Người Tuyên ở phố

- “Người xứ Tuyên ở phố”- bà thường tự hào nói về mình như vậy. Dù đã có bao năm sống ở thủ đô nhưng bà vẫn mang cốt cách người Tuyên chính gốc: Mộc mạc, thật thà, hồn nhiên và tự nhiên như cây cỏ. Đoàn Thị Ký với trái tim đa cảm, dễ xúc động nên bất cứ điều gì xảy ra quanh thi sỹ cũng khiến tâm hồn bà rung cảm, thoải mái khóc, cười cùng nhân vật, sự việc. Là con người ưa dịch chuyển, khám phá, tác phẩm của bà được ví như chuyến hành trình tinh thần giải tỏa khát khao được đi và viết của người phụ nữ ưa “xê dịch”...

Cuộc đời là những chuyến đi

Giữa thời buổi người ta chuộng những ấn tượng mạnh, những “cú đấm” nghệ thuật gây sốc tức thì, gây ngạc nhiên ngay lần đọc đầu tiên thì Đoàn Thị Ký lại luôn kiên trì một con đường thơ lặng lẽ và lẩn khuất. Những bài thơ của bà bẩm sinh sẵn sàng từ chối những bạn đọc một lần (rất đông trong đời sống vội vã hôm nay). Nó chỉ chọn để ập vào những ai chịu đọc và đọc đi đọc lại vài lần, và trong một trạng thái hoàn toàn thảnh thơi, lắng dịu. Bởi như bà nói: “Đa đoan, phá cách không phải là tính cách của tôi. Tôi không làm thơ để chứng tỏ mà là làm thơ để bày tỏ”. Không chủ trương làm mới về hình thức, câu chữ của bà là tiếng nói vọng ra từ sâu thẳm cõi lòng, không định làm rắc rối hay mệt mỏi người đọc mà đơn giản chỉ muốn truyền năng lượng tích cực tới độc giả.

Dọc theo hành trình thơ Đoàn Thị Ký, từ tập “Dòng sữa nuôi tôi” (In chung năm 1975) đến “Cô gái và cầu vồng” (1995), rồi “Nửa vòng bông gạo” (2001) và “Hà Nội thời có nhau” (2010), người đọc sẽ nhận ra điểm nổi bật và cũng là nét riêng của thơ chị đó là “Nhật ký hành trình”: Đời - Người - những vùng đất mà nhà thơ đã đi qua.

Ngay từ những trang viết đầu tay, được Nhà xuất bản Việt Bắc tập hợp in thành tập “Dòng sữa nuôi tôi” đã thấy hình ảnh những miền quê lấp ló hiện lên trong thơ bà. Đó là khung cảnh làng quê, nơi mình sinh ra và lớn dậy, nó giống như cái vành nôi để ru vỗ cho thơ bà chắp cánh bay đi khắp miền đất nước. Những câu từ tuôn theo dòng cảm xúc. Đó là sự yêu thương, đồng cảm người dân quê lam lũ, trân quý hạt lúa, gốc rạ quê mình: “Tay cấy lúa nước bốc hơi hầm hập/ Thương lúa giữa trời chả nón che thân/Bóng lúa nương nhau hàng hàng ngay thẳng/Một cánh cò bay vội dáng phân vân… (Hạt nắng hạt vàng).

Nhà thơ Đoàn Thị Ký.

Từng công tác giảng dạy văn học tại trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang, bà xin chuyển công tác về Báo Tuyên Quang. Trở thành phóng viên, thỏa chí viết lách và niềm đam mê khám phá, trải nghiệm, thơ Đoàn Thị Ký giai đoạn này mang đến nhiều thú vị với mới mẻ, tâm hồn rạng rỡ yêu đời. Ngay từ tựa đề tập thơ “Cô gái và cầu vồng” đã thấy được sự trẻ trung, yêu thích khám phá, tìm cái mới lạ của bà. Với hơn 70 trang sách cùng 35 bài thơ nhưng đã có tới trên 20 bài mang tên các địa danh mà bà đã đi qua. Mỗi nơi được nhìn với con mắt đầy yêu chiều của lăng kính nữ sỹ làm nghệ thuật. Điều thú vị là sự hồn nhiên mà không kém phần dịu dàng qua từng câu chữ qua bài thơ “Nhà ta ở”: “Chân Bát Đại Sơn là sông Tráng Kìm/Chân sông Tráng Kìm ngựa ta uống nước/Ta cưỡi ngựa thăm đất này đất khác/Chỉ có núi là không gặp nhau”.

Bài thơ được phác họa rồi dần dà vẽ chi tiết đặc tả bằng những câu thơ thật đẹp. Tái hiện khung cảnh yên bình của một làng quê dưới chân núi. Đoàn Thị Ký luôn gửi gắm một ánh nhìn đẹp và nên thơ: “Dây bí bò lan, bò tỏa/Con ngựa già đẻ con ngựa non/Ăn bánh hạt dền bụ sữa/Nhà ta ở nước đi vòng tròn”.

Nét vẽ, lời kể chuyện đều mộc mạc, câu từ, màu sắc cũng mộc mạc nhưng đẹp đẽ, sinh động hồn nhiên đến lạ thường. Vẫn mạch cảm hứng này bà lại mang đến người đọc thấy vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ tươi đẹp dọc miền đất nước. Đúng như nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa nói, người làm thơ đi nhiều là lợi thế, nhưng ghi lại bằng thơ trên từng chặng đường, từng địa danh mà mình đã đi qua thì ít người làm được như Đoàn Thị Ký. Khung cảnh mọi miền quê hiện lên thật mới lạ qua lăng kính của thi sỹ. Đó là một Lào Cai mây trắng ngang trời, chút lạ lẫm của Sa Pa làm nên điều thú vị, để rồi người thơ ấy không dấu vẻ kiêu ngầm: “Ngẩng mặt Hoàng Liên trào thi hứng/Ngoái Hồng Hà má lựng bồ quân”; một Tây Nguyên đặc trưng: “Đác tiếng dân tộc Ê Đê, Ba Na là nước/ Miền đất điệp điệp cái tên: Đácglay, Đáchà, Đácmin, Đácrlấp... gợi nước đầy buôn, đầy làng/Nước sinh ra từ cánh rừng/Cánh rừng ngậm trầm tinh hoa của nước. 

Thế nhưng cho dù đi đến nơi đâu thì sau cuối, nữ thi sỹ ấy vẫn luôn ưu ái miền ký ức cho dòng sông quê hương. Bởi bà từng trải lòng, có đi trăm ngàn nơi khác thì quê mình vẫn dịu dàng, êm đềm, ký ức tuổi thơ không thể nào quên được: “Sông Lô chiều man mác/Rơi từng ngày cuối năm/Ai có về dưới đấy/Cho ta lời nhắn thăm”.

Nhà thơ Đoàn Thị Ký (ngoài cùng bên phải) cùng với các nhà thơ trong nước.

Sự đằm sâu trong từng câu chữ

Quê gốc của nhà thơ Đoàn Thị Ký ở làng Tiên Du (Bắc Ninh) nhưng bà được sinh ra và lớn lên tại Nông Tiến (TP Tuyên Quang). Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, bà về làm công tác giảng dạy văn học tại trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang rồi chuyển công tác về Báo Tuyên Quang. Năm 1982, tỉnh thành lập Hội Văn học - Nghệ thuật, bà được biệt phái sang Hội phụ trách mảng biên tập thơ của tờ Văn Nghệ Hà Tuyên (nay là Báo Tân Trào). Sau đó bà đi học tiếp trường Viết văn Nguyễn Du và về công tác tại Tạp chí Kiểm tra Trung ương. Ở đây, bà mới xây dựng tổ ấm gia đình và công tác cho đến lúc nghỉ hưu (2005).

Giờ đây, khi bà đã ở vào tuổi xế chiều của đời mình, bao cảnh đời dâu bể, những biến cố thời đại được Đoàn Thị Ký nhìn nhận sâu sắc hơn. Cái “tôi” trữ tình trong thơ Đoàn Thị Ký là cái “tôi” hướng nội, suy tư, nghiền ngẫm về tình yêu và bản chất của sự sống. Có một số bài thơ của bà được người đọc yêu thích vì nó chạm đến cõi sâu thẳm trong trái tim với đầy ắp những tâm tư, khát vọng rất đỗi đời thường.

Đọc thơ bà, độc giả nhận thấy có một “bài học” nào từ sâu trong ta đang dạy bảo ta một chút gì về đời sống, mà không hề giáo điều. Và thi ca đích thực luôn là như vậy, nó đánh thức, vỗ về, yên ủi, làm cho đời sống nào đó trong tinh thần của ta nhẹ như sương. Để từ đó con người biết nhận ra cái sai, cái đúng, để biết vươn lên và yêu thương nhiều hơn. Đó chính là những phút giây “ngộ” của nhà thơ - người đã đi qua mọi thăng trầm của cuộc đời, đã ngấm tuyết sương nhân thế, đã thấu sự hữu hạn của thời gian, sự vô lý của kiếp người:

“Câu hát nghĩa tình níu cong đòn gánh/Ai cuối dòng sông tôi gửi gió thơm đồng!/... Năm tháng rồi qua vô tình mải miết/ Không biết trong mình có hạt phù sa/Không biết trong mình ăm ắp lời ca/ Từ thuở trong nôi.../Dòng sông thì thầm với tôi như thế!” (Thầm thì dòng sông).

Trò chuyện với Đoàn Thị Ký qua thơ, có thể nhận thấy, bà là con người tỉ mỉ, cẩn trọng. Tuyệt không thấy một câu chữ xuề xòa nào dù trong một bài thơ ngắn hay một bài viết dài. Chắc hẳn, bà đã ngồi im lặng thật lâu trong cảm xúc của mình, đợi cho những cơn sóng trào tâm trạng qua đi, đợi cho lắng xuống những phù sa tinh tế nhất, mà đổ vào trang giấy những chắt chiu tận cùng của mình: “Trí tuệ hướng con người vươn xa/Trí khôn níu con người về lại/Cái bóng của mình/Cái bóng hằn lên da hổ/trong câu chuyện cổ nước nhà/Cái thiện phải lấy dây thừng ghì cái ác/Ghì thật chặt/Mới hy vọng sự mô phỏng thiên nhiên trên luống cày thời đại/Làm bác trâu già mọc lại hàm răng…”(Thời đại và trí khôn). 

Những năm tháng làm việc, sống và viết đã chưng cất trong trái tim nhà thơ một tình cảm thiết tha với những miền quê yêu dấu. Hành trình thơ và hành trình cuộc đời của bà dường như có sự đối sánh và song hành cùng nhau. Ở đó bà được thỏa sức cống hiến, sáng tạo và hết mình để tạo ra những thi phẩm trong vắt, lắng đọng theo thời gian.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục