Mới Tết đó mà lại Tết nữa rồi. Ba trăm sáu lăm ngày cứ tưởng là dài dằng dặc nhưng nhiều khi như một cái chớp mắt rất nhanh. Hôm nay đã qua tết ông Công, ông Táo được mấy ngày. Chỉ vài hôm nữa thôi là bước sang năm mới. Lòng thấy háo hức, xốn xang như con trẻ, tôi lấy xe đi dạo một vòng chợ hoa để cảm nhận không khí Tết. Đi qua những con đường trung tâm thành phố mới thấy được sự đông vui, nhộp nhịp của những ngày giáp Tết.
Chợ hoa nằm dọc bờ sông Lô, và dọc hai bên đường qua Quảng trường Nguyễn Tất Thành có lẽ là một trong những nơi thể hiện rõ không khí Tết. Con đường bên bờ sông ngày thường khá vắng vẻ thì giờ đây thật ồn ào, náo nhiệt. Mọi người chen chúc trên con đường nhỏ ngắm nghía những chậu đào, chậu mai, chậu kiểng, thưởng thức đủ mọi loại hoa đầy màu sắc.
Thấy tôi đứng ngắm chăm chú chậu đào thế khá đẹp, người bán hàng đon đả chào mời:
- Chậu đào này đẹp lắm cô ơi! Hàng độc đó, phải mất cả chục năm mới tạo được một cây như này. Vừa có dáng, thế đẹp, vừa có nhiều nụ to, bảo đảm Tết sẽ nở rất đẹp. Cây này cô cứ chơi thoải mái từ giờ đến hết tháng Giêng. Cô muốn thuê cũng được mà mua tôi cũng bán…
Đúng là cây đào đẹp thật, nhưng vì không có ý định mua hay thuê cây đào ấy nên tôi cố tìm cách chê bai:
- Nhìn cũng đẹp nhưng cây này không có mấy lộc, nụ to nhưng ít, với lại thời tiết ấm thế này khéo chưa đến Tết hoa đã nở hết rồi, mà giá lại đắt quá…
- Không đắt đâu, tiền nào của nấy mà…
Đúng là khi đời sống sung túc, người ta thường có nhu cầu hưởng thụ, điều đó thật tự nhiên. Nhớ lại những cái Tết khi còn nhỏ, mới học cấp 1, cấp 2 nhà tôi ở thôn quê nên chưa bao giờ có khái niệm đi chợ mua hoa Tết, mà thường có gì thì dùng nấy, hoặc đi xin. Cứ chiều 30 mẹ tôi sang xin bà ngoại chặt một cành đào; rồi ra vườn bứng cây hoa mẫu đơn hoặc mấy cây cúc vạn thọ, hoặc mấy khóm đồng tiền cho vào chậu, lấy giấy đỏ bọc quanh chậu hoa, thế là xong việc trang trí hoa Tết.
Minh họa: Bích Ngọc
Ngày ấy chợ hoa tỉnh lẻ lại là chợ nhỏ chủ yếu bán cho người nghèo ngày Tết nên hiếm loại đắt tiền mà thường bán nhiều hoa vạn thọ, lay ơn, các loại cúc, cúc mâm xôi, cúc đại đóa, mẫu đơn, các chậu ớt, chậu đồng tiền, chậu cảnh đơn giản… Còn nhớ, hồi đó có Tết mẹ tôi mua khoảng chục bông lay ơn và một cành đào, nhưng thường thì mẹ hay mua chậu hoa vạn thọ và một cành đào nhỏ. Nhớ Tết tôi đi chợ cùng mẹ, không hiểu sao mẹ đi loanh quanh mấy vòng chợ, phải quá 12 giờ trưa mới mua được cành đào be bé. Nhìn cành đào giá rẻ chỉ có ít nụ chơ vơ trên ngọn, mẹ nói: Thôi kệ, thế này cũng đẹp rồi, chỉ cần có hoa đào ngày Tết thôi mà! Về nhà chị tôi tìm bình để cắm cành đào nhưng miệng bình rộng, cành đào nhỏ bỏ vào lọt thỏm, chị phải cho thêm vào vài cây phát lộc để giữ cho cành đào đứng thẳng. Tôi thì tìm mấy tờ giấy màu bọc chậu vạn thọ. Ngắm công trình chuẩn bị Tết của mấy mẹ con tôi, bà nội cười bảo: Vạn thọ vừa đẹp vừa có ý nghĩa lắm, đầu năm chưng vạn thọ là cầu cho mọi người điều tốt lành, sống lâu, an khang thịnh vượng…
Gần 2 tiếng đồng hồ lang thang, mê mải ngắm hoa đã thấy thấm mệt. Nhìn dòng người và xe cộ đông đúc trong chợ hoa tôi đang định thoát ra để ghé vào quán cà phê nghỉ ngơi thư giãn, bỗng nghe văng vẳng đâu đó như có tiếng mẹ gọi: “Con ơi, đợi mẹ đi chợ Tết với”. Theo phản xạ tôi đứng lặng quay nhìn bốn phía, không thấy bóng dáng mẹ đâu. Trong tích tắc tôi chợt nhận ra, Tết này tôi đâu còn có mẹ! Có lẽ tiếng gọi ấy của mẹ vang lên từ trong tiềm thức, từ trong sâu thẳm nỗi nhớ mẹ khôn cùng của tôi…
Và tôi lại lan man nhớ về những cái Tết có mẹ. Thời còn sinh viên, dù nhà còn thiếu khó, nhưng mỗi lần về Tết tôi vẫn được mẹ mua cho khi thì chiếc áo mới, khi thì chiếc quần mới, có khi là đôi dép mới. Rồi mẹ còn ghé tai tôi thì thầm: “Đây là dành riêng cho con gái học ở Thủ đô đấy!” Hồi đó, những mâm cơm ngày Tết tuy không đủ đầy như bây giờ, nhưng mẹ đã cố gắng lo toan để mấy chị em tôi có được những cái Tết đầm ấm bên mẹ. Đến bây giờ trải qua bao năm tháng có đủ cả vui buồn, sướng khổ của gần một đời người, tôi vẫn không quên được hương vị ngọt ngào của tình mẫu tử đong đầy những bữa cơm ngày Tết nghèo của gia đình khi ấy.
