Tôi biết Đào năm một chín bảy sáu. Khi đó em đang theo học Trung cấp Nông - Lâm nghiệp của tỉnh. Bấy giờ, hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang vừa sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Ngôi trường mới chuyển về gần nhà tôi. Đào sáng láng trong tốp năm người mà tôi quen. Đôi mắt đẹp thơ dại. Trong ánh mắt ấy có nắng, có mưa và có cả giông tố. Dáng em mai mảnh. Mái tóc buông dài và làn da trắng hồng. Đào ít nói, thường hay cười thầm. Tôi quý nét dịu dàng của em. Một cô gái Tày ở nông thôn, mười chín tuổi, tươi duyên như một bông hoa rừng. Đôi mắt có bão giông kia, chắc chắn sẽ bỏ bùa nhiều trai làng. Em nói với tôi: Gia đình anh ấy đã có lễ ăn hỏi. Coi như một đám cưới thời chiến. Sau đó anh lên đường nhập ngũ.
Với phong tục miền núi, nhà trai và nhà gái đã gặp mặt, coi như “trâu đã có cọc”. Đào kém tôi một tuổi. Tôi coi như đứa em gái. Công tác tận Hà Giang, thỉnh thoảng tôi mới tạt qua nhà. Mỗi khi tôi về, Đào cùng mấy bạn thường đến chơi. Có lần, mấy đứa bắt tôi khao một tối phim tại Rạp Tháng Tám. Chúng tôi xe đạp lai nhau, từ làng ra phố. Cả bọn bắt tôi phải lai Đào. Chúng nó nháy nhau gì đó. Rồi theo đề nghị tha thiết của tôi, em đã hát một bài then Tày về mùa xuân.
Ngày ấy, trai gái đưa nhau bằng xe đạp là dễ bị nghi ngờ. Thú thực, tôi chưa hề đèo bạn gái, đi đêm, trên con đường dài ra phố. Cơ hội này, tôi mới có dịp hỏi thêm về Đào. Em tâm sự, quê em ở xã Xuân Giang, huyện Bắc Quang. Đây là trung tâm của cụm mấy xã. Con gái Xuân Giang, nổi tiếng xinh đẹp, ngoan hiền, lại chăm chỉ công việc.
Sau khi chồng đi bộ đội, em xin đi học trung cấp nông lâm nghiệp. Tiếng là có chồng, nhưng chúng em chưa kịp quen hơi nhau thì đã phải chia xa. Anh ấy là người cùng quê. Hai bên gia đình chọn cho. Cả hai chưa biết yêu đương là gì. Anh ấy cũng chẳng được học đến nơi đến chốn. Thư về thưa thớt. Giải phóng miền Nam đã hơn một năm mà đến giờ không có tin tức gì. Em nghĩ… chắc có chuyện gì đó. Tôi nghĩ, điều này Đào đã giấu tôi.
- Thế em định tính sao? Tôi hỏi. Mãi em mới nói:
- Em cũng chẳng biết nữa. Em như ván đã đóng thuyền. Kệ cho thuyền trôi.
Trong tôi, không dám có tình cảm riêng với Đào. Nhưng tự nhiên, tôi vẫn muốn quan tâm việc gia đình của em. Sau, tôi nhận được thông tin, giải phóng miền Nam, chồng Đào đang trong quân ngũ, vi phạm pháp luật, bị tòa án quân sự truy tố. Tôi ghim điều đó trong lòng, như cất giữ một nỗi đau, không biết nói gì với em. Động viên hay an ủi. Mà với em, tôi đã là cái thớ gì…
Thời bao cấp, đường xá giao thông khó, xe khách lại càng hiếm. Những dãy người xếp hàng dài chờ đến lượt mua vé xe, có khi lại hết. Em nhờ tôi mua vé xe về quê vì tôi công tác trong lực lượng vũ trang, được ưu tiên. Tháng tám, năm một chín bảy bảy, tôi cùng Đào trên chuyến xe ngược Hà Giang. Đường cua và sóc, đi được vài chục cây số, cô gái Tày đã say mềm. Em dựa hẳn vào tôi và nhờ tôi lấy giúp chiếc khăn mặt trong túi. Chuyện sẽ chẳng còn gì để nhớ, nếu như...
Đào xuống xe giữa chặng đường. Tôi tiếp tục cuộc hành trình. Chiều tối, xe khách mới tới Hà Giang. Vừa bước chân đến cơ quan, đã có điện thoại của công an huyện Bắc Quang. Đầu dây bên kia là Danh, bạn tôi:
- Ông xem lại cái túi xắc du lịch đi - Giọng nó vừa cười vừa trách - Đầu óc ông thế nào để ra nông nỗi này?
Bây giờ tôi mới mở túi. Nào khế xanh, quần áo, xoong quấy bột… Ôi thật lạ lùng. Tôi đã xách nhầm túi của Đào.
Thì ra… Đến ngã ba Bắc Quang, Đào xuống xe. Tôi đưa cho em cái túi buộc chiếc khăn mặt. Ai ngờ, trong lúc say xe, em đã buộc chiếc khăn đó sang túi của tôi. Đi bộ về nhà, chừng mười km, gặp bạn, Đào mở túi lấy khế ra mời bạn thì, ôi thôi… Thế là Đào lại phải cuốc bộ ngược trở lại huyện lỵ. May, có anh Danh là người cùng xã, đang công tác tại công an huyện.
Sáng hôm sau, tôi bắt xe xuôi Bắc Quang. Gặp lại Đào và Danh. Ba chúng tôi cười lăn ra vì hai cái túi. Nó giống hệt nhau, cả về hình dáng, màu sắc và kích thước. Chúng tôi cùng ăn trưa với nhau tại công an huyện, rồi chia tay… Cuối năm đó em ra trường, về địa phương công tác.
Thời gian trôi như nước xuôi dòng. Chiến tranh biên giới bùng nổ. Các cơ quan cấp tỉnh chuyển về thị xã Tuyên Quang. Tôi được về gần nhà. Rồi lại chia tách hai tỉnh. Câu chuyện cái túi xắc theo tôi suốt chặng đường công tác. Nhưng cuộc đời của Đào, tôi nào hay biết. Con thuyền ấy đã đưa em nổi trôi về đâu giữa mênh mông dòng đời? Công tác chuyên môn, gia đình, vợ con, cuộc sống hay tôi là kẻ quá vô tâm? Chỉ những thông tin chắp vá mà tôi có được qua những người bạn cũ. Năm một chín bảy tám, chồng Đào hết thời gian cải tạo, về địa phương. Vẫn theo thói cũ, chàng vướng vào tệ nạn xã hội. Đào tham gia công tác ở xã, chuyên trách khâu trồng trọt, thú y. Được khoảng hơn chục năm thì em bỏ việc vì sinh nhiều con, cuộc sống chồng chất khó khăn.
Năm hai nghìn không trăm lẻ bảy, được nghỉ chế độ, tôi có dịp đi thăm những người bạn cũ. Trong đó có Danh. Ông cũng đã nghỉ hưu ở trung tâm huyện lỵ Bắc Quang. Thực lòng tôi muốn tìm gặp cô gái Tày năm xưa. Những kỷ niệm cũ vọng về. Gia đình Danh tiếp tôi một bữa rượu thịnh soạn. Mái tóc xanh thuở nào của Danh, một chiến sỹ công an, giờ đã trắng xóa thời gian.
Danh kể cho tôi nhiều chuyện nữa. Nghe mà buồn rười rượi. Chồng của Đào mải mê cờ bạc, mắc bệnh nặng rồi mất cách đây ít năm. Gánh nặng đè lên đôi vai bé nhỏ. Người phụ nữ mảnh mai phải nuôi sáu người con gái, rồi lần lượt gả chồng cho các con. Nay vẫn còn hai cháu chưa xây dựng gia đình. Hai cháu vào miền Nam làm ở khu công nghiệp. Chén rượu vui mà sao lòng tôi nghẹn đắng. Tôi nóng lòng muốn gặp Đào.
Sáng hôm sau, tôi đi Xuân Giang. Bây giờ xã này đã thuộc huyện mới, Quang Bình. Trước khi chia tay, Danh dặn tôi rất kỹ, nhớ hỏi Đào Xuân nhé. Ở bản Tính đó có mấy người cùng tên là Đào. Người Tày vùng này thường gọi tên bố mẹ theo tên đứa con đầu. Tôi phóng xe máy, hồi hộp tìm gặp lại em. Đường nhựa đã về xã nhưng nhiều đoạn chưa hoàn thiện.
Đường vượt qua đồi cọ nắng rợp. Đường men cánh đồng lúa xanh. Nhà sàn bê tông, nhà xây kiên cố xen lẫn. Cuộc sống ở nông thôn miền núi đang khởi sắc. Những đồi chè xanh tua tủa búp. Cam quýt trĩu quả ven đường. Theo người chỉ lối, tôi đã đến bản Tính. Con đường bê tông hẹp lượn qua đồng lúa dẫn đến một ngôi nhà sàn, ven suối. Vườn ngô, trái đã căng bắp. Rặng tre xanh nắng. Ngôi nhà gần như biệt lập với thôn bản. Tôi dựng xe dưới sàn, ngước lên. Có bóng dáng người. Tôi hỏi vọng lên:
- Có ai ở nhà không ạ?
- Có, chú lên nhà đi - Giọng một người phụ nữ.
Tôi bước lên cầu thang. Trên nhà có ba người nữ. Tôi đoán, đây là ba thế hệ. Trước mặt tôi, người đàn bà xa lạ. Bà mặc váy Tày, màu đen, cũ, áo phông màu tối. Bà mời tôi ngồi, giục con gái chừng mười hai tuổi, đun nước. Tôi nhìn quanh như một sự dò xét khắp ngôi nhà. Nhà sàn truyền thống của người Tày. Ba gian, cột gỗ tròn, vững trãi. Mái lá cọ đã cũ. Một góc bàn thờ nhỏ, nơi chính giữa. Ảnh một người đàn ông mặc đồ bộ đội, khuôn mặt khắc khổ. Mấy bao thóc, ngô xếp ở góc nhà. Bí và rau bên thích nước. Hình như bà đã đoán nhầm ý tôi. Chừng một phút sau, bà hỏi tôi:
- Chú định mua ngôi nhà sàn này hả? Chị đã rao bán. Cũng có vài người đến hỏi rồi.
