyên Quang. Sự thành công của triều Trần, trong đó có cống hiến vô cùng quan trọng của Trần Nhật Duật là đã dựa vào các Thổ tù để đoàn kết các dân tộc miền núi và phát huy vai trò của Phật giáo để cố kết nhân tâm... nói lên sự thành công của triều Trần" trang 19 Di tích Lịch sử - Khảo cổ học Hắc Y; Sở VH TT YB 2008).

Kết luận của cố GS Phan Huy Lê đã khẳng định, dưới thời Trần, khi Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật cai quản Tuyên Quang thì đạo Phật phát triển rất rực rỡ, nó là một yếu tố quan trọng trong kế sách "Nhu Viễn" và "Thân Dân" của Nhà Trần mà Trần Nhật Duật là người tiêu biểu nhất trong nhà Trần để đoàn kết các dân tộc miền núi sẵn sàng bảo vệ đất nước!.
                                                                                                                                                                (Còn nữa)

Biên khảo của Phí Văn Chiến

Tin cùng chuyên mục