Tết này là cái Tết đầu tiên không có mẹ, cứ nghĩ thế là lại thấy tủi thân quá đỗi.
Mấy cái Tết vừa rồi mẹ đã yếu, không còn đi thăm chúc Tết bà con họ hàng được nữa. Nhớ năm nào hồi mẹ còn khỏe, mỗi lần chuẩn bị đi chúc Tết nhà cậu mợ ở xã Trung Môn là mẹ con lại... bất đồng. Mẹ bảo: Đi xe máy cũng được, đi xe taxi làm gì cho tốn tiền! Các con thì nhất quyết: Đường xa, trời lạnh phải đi tắc xi cho sức khỏe an toàn, mẹ ơi. Mới Tết năm kia mẹ vẫn đi ra đi vào nhắc các con cháu mua lá dong, gạo nếp, đỗ xanh để gói bánh chưng.
Tối 28 Tết thấy các cháu mải nô đùa, xem ti vi, mẹ lại luôn miệng nhắc nhở múc nước đổ thêm vào nồi bánh chưng đang sắp cạn. Rồi mẹ còn dặn, vợ chồng con về Hà Nội ăn Tết, mùng 2 Tết lên nhé. Thế rồi, mùng 3 Tết các con cháu có mặt đông đủ cùng ăn bữa cơm hóa vàng vui vẻ, rồi cùng chụp ảnh lưu niệm. Nào ngờ đó lại là những tấm hình cuối cùng mẹ chụp ảnh Tết cùng các con, cháu.
Cả đời mẹ tôi, từ thời con gái đã tảo tần, vất vả, chẳng khi nào được đi chơi xa. Con đường mẹ tôi đi có lẽ chỉ là từ nhà đến nương ruộng, vườn tược; đến hợp tác xã quay mỳ sợi; đến nơi trông giữ xe đạp… và từ nhà ra chợ, từ chợ về nhà. Giờ đây khi mẹ mất rồi, tôi mới cay đắng nhận ra mẹ mình quá ít dịp được đi chơi đây đó. Hơn nửa đời người, tóc trên đầu sợi bạc đã nhiều hơn, tôi đã đi qua những mùa xuân, những cái Tết có mẹ thật bình yên, hạnh phúc, để đến giờ càng thấm thía mẹ là món quà vô giá của đời tôi!...
Có lẽ, thấy tôi ngồi trầm ngâm khá lâu bên ly cà phê đã cạn nên người chủ quán ra nhắc khéo:
- Cô ơi, cô đã đi sắm hoa Tết chưa? Tết này chợ hoa mình có nhiều hoa đẹp lắm.
Tôi giật mình đứng dậy thanh toán tiền rồi nói:
- Cô cũng ngắm chợ hoa từ sáng rồi, giờ cô ra mua hoa đây.
Đã gần trưa, nhưng chợ hoa thành phố vẫn khá đông người. Tôi nhìn thấy ở họ có cả nét hân hoan, những niềm vui và cũng có cả những lo toan nào đó cho cuộc sống của mình. Và có lẽ cũng có người như tôi, còn có những phút giây lắng lòng để hoài niệm về mẹ, bởi đó là điều thiêng liêng nhất mà nếu mất đi thì tâm hồn con người chỉ còn là một cõi trống không hụt hẫng…
Một năm đã trôi đi với bao biến cố, nhưng Tết vẫn là Tết giống như từng tờ lịch cuối cùng của năm cũ đã rơi xuống cho tờ mới tiếp theo vẹn nguyên. Đó là sự hạnh phúc trong mỗi con người và vệt dài hoài niệm sẽ chắp nối, truyền lửa cho mỗi con người tiếp tục hướng tới…
Tết đã đến bên hiên rồi. Tết cũng là mùa Xuân. Xuân của đất trời cũng như đời một con người có đến có đi, có rực rỡ để rồi phai tàn. Nhưng khi ta nuôi dưỡng được mùa xuân trong tâm hồn thì sẽ chẳng phải lo gì những ngày dài tiếp theo:“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua sân trước một cành mai!”.
Gửi phản hồi
In bài viết