Lan tỏa các giá trị đẹp

- Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang có 152 hội viên, trong đó có 36 hội viên nữ. Các chị phải vượt qua bản thân, gia đình để theo đuổi đam mê của mình. Những đóng góp của nữ văn nghệ sỹ xứ Tuyên làm cho nghệ thuật đa chiều, có tiếng nói, bản sắc riêng.

Thêm lăng kính mới

Nhà thơ Đoàn Thị Ký, sinh năm 1950, bút danh Quý Tâm, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sinh ra và lớn lên tạị phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang). Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên chị về làm công tác giảng dạy văn học tại trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang rổi chuyển công tác về Báo Tuyên Quang. Năm 1982, tỉnh thành lập Hội Văn học nghệ thuật, chị được biệt phái sang hội phụ trách mảng biên tập thơ của tờ Văn Nghệ Hà Tuyên (nay đổi tên là Báo Tân Trào, rồi Tạp chí Văn nghệ Tuyên Quang).

Sau đó chị đi học tiếp Trường Viết văn Nguyễn Du và về công tác tại Tạp chí Kiểm tra Trung ương. Ở đây chị mới xây dựng tổ ấm gia đình và công tác cho đến lúc nghỉ hưu (2005). Nhìn trên bản trích ngang quá trình công tác thấy cuộc đời chị là những xê dịch, liên tục xê dịch. Có lẽ từ lý do xê dịch ấy nên sự nghiệp, đời tư chị cũng chất chứa sự từng trải, tự nó nở ra một miền thơ tươi thắm, mặn nồng lồ lộ những miền quê vừa thơ mộng vừa nhọc nhằn gian khổ!

Các tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Đoàn Thị Ký như: Dòng sữa nuôi tôi (thơ, in chung trong tập Đường qua kỷ niệm, NXB Việt Bắc, 1975); Cô gái và cầu vồng (thơ, 1995); Nửa vòng bông gạo (thơ, 2001); Năm nhành lục bát (thơ, 2011)... Theo Nhà thơ Đoàn Thị Ký, đối với phụ nữ theo đuổi con đường nghệ thuật cũng gian nan, thử thách. Tất nhiên ngoài năng khiếu, lòng đam mê, sự chăm chỉ, lăng kính sáng tác, thì người phụ nữ ấy phải “bồng bềnh cháy hết mình”.

Nhà thơ Đoàn Thị Ký (áo đỏ) với bạn văn chương.

Thơ văn không thể “sống sượng”, mà trở thành “món ăn tinh thần” đòi hỏi sự dầy công, tinh tế của nữ văn sỹ. Trải qua thăng trầm của lịch sử, nữ văn nghệ sỹ Tuyên Quang tuy số lượng không nhiều bằng nam giới, song đã cống hiến hết mình cho sự phát triển của văn học nghệ thuật tỉnh nhà, của đất nước, tạo ra sự phong phú, đa dạng.

Nhà thơ Phạm Thúy Mơ, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) là một trong những hội viên nữ gắn bó với Hội VHNT tỉnh từ mấy chục năm nay. Bà vừa viết văn xuôi, vừa làm thơ. Văn xuôi của bà với tuyến nhân vật chủ yếu là những người lính, thanh niên xung phong gắn với cuộc đời khói lửa của mình. Còn mảng thơ, tác giả chủ yếu viết về quê hương, đất nước với tình yêu đằm thắm và duyên nợ. Tập thơ Hương quê là tập sách thứ 5 mà tác giả vừa mới cho ra mắt bạn đọc. Vẫn trên mạch thơ truyền thống, ký ức về làng quê lại được bà làm cho tươi mới hơn. Ở đó có bóng dáng của những con người chất phác, mộc mạc và cả dòng sông, bến nước chảy tràn qua những đời người. Thơ của bà dung dị, gần gũi với ca dao, với lời ăn, tiếng nói của người nông dân.

Còn ở tập truyện ngắn Ngày trở về cũng vậy. Tác giả Phạm Thúy Mơ tập trung khai thác những vỉa tầng trong nội tâm từng nhân vật một cách sinh động và lôi cuốn. Đọc xong tập truyện ngắn, gấp sách lại, càng thấy yêu quý, trân trọng những thanh niên xung phong khi xưa trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhà thơ Phạm Thúy Mơ cho rằng, những năm trong chiến trường cho bà nhiều ký ức, cảm xúc để rồi nay về hưu có cơ hội tái hiện nó trong tác phẩm văn học của mình. Ngoài tham gia sáng tác văn thơ, bà Mơ còn tích cực tham gia công tác xã hội, làm Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố Tuyên Quang.

Một nửa thi vị

Nhà văn Hoàng Kim Yến, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho rằng, số lượng hội viên nam “áp đảo” cho thấy chị em phải nỗ lực nhiều. Trước kia nhiều người khuyên chị không nên theo nghiệp văn, vì nghề viết lách vừa nghèo vừa mệt đầu, nhất lại là phái nữ. Đã nhiều lần nhà văn định “cai” không viết nữa, song kế hoạch đó không thực hiện được. Máu văn chương trong người chị vẫn thường trực trỗi dậy, viết như một nhu cầu tồn tại. Chỉ có viết chị mới thấy nhân vật sống động, tâm hồn được giải tỏa. Viết với đam mê văn học mới sống đúng con người chị.

Nhà văn Hoàng Kim Yến.

Nhà văn Hoàng Kim Yến viết khá đa tài, chị viết đều tay ở nhiều thể loại. Về lĩnh vực tiểu thuyết, “Đoản khúc giao mùa” để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc. Thể loại bút ký, chị đã từng giành giải A “Người con đất Ỷ La” tại Cuộc thi Sáng tác, quảng bá về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do tỉnh tổ chức. Ở thể loại thơ, tập thơ “Giấc mơ của bé” giành giải Khuyến khích Cuộc thi thơ do Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trao. Tại Cuộc thi Truyện ngắn Tuyên Quang 2022, nhà văn Hoàng Kim Yến giành giải C với tác phẩm “Quê gắn số”.

Vừa xuất bản nhiều sách, vừa có nhiều giải thưởng Trung ương và địa phương, nhà văn Hoàng Kim Yến có bút lực sắc, khỏe khiến chị ngày càng tỏa sáng. Trong tác phẩm “Giải mã lời nguyền” chị viết khá bồng bềnh. Nhà văn cho rằng Văn tức là Đời nên chị chú ý cóp nhặt cái ngoài đời vào tác phẩm của mình. Giọng văn tưng tửng, pha hài, châm biếm song cốt truyện của chị có hậu, mang tính nhân văn sâu sắc. Theo chị muốn tác phẩm văn chương hay nhà văn phải thực sự sống với đời sống của nhân vật, nhà văn phải đi, tìm hiểu, suy ngẫm rồi viết. Những chi tiết xây dựng nên tác phẩm phải có thật, có thông điệp mạnh, giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ở Chi hội Văn học Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nhà thơ Bùi Thị Mai Anh được đánh giá là cây bút sắc sảo, viết khỏe, nhiều tâm huyết với văn chương, công tác hội. Từng là một giảng viên, thạc sỹ Văn học của Trường Đại học Tân Trào với nhiều đầu sách giáo khoa nghiên cứu về văn học. Sau khi nghỉ hưu nhà thơ Bùi Thị Mai Anh tích cực tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và đi sâu mảng lý luận phê bình văn học. Thế mạnh của cây viết Mai Anh là truyện ngắn, thơ, bình thơ.

Gần đây chị có truyện ngắn “Ốc Anh Vũ”, thơ “Dùng dằng với Lâm Bình”, “Vào lửa”, “Bây giờ em khác xưa rồi”, “Viết ở nghĩa trang Vị Xuyên”, bình thơ “Gặp nàng Tô Thị ngỡ người làng ta”, “Thơ Ngọc Hiệp”… Theo nhà thơ Bùi Thị Mai Anh, phụ nữ tham gia văn học nghệ thuật cũng có khó khăn, song cũng có điểm lợi. Như trái tim dễ rung cảm, đồng điệu với các vấn đề, giọng thơ lạ, phát hiện tinh tế. Dưới góc nhìn của phụ nữ, nghệ thuật có thêm một lăng kính mới.

Nhà thơ Thèn Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho rằng, nếu không có phụ nữ làm văn nghệ sỹ thì cuộc sống mất đi một nửa thi vị. Cách nghĩ, cách thể hiện của phái đẹp càng làm cho đấng mày râu hiểu hơn về một nửa thế giới của họ. Thế giới mà ở đó có tình yêu, sự bao dung, vị tha, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó được lan tỏa. Các nữ văn nghệ sỹ người Tuyên Quang và sinh hoạt tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang đã góp một tiếng lòng da diết cho văn đàn, lan tỏa các giá trị đẹp đến công chúng.

Quang Hoà

Tin cùng chuyên mục