Cảm xúc mùa hạ

- Mùa hạ mùa của những cây phượng trổ hoa rực đỏ, mùa của những con ve sầu kêu râm ran, mùa của những cơn mưa rào chợt đến rồi chợt đi. Mùa hạ gợi nhớ cho người ta mùa của sự chia tay mái trường thân yêu, để lại trong lòng bao nhiêu cảm xúc. Đứng trước khung cảnh lãng mạn, đong đầy cảm xúc như vậy, các nhà thơ xứ Tuyên rung động cho ra đời các tác phẩm thơ về mùa hạ.

Họp lớp cũ kỷ niệm mái trường xưa lại hiện về.

Nhà thơ Tạ Bá Hương rất lưu luyến với mái trường xưa. Mùa hạ với nhà thơ là một kỷ niệm đẹp về mái trường, thầy cô, bạn bè.

Trong bài thơ “Với trường xưa” nhà thơ viết: “Nhớ nhau lắm mà không gặp được/Nhớ mùa thi và gương mặt bạn bè/Những hàng phượng rủ nhau cùng thắp lửa/Và con đường cháy dọc suốt mùa ve… Em bây giờ về Nam hay ngược Bắc/Mang lo toan theo những cánh chim trời/Những con đường đưa em về tít tắp/Có khi nào thương nhớ nữa, người ơi?/Mùa năm nay ai về không nhỉ/Rêu phong nào phủ kín những dấu chân/Xa vắng quá một miền mây trắng/Với trường xưa, ta thành kẻ nợ lần”.

Nói về mùa hạ, nhà thơ Vũ Mạnh Tữ cũng rung động trong bài “Vào hè”. Bài thơ có đoạn: “Bập bùng phượng đỏ vào hè/Phố dài đã mải tiếng ve gọi đàn/Thành Bầu vời vợi non ngàn/Núi Dùm đổ bóng chảy tràn dòng trôi/Phù xa đất thức bồi hồi/Làng Tằm ngõ nhỏ nắng rồi vội đi/Cánh cò về Bắc thiên di/Đồng Hoàng Khai vội hẹn kỳ năm sau/Người về bỡ ngỡ sắc màu/Ngõ xanh phơi phới bóng cầu thời gian/Thung thăng cá vội gọi đàn/Đón màu phượng đỏ chảy tràn dòng lô”. Ở bài “Lần tìm tháng Tư” nhà thơ Vũ Mạnh Tữ thể hiện sự lãng mạn của mùa hạ: “Tháng Tư ngõ vào hè/Lập lòe cánh phượng đỏ/Trời xanh đi bỏ ngõ/Lững thững những mây trôi”.

Mùa hạ với nhà thơ Nguyễn Ủy lại tập trung vào mái trường. Trong bài “Tản mạn tháng Tư” có đoạn: “Tháng Tư về, nắng trải khắp nơi nơi/Xua cái rét Nàng Bân còn vương lại/Hay con tim vẫn vu vơ hờn giận/Của một thời ngơ ngẩn mối tình phiêu/Tháng Tư về hoa phượng thắp lửa yêu/Gợi ký ức bao thời áo trắng/Vui tung tăng giữa sân trường đầy nắng/Thoáng ngượng ngùng nhận cánh phượng trao/Tháng Tư về gợi những khát khao/Của một thời ấp ủ bao hy vọng/Bao nhiệt huyết với đam mê cháy bỏng/Trên đường đời trải rộng bước thênh thang”. Có lẽ nhà thơ Nguyễn Ủy rất yêu màu hạ, bài “Loài hoa ấy” nhà thơ viết: “…Loài hoa ấy nói về thời xa ngái/Cánh phượng hồng cài mái tóc tung bay/Như vấn vương, lưu luyến ánh mắt ai/Rất tinh nghịch, mà tim ai rạo rực…”.

Cảm xúc mùa hạ với màu phượng đỏ, màu áo trắng học trò.

Nói về “mùa chia tay” người ta nghĩ ngay ra là mùa hạ. Ai lớn lên cũng một thời áo trắng, sân trường, phượng đỏ. Nhà thơ Trần Cự trong bài thơ “Chia tay mùa phượng đỏ” có đoạn: “Khuôn viên trường một chiều hè/Rộn rã tiếng ve/Gần những ngày thi tốt nghiệp/Sắp chia tay rồi, hôm nay họp lớp/Rực rỡ sân trường phượng đỏ thân thương/Rồi mai đây tạm biệt mái trường…!/Buổi họp lớp xong rồi/Nhưng hoa phượng đỏ vẫn lưu chân người ở lại/Con gái, con trai/Kỷ niệm ba năm chung học miệt mài/Những buồn vui cùng nhau chia sẻ/Họ đứng bên nhau/Lặng im và nhìn hoa phượng đỏ/Bao nhiêu ký ức không quên…”.

Đối với các nhà thơ, mùa nào cũng đẹp, mỗi mùa có một “đặc sản”, hay “kỷ niệm riêng”. Mùa hạ cũng vậy,  cảm xúc với những cây phượng hoa đỏ rực, dòng Lô mênh mông nước, mái trường xưa… trở thành nỗi da diết, chạm vào phần ký ức riêng của mỗi người.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục