1. Đầu năm, nhận lớp chủ nhiệm, điều quan tâm đầu tiên của tôi là lớp có học trò đang trong hoàn cảnh khó khăn không. Qua thông tin cô chủ nhiệm cũ, tôi liền điện thoại cho mẹ Hoàng Lan, em học giỏi, không có bố, thuộc gia đình cận nghèo.
Dạ cô, mẹ không có ở nhà - em trả lời. Nhà em khó khăn thế nào, nói cô nghe, được không em? Nhà em cũng bình thường thôi cô. Chỉ nói có vậy rồi xin phép cô được tắt máy. Kiểu trò chuyện lịch sự một cách khó chịu. Tôi hơi băn khoăn.
Trưa hôm đó tôi tới trường lúc các em đang truy bài. Bước vào lớp chủ nhiệm, thấy lớp không được sạch, vẫn muốn để các em truy bài nên tôi quét nhanh rồi dặn:
- Các em cố gắng tới phiên trực nhật của mình thì quét lớp sạch sẽ một chút nha. Lớp có sạch sẽ thầy cô giảng bài mới hay và các em tiếp nhận cũng hứng thú hơn.
- Quét không sạch đã có cô quét! - tôi nhìn theo hướng phát ra câu nói đó. Học trò mách, bạn Hoàng Lan mới nói đó cô. Tôi cười:
- Cô sẽ quét lớp quanh năm nếu các em có thể học giỏi tới mức không cần cô đứng giảng bài nữa.
Ngày hôm sau, tôi mới từ nhà xe bước vào đã thấy Hoàng Lan đứng ngay sảnh, em nói:
- Cô, cô cho tiền em đi chích thuốc chứ bị chó cắn rồi.
- Trời, cắn sao, hồi nào? Đã chích ngừa chưa mà đi học?
- Đ m, cái con chó khốn nạn, mẹ em rước ở đâu về không biết!
Tôi mới đanh mặt lại trước tiếng tục được phát to rõ từ miệng một trò nữ học giỏi thì em cười hi hi chạy mất. Một bạn khác lại nói nhỏ với cô, bạn ấy xạo á cô, con chó mới liếm chân bạn ấy thôi.
Minh họa: Bich Ngọc
Hôm sau nữa, tôi chạy tới trường, đang trưa chang chang nắng, xe vừa chực cua vào cổng thì có một chị chạy ra chặn đầu xe lại.
- “Cô ơi, cho tôi hỏi thăm chút!”
- “Dạ, có gì không chị?”.
- “Tôi là mẹ Hoàng Lan, nghe mấy đứa về mách nó dám nói tục trước mặt cô, tôi liền dặn không được nói bậy nữa, vô lễ với cô. Có nhiêu vậy mà giờ ngồi lỳ, không chịu đi học kìa cô!”.
Chị đưa tay chỉ về ngôi nhà nằm lệch bên phải của cổng trường. Ồ, nhà ngay cổng trường, tôi cua xe lại cửa gọi:
- “Lan, ra cô chở vào trường luôn nhé, nhanh chứ nắng nghe em!”
Hoàng Lan nói bằng giọng không ưng:
- “Để em tự đi!” rồi mặt bí rị, giậm chân thình thịch đi vào sân trường - đôi chân nhỏ bé mà bước đi như giáng búa xuống nền đường. Tôi yên tâm em đã vào lớp nên lại phòng đợi giáo viên rồi đi dạy tiết một luôn. Đến tiết hai tôi mới vào lớp chủ nhiệm với vai trò phụ trách môn Ngữ văn, nhìn về phía đầu bàn số 3 thấy trống, bèn hỏi lớp Hoàng Lan đâu, lớp trưởng kêu bạn học xong tiết một rồi ôm cặp về rồi cô. Chắc thấy vẻ mặt sững sờ không hiểu chuyện gì của cô, một em ngồi đầu bàn giải thích:
- “Bạn học giỏi nhưng ngang vậy đó cô. Đặc biệt rất ghét mẹ”.
- “ Cái gì? Ghét mẹ ??”
- “Hồi mới đẻ mẹ bạn đã đem cho người khác chứ không nuôi!”.
Câu chuyện học trò kể làm cô giáo tôi trăn trở. Chiều đó dạy xong tranh thủ ghé nhà Hoàng Lan liền. Em học xong đã chạy về bà ngoại, tôi ở lại trò chuyện với mẹ em tới tận tám giờ tối.
