Điểm tựa cho giới nhạc sĩ
Năm 2002, việc ra đời của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã khẳng định sự quyết liệt trong việc thực hiện tác quyền âm nhạc. Trung tâm thực hiện các chức năng tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện cho người nắm giữ quyền tác giả thụ hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật. Hơn 20 năm qua, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có bước tiên phong, là điểm tựa cho giới nhạc sỹ trong việc bảo vệ quyền tác giả quyền liên quan.
Trong các cuộc Hội thảo về âm nhạc và vấn đề âm nhạc, nhiều nhạc sỹ đã từng nói về vấn đề này. Đó là thói quen từ thời bao cấp và một thời gian dài hoạt động tổ chức biểu diễn gần như không quan tâm đến vấn đề tác quyền. Chính các nhạc sỹ cũng đã quen với việc sáng tác mà không cần thu tác quyền. Họ nghĩ rằng, chỉ cần sáng tác của mình được công chúng đón nhận, được nhiều người nhớ và hát là niềm hạnh phúc. Tuy nhiên, ngày nay việc bảo vệ tác quyền âm nhạc là chính đáng, người nhạc sỹ có quyền được hưởng thành quả lao động nghệ thuật của mình. Vì thế, việc thực thi trách nhiệm về bản quyền đối với tác giả là ứng xử văn minh, thể hiện sự tôn trọng sáng tạo nghệ thuật.
Nhiều ca sỹ trẻ luôn có ý thức trong việc sử dụng bản quyền âm nhạc (Trong ảnh: Double 2T Bùi Xuân Trường biểu diễn tại Tuyên Quang).
Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền tác giả theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 2514/BVHTTDL-NTBD ngày 9-7-2013 và Công văn số 269/BVHTTDL-TTr ngày 6-2-2014 gửi đến Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước và các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Những bất cập
Tuy nhiên, hiện nay vẫn nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức tự ý sử dụng tác phẩm âm nhạc để biểu diễn thu lợi nhuận mà chưa nhận được sự đồng ý của các tác giả, không trả bản quyền âm nhạc cho nhạc sỹ sáng tác. Nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn vẫn có tình trạng trì hoãn trả tiền bản quyền, lạm dụng cơ chế thỏa thuận để cố ý làm mờ nhạt đi quyền “độc quyền” của tác giả. Đơn cử như vụ việc như ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt như: Mây Sài Gòn Show, Mây Lang Thang Show, Lululola Show… Các Show này không thiện chí trả tiền bản quyền khiến vấn đề kiện tụng xảy ra, chưa có hồi kết.
Bên cạnh đó còn nhiều vụ tranh chấp giữa các nhạc sỹ và ca sỹ trong vấn đề bản quyền âm nhạc tạo nên một mảng tối trong bức tranh nhạc Việt. Ở tỉnh Tuyên Quang việc thực thi trách nhiệm về bản quyền âm nhạc đang dần được quan tâm. Theo quy định, đối với tác phẩm âm nhạc, việc thực hiện thanh toán tác quyền cho tác giả được căn cứ theo Bậc 1 - Nghị định 61 hoặc thỏa thuận giữa bên sử dụng tác phẩm với tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm thông qua hợp đồng khoán gọn. Bên sử dụng tác phẩm trích từ % theo quy định doanh thu buổi diễn để trả cho: biên kịch, nhạc sĩ, nhạc sĩ phối khí, nhạc sĩ chuyển thể, họa sĩ theo thỏa thuận hợp đồng.
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, khi tác phẩm âm nhạc được biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật có tính chất kinh doanh thì phải trích % cho tác giả. Trên thực tế, trong các chương trình nghệ thuật lớn có tính chất quảng bá rộng rãi của tỉnh đều thực hiện Nghị định 61 này còn các chương trình văn hóa nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, hướng đến cộng đồng thì thỏa thuận với tác giả cùng ủng hộ.
Chi hội âm nhạc Tuyên Quang có trên 10 hội viên nhưng chỉ mới có 3 nhạc sỹ tham gia ký hợp đồng ủy thác với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Đó là nhạc sỹ Tân Điều, Đinh Quang Minh, NSƯT Vương Vình. Nhạc sỹ Đinh Quang Minh chia sẻ: “Đôi lúc các nhạc sỹ cũng chỉ mới lĩnh được vài ba triệu đồng tiền tác quyền. Nhưng dù sao đó cũng là một sự động viên tích cực cho các nhạc sỹ cống hiến cho âm nhạc”.
Bên cạnh đó, các tác phẩm được in ấn trên mặt Báo Tuyên Quang, Báo Tân Trào… được chi trả nhuận bút theo quy định. Còn tại Đài Phát thanh - Truyền hình Tuyên Quang việc thực thi quyền tác giả âm nhạc cũng được coi trọng. Chị Tăng Thị Hà, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cho biết, hàng năm nhà đài ký kết hợp đồng với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để sử dụng các tác phẩm âm nhạc của tác giả Trung ương, địa phương có ủy quyền cho Trung tâm.
Tuy nhiên theo NSƯT Đinh Tiến Bình từng chia sẻ tại các diễn đàn, trên thực tế nhiều nơi chưa hiểu rõ việc chi trả nhuận bút đúng quy định. Theo Nghị định 61 thì theo thể loại và quy mô bản nhạc, tác phẩm âm nhạc chia 4 mức tương ứng số tiền từ 10 đến 200 triệu đồng. Một số cơ quan, đơn vị chi trả theo cảm tính, mỗi bài ông nhận được 1-5 triệu đồng, trong khi đó số tiền thu băng đĩa đã “ngốn” mất 2 triệu đồng. Thế nên các nhạc sỹ khó sống được bằng nghề. Do đó để tránh tình trạng chi trả nhuận bút không đúng quy định thì nhạc sỹ cần phải có hợp đồng thỏa thuận đôi bên giữa nhạc sỹ và cơ quan, đơn vị đặt bài theo nội dung của Nghị định 61.
Tác phẩm âm nhạc là đứa con tinh thần của người nhạc sỹ. Thực hiện quyền tác giả trong âm nhạc là một việc làm hết sức quan trọng. Có như thế mới tạo động lực sáng tạo cho các nhạc sỹ, đời sống âm nhạc nước nhà mới từng bước phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết