Sách được chia làm bốn phần chính: Hành trình, Trên ngọn đồi Watership, Efrafa và Thủ lĩnh Cây Phỉ. Trong mỗi phần, đan xen giữa cuộc phiêu lưu của một nhóm thỏ có ý chí, niềm tin, khát vọng sống, sức mạnh tự thân kết hợp với sức mạnh tập thể là những truyện truyền thuyết của loài thỏ. Đó là những sáng tạo mang âm hưởng dân gian, vừa có chút hóm hỉnh, nhẹ nhàng, vừa có sắc thái triết lý sâu sa, trên hết là ngợi ca trí thông minh sắc bén và lòng dũng cảm của những anh hùng thỏ trong những câu chuyện truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng thỏ.
Đồi thỏ không đơn thuần chỉ là một quyển tiểu thuyết thiếu nhi - hài hước, vui nhộn rồi quên lãng - mà dư âm của nó đọng lại trong lòng độc giả vô cùng sâu sắc. Với thiếu nhi đó là cuộc phiêu lưu đầy ly kỳ hấp dẫn cùng với những phẩm chất tốt đẹp cần phải học tập, còn với người lớn thì ẩn đằng sau những câu chữ đó là những triết lý về cuộc sống.
Đồi thỏ nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quá tự mãn với sự an nhàn sung túc mà ta cho là đương nhiên, nó vinh danh những người chống lại kẻ áp bức trong chính ngôi nhà mình và tìm kiếm tự do. Qua đó, tác giả cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo sự diệt vong của động vật hoang dã, cũng như sự tàn bạo của loài người đang hủy hoại dần cuộc sống của cả muôn loài trên Trái Đất này và cả chính họ nữa. Với chúng, loài người như là một kẻ thù đáng sợ và nguy hiểm nhất, với những chiếc máy brừm - brừm có thể tiêu diệt cả giống loài của chúng. Chúng cũng không thể chấp nhận làm con thỏ nhà, suốt ngày ở trong một cái lồng nhỏ không biết chút gì về thế giới bên ngoài. Vì thế chúng chọn đi, chọn tránh xa con người, chọn cho mình một cuộc sống tự do và hạnh phúc thật sự.
Tờ News York Times đã dành những lời khen tặng cho quyển tiểu thuyết này như sau: “Đặt trong bối cảnh của Berkshire Down, nơi ông đã lớn lên trong một phong cảnh yên tĩnh của đồi cỏ, cánh đồng, suối và rừng phía tây Luân Đôn. Đồi thỏ là một câu chuyện thiếu nhi mang đậm tính cổ điển, đầy khám phá và đấu tranh... Đó câu chuyện ngụ ngôn vượt thời gian của tự do, đạo đức và bản chất con người. Vượt quá quyền hạn của lời nói và trí tuệ, tác giả Adams đã mang đến những nhân vật đầy tính nhân bản và chân thật thông qua những con thỏ, với nỗi sợ hãi run rẩy, thô lỗ, táo bạo và một văn hóa dân gian của tục ngữ và thơ ca”.
Có lẽ đó chính là lý do mang lại cho Đồi thỏ huy chương Carnegie và giải thưởng Guardian cho thể loại tiểu thuyết viết cho thiếu nhi (1972), được nhà xuất bản Penguin công bố là cuốn sách đứng thứ hai trong danh sách bán chạy nhất mọi thời đại (1985), có tên trong danh sách 100 cuốn sách của mọi thời đại (2003), 100 cuốn sách giá trị nhất (2007) do BBC và trang web Worldbookday bầu chọn.
Gửi phản hồi
In bài viết