2. Nghe tin chồng chết trong một trận đánh vì tên bay đạn lạc thì mẹ cô mới biết mình có mang. Giữ gìn giọt máu của người quá cố nhưng sinh con xong bà ngoại cô lại ngoan ngoãn nghe lời bố chồng đi bước nữa và để đứa con gái còn đỏ hỏn cho ông bà nội chăm.
Ở với ông nội nghiện bài bạc và bà nội sợ chồng, giỏi cam chịu, mẹ cô uống nước cơm thay sữa, và bảy tuổi đã đi ẵm em mướn cho người ta để có cơm ăn, lớn một chút đi chăn bò thuê. Tình cảnh càng tủi hờn hơn khi bà ngoại cô lấy chồng giàu, sống cách con không quá năm cây số nhưng chưa bao giờ lén chồng về thăm con mọn, chứ nói gì chuyện cho đồng quà tấm bánh. Đói khát, bệnh đau, tự xoay xở. Một hành trình tuổi thơ chỉ bươn bả đi làm thuê cuốc mướn, lăn lộn núi nọ đồng kia, tối ngủ cái quần còn chưa kịp xổ ống, mang bùn vào giấc ngủ. Bà ngoại chắc không bao giờ biết đứa con gái của mình khổ đến cơ cực ấy. Trong khi, bà ngoại về nhà chồng, chăm nom đứa con nhỏ dại mới mất mẹ của chồng và sau đó đẻ tiếp tám đứa con với người chồng mới. Mỗi lần kể chuyện hai bầu sữa của mình bị ngoại đem cho đứa trẻ khác bú mớm, đôi mắt mẹ cô long lanh nước.
Nhưng không phải đến bây giờ, khi bà ngoại đã sắp đến tuổi trăm mà khi chồng mới của ngoại mất, khi những đứa em cùng mẹ khác cha đã có gia đình hết thì mẹ cô lại trở thành nơi nương tựa tuổi già của ngoại. Hai nhà cách nhau chừng gần ba cây số, nên cứ cách một ngày mẹ cô lại ra ngoại một ngày, tuổi già trái gió trở trời, mạnh đó yếu đó, ở đó đi đó chứ không hay cùng gì nên mẹ không dám lơ là. Có lần cô bức xúc nói: Ngoại có yêu thương chăm bẵm gì lúc nhỏ mà giờ mẹ phải đi gánh tuổi già của ngoại vào thân, để người ngày xưa bú hai bầu sữa của mẹ lo chứ giành chi phần khổ thì mẹ cô nói: không nuôi nấng yêu thương nhưng mẹ đã không phá bỏ mà vượt cửa tử để đẻ ra mình. Còn chuyện không dám trốn chồng về thăm con gái là vì ông chồng giàu có nhưng hung bạo, bà ngoại hiền lành lại sợ chồng nên mới lầm lạc vậy. Đại khái, tủi thì tủi nhưng nói động tới mẹ đẻ của mình là mẹ cô bênh liền.
“Nhiều lúc cô cũng thấy giận mẹ mình, hiền lành một cách quá đáng, yêu ghét không rõ ràng. Đâu có cái lý mẹ có làm sao con cái cũng không được thù ghét mà chỉ có lễ phép, kính trọng và báo hiếu?”.
“Đúng rồi cô. Đâu phải cứ đẻ ra một đứa con là trở thành một người mẹ!” - học trò đã “dính bẫy”.
“Ồ, học trò lớp 7 mà phát biểu một câu nặng trĩu!”
“Em cóp nhặt trên mạng hi hi…”
“Đó là một sự tham khảo thông minh!”.
Mỗi lời nói cô giáo tôi đều cố gắng “lấy lòng” cô học trò cá tính.
“Đã nhiều lần cô cằn nhằn mẹ không được mù quáng nhưng mẹ vẫn gạt phắt, dù nhiều lần khóc vùi vã vì tổn thương. Sau này, trước phút lâm chung, bà ngoại chảy nước mắt, hạt nước mắt đặc queo như nỗi day dứt đã kết tụ bao năm giờ mới được giải phóng. Đây là đứa con có hiếu nhất của mẹ, là người chị cả mẫu mực của các con… - ngoại nói và đi, nhẹ nhàng thanh thản trong vòng tay đứa con mình chỉ có công đẻ.”
- “Nhưng em không phải mẹ cô! Em không hiếu thảo được…”.
- “Cô biết, cô hiểu. Nên cô chỉ kể câu chuyện của mẹ cô như điển hình của câu chuyện tình mẹ giữa đời thường cho em nghe thôi chứ không khuyên nhủ điều gì. Nhưng em biết không, khi mẹ trọn đạo làm con thì cô, anh em cô chẳng thể buông một từ nào bất kính với mẹ. Mẹ đã dùng hành động để dạy con bài học hiếu thảo thì con cái làm sao lại không yêu thương, kính trọng mẹ được. Mai mốt, cô tin với sự giỏi giang của mình, em cũng sẽ trở thành một người mẹ tốt…”.
“Mẹ cô bỏ con cho ông bà nội nuôi, còn em, mẹ đem đi cho người khác!” - Hoàng Lan nói bằng giọng cực kỳ bức xúc.
“Cô đã có buổi trò chuyện chân tình với mẹ em rồi. Mẹ lấy nhầm chồng. Một ngày bị đánh bảy lần, lần nặng nhất gãy ba cái xương sườn vì đã bị chồng bổ ngang cái chày vào lưng. Mẹ em bỏ trốn. Bụng mang dạ chửa, mẹ sợ quay về nhà, ba đẻ sẽ tống ra khỏi cửa. Người đàn bà không bộ đồ phòng thân, không tờ tiền, lang thang ngoài chợ thị trấn, sống bằng sự cưu mang của những người buôn bán trong chợ - cho gì ăn nấy. Nhưng sau đó, khi nghe tin bố em say rượu, chết vì tai nạn giao thông thì mẹ em vẫn ráng giữ cái thai của người chồng vũ phu - cô xin lỗi em - để bây giờ cô mới có một cô học trò thông minh như vậy. Sinh con ra, biết mình không đủ sức lo mới ẵm đến cửa nhà giàu bỏ. Một người mẹ, đem bỏ khúc ruột của mình nằm khóc trên lề đường, em có hình dung được nỗi đau đó không? Em có thấy sau khi mẹ trôi dạt vào phố, chắt chiu đủ tiền về xây ngôi nhà nhỏ trên mảnh vườn của mẹ đẻ là lật đật đón con về chăm lo? Đó đích thực là tình thương.
“Nhưng nếu bà ngoại không lập tức tìm tới van xin quỳ lạy nhà giàu đó rồi đem em về nuôi thì lấy ai để mẹ đón về chăm lo và rầy la… ”
“Cô nghĩ số phận đã trả em về với người mẹ tội nghiệp - mẹ con được sống với nhau - chẳng có thứ hạnh phúc nào trên thế gian này sánh bằng. Cô xin mượn ý của một nhà văn nào đó mà nói với em rằng: cuộc đời này, bạn sẽ trải qua rất nhiều ngày buồn thảm nhưng ngày buồn thảm nhất tất sẽ là ngày bạn mất mẹ. Mẹ cho em đi trong cơ cực để đón em về trong hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Em biết không, cuộc sống, có những việc tưởng chừng vô nghĩa nhưng người ta lại làm thế, vì muốn giữ gìn một điều có nghĩa...”.
3. Có bóng người đứng trước cửa, tôi vội chạy ra. Ồ, mẹ Hoàng Lan đến nhà, tôi hơi sững, hình dung điều gì na ná tồi tệ nên nhìn chị bằng biểu cảm ái ngại và cả áy náy (vì nghĩ mình chưa giúp trò Hoàng Lan thoát ly khỏi những ý nghĩ tiêu cực về mẹ). Nhưng hôm nay chị ấy hơi là lạ. Tự nhiên tôi thấy chị như trẻ ra mấy tuổi so với hôm tôi đến thăm nhà. Do tôi ảo giác hay tại vì niềm vui của tình mẫu tử đã tiếp thêm nguyên khí để chị vẫn nõn nà như cái tuổi gần bốn mươi của chị. Tôi chưa kịp mời vào nhà chị đã vừa cười vừa nói:
- “Tôi đến để kể cô nghe chuyện vừa rồi Hoàng Lan tặng mẹ tấm thiếp có vẽ tranh mẹ bồng con, nó bảo cô giáo giao bài tập tự làm thiếp và viết lời yêu thương tặng mẹ nhân Ngày phụ nữ Việt Nam. Tôi mừng quá cô ơi, tôi cảm ơn cô nhiều nhiều…”.
Chị đến chỉ để kể nhiêu vậy rồi lại tất tả xin phép về, chị đang bán các thứ ăn vặt như bắp, đậu phộng, chuối luộc và bắp nướng ngay chỗ ngã tư của thị xã - trước khi đạp xe đi còn quay đầu lại khoe: nếu hôm nào không bận học, Hoàng Lan có ra phụ mẹ bán hàng đó cô.
Tôi đứng nhìn theo cái dáng gầy gầy, một cơn gió đầu đông thổi qua, gió lạnh nhưng lòng tôi đang ấm lại... n
Gửi phản hồi
In bài viết