- Bao nhiêu thì bà bán? Tôi hướng chủ đề theo chủ nhà, nhìn thẳng vào mắt người phụ nữ Tày, và khuôn mặt nhàu nhĩ kia. Hay tôi đã lầm? Chẳng lẽ… Ba chục năm, một sự tàn phá của thời gian. Hình như chỉ có đôi mắt vương một chút u hoài. Người phụ nữ Tày thong thả trả lời:
- Hai trăm triệu. Cột xà, khung, sàn toàn bằng gỗ tốt.
- Ngôi nhà đang ở, sao bà lại bán? Tôi hỏi lại.
- Chị muốn bán để vào trung tâm xã. Ở đây vắng vẻ. Với lại, chị muốn ở với vợ chồng đứa con gái, trông cháu.
Tôi không thể kìm nén được nữa. Hình như tôi đang diễn một vở kịch rất vô duyên trước một người phụ nữ quá nhiều đau khổ. Chợt tôi đổi giọng:
- Đào. Em không nhận ra anh?
- …!
- Anh là ai? Em cũng thấy quen quen…?
- Anh Lương. Nhà anh ở Kim Phong. Nước mắt tôi tự dưng tràn ra…
- …? Thật không? - Ôi… Po me ơi, Po me à… Lục lan ơi, bạc Lương. (Bố mẹ ơi…con cháu ơi, bác Lương).
Hai đứa trẻ không để ý việc mua bán nhà. Khi người phụ nữ thốt lên, sửng sốt bằng tiếng Tày chúng mới quay lại. Nó không biết điều gì đang diễn ra. Đứa con gái quay sang nhìn tôi. Nó chưa bao giờ chứng kiến tâm trạng này của mẹ. Chắc con người này có ẩn ức gì trong cuộc đời mẹ nó.
Sau giây phút bàng hoàng, căn nhà như lắng lại. Hai đứa trẻ quây về bên bếp. Đào ngồi xích lại gần tôi. Em chất thêm củi vào cái bếp vuông. Lửa bập bùng nhảy múa. Chuyện xưa, chuyện nay đan chéo. Đào kể rằng, lâu lắm, có một lần nhìn thấy anh Lương trên ti vi. Em nghĩ sẽ chẳng bao giờ được gặp lại anh. Đào trách tôi đã quên cô gái Tày khốn khó ở góc rừng này rồi… Chuyện về cái túi xắc ba mươi năm trước…Về bao cuộc vui, gặp mặt… bạn bè rủ, em đều không đi được. Tôi ngắm bàn tay em. Những ngón tay thô ráp nhiều vết sẹo. Không biết bao nhiêu mùa vụ, nhọc nhằn đã đi qua đôi bàn tay ấy.
Tôi xin phép em, thắp hương cho người chồng xấu số. Gần trưa thì con gái, con rể của Đào cũng về. Bọn trẻ cũng xúm lại làm cơm. Chúng nó đã có lần được nghe mẹ kể về tôi nên cứ ríu rít hỏi chuyện. Bữa trưa thật phấn khích. Em chúc tôi mấy chén rượu. Em bảo rượu tự tay nấu bằng ngô vườn nhà. Các con cũng thay nhau chúc tôi. Tôi bảo em, sông có khúc, người có lúc. Những vất vả đã lùi xa em rồi. Ông trời đã công bằng, không lấy của em tất cả.
Nghỉ trưa xong, cả mấy mẹ con, bà cháu đưa tôi đi thăm ngôi nhà xây của vợ chồng con gái ở trung tâm xã. Ngôi nhà xây kiên cố, đang vào giai đoạn hoàn thiện. Xuân Giang sầm uất như trung tâm huyện lỵ. Những dãy nhà xây, vừa truyền thống vừa hiện đại nối nhau, tưng bừng náo nhiệt. Anh con rể mau miệng, tối nay bác phải ở lại ăn bữa cơm nhà mới với vợ chồng con. Cả nhà cứ nằng nặc níu giữ tôi…
Nhưng, nắng chiều đã dần buông. Tôi phải chia tay Đào và các con cháu của em. Cả gia đình ra đưa tiễn tôi. Đào dặn đi dặn lại, sắp tới kỷ niệm ba mươi năm ngày ra trường, khóa học của em, anh phải có mặt đấy. Tôi lên xe. Câu hát then năm nào của em, sau xe đạp, vọng về. “Vằn xuân mà hìn hiêng queng quý/Đông pù kheo phu phí bjooc phông/Chiêm pây thâng, ti hâu cụng quảng/Bjooc mặn, bjooc tào, nả táng phông hom”… (Ngày xuân về lặng nghe chim queng quý/Núi rừng xanh chúm chím hoa nở/ Ôi quê hương bao la rộng lớn/ Hoa mận, hoa đào khoe sắc, đua hương…).
Gửi phản hồi
In bài viết