Những câu hát giao duyên

- Mùa xuân đến, vạn vật cùng hòa sắc, hòa âm khiến trẻ già, trai gái đều phấn chấn. Một trong những âm thanh chủ đạo làm nên niềm phấn chấn ấy chính là những câu hát giao duyên. Mỗi dân tộc có lối hát riêng, với nhiều sắc thái, giai điệu khác nhau nhưng đều khiến tình người thêm nồng nàn, say đắm.

Với dân tộc Tày, hát giao duyên thường là những câu “lượn” - dùng thơ dân gian thể hiện giai điệu da diết, thể hiện nỗi nhớ, niềm yêu, ngày mong, đêm đợi. Một cuộc lượn gồm nhiều chặng, như nguyên cớ, mời chào, đáp lời, đến mời trầu nước, hút thuốc, rồi lượn cam - lượn kẻ - lượn đối - lượn đáp… mãi sau mới là bày tỏ tâm tình người mình yêu. Chặng cuối là tạm biệt với những câu nhắn nhủ, hò hẹn, quyến luyến, tha thiết tiễn bạn, trao vật kỷ niệm làm tin, ghi lời hẹn trúc mai tái ngộ ngày sau: Đôi lời nhắn bạn, ta về quê/Vườn đào chốn đây ta phải lìa/Nhạn nhắn én, nhạn bay về chốn/Hẹn mùa hoa thắm bướm trở về…

Duyên Soọng cô. Ảnh: Hà Thế Đô

Ngoài lượn, dân tộc Tày còn có điệu hát giao duyên Phuối pác, lời ca có vần điệu - thường là những lời ướm hỏi trêu ghẹo tình tứ, những dặn dò nghĩa tình ấm áp: Chàng ơi, nón cọ hay nón bạc/Nón chàng đội hai người được không/Đội được em xin đi cùng đường… Phuối pác mang nhiều cung bậc tình cảm, từ gặp gỡ giao duyên, đến nỗi buồn xa cách, từ ước ao gặp mặt đến thề thốt sắt son, những câu hát được trau chuốt vần điệu ngôn ngữ, nên kiểu hát này tồn tại như một chỉnh thể văn học trọn vẹn nói lên cảm xúc lứa đôi: Yêu nhau yêu cho nặng/Đố nhau đố cho lâu/Ngày nào hươu lìa rừng mới thôi/Khi nào trâu lìa cỏ mới bỏ/Khi nào múc nước đầy sọt mới lìa/Ngày nào khỉ lìa quả xanh/Thì anh mới bỏ em ngày ấy…

Người Nùng có lối hát Sli, như một dòng suối giai điệu mượt mà chảy mãi chảy mãi, thấm sâu vào trái tim những đôi trai gái. Sli được hát từ những bài văn vần, mỗi câu 7 chữ, mỗi bài có từ 1-8 câu hoặc dài tới vài trăm câu. Vào hội đầu xuân, tốp con trai hoặc con gái nghỉ đêm tại bản lạ, được mời sli, đáp lời, chủ khách đối đáp, từ đố nhau, rồi từ từ kết bạn giao duyên, sli yêu, sli kết, sli nhắn nhủ, sli giã biệt… Những câu đối đáp ý nhị, tình tứ, tràn đầy cảm xúc thương mến nhau: Hoa guột nở bên đường xanh biếc/Ta đây định vài lời chào trước/Chẳng biết bạn có đáp lời hay không… 

Tương tự như Sli của người Nùng, người Sán Dìu có lối hát Soọng cô, đôi khi ứng tác một cách ngẫu hứng, tùy theo hoàn cảnh hay khi tình cảm tới cao trào. Hát Soọng cô thường là hát giao duyên giữa trai gái hai làng khác nhau. Mỗi tốp 5-7 người, có khi đông hơn, hát làm quen, rồi thổ lộ tình yêu, đơn sơ nhưng đằm thắm, tha thiết. 

Lời Soọng cô thường là thơ 7 chữ: Trông vừa núi thẳm với rừng xanh/Khuất bóng người đi trong sắc xanh/Xanh núi xanh rừng xanh tuyệt đẹp/Có bạn tình chăng hỡi cô mình. Cứ thế, cuộc hát có khi kéo dài tới 5-7 đêm xuân mà không đêm nào trùng lặp với đêm nào.

Tuyên Quang còn là xứ sở của những câu sình ca giao duyên của dân tộc Cao Lan. Khác với giao duyên của người Kinh và một số dân tộc khác, sình ca giao duyên của người Cao Lan chỉ dành cho những người chưa lập gia đình. Ai có vợ hay chồng còn hát sình ca giao duyên sẽ bị cho là không chung thủy. Mỗi bài ca tuy mộc mạc về ngôn từ nhưng lại giàu hình ảnh, ví von, so sánh khá hấp dẫn. Giai điệu các bài ca hầu hết tạo cảm giác êm ái, dịu dàng, lắng đọng.

Chàng trai hát: Ngàn vạn dặm đường, trường tùng bách/Ngàn vạn dặm đường rực rỡ hoa/Ngàn vạn thôn xóm đến tìm em/Lại muốn cùng em kết đôi hoa.

Cô gái trả lời tình tứ: Ai cũng biết hoa đào nở sớm/Hoa đào hoa mận đẹp sắc vườn/Loài hoa quý sinh từ đất quý/Đường xa đi tới hái nghìn cành...

Có khi là những câu hát thử tài làm quen của chàng trai: Năm cũ qua rồi năm mới đến/Mùng ba mùng bốn đi chơi xuân/Mùng ba mùng bốn hoa đua nở/Anh đi nghìn dặm thăm người thương.

Cô gái trả lời: Chàng chỉ đến thăm người thân thôi ư?/Chỉ đến thăm người thương thôi à?/Hoa trên bản muôn hồng nghìn tía/Gái bản em xấu xí lắm phải không?

Điệu Then ngày Xuân. Ảnh: Nguyễn Chính

Nghe vậy, chàng trai thổ lộ mạnh dạn hơn: Không phải đâu/Hoa bản em muôn hồng nghìn tía/Gái bản em xinh đẹp nhất vùng/Anh mới đi hàng trăm hải lý/Đến tìm hoa để nối tông đường…

Câu hát vừa ý nhị vừa thổ lộ mạnh bạo. Để lời đối đáp cứ thế được hát lên, hai bên trở nên thân quen gần gũi. Khi ấy, họ ca ngợi vẻ đẹp của nhau, tỏ lòng thương mến nhau: Nàng có đôi mắt xinh xinh/Long lanh giếng nước quê mình trong xanh/Tay chân như một bức tranh/Áo dài váy đẹp để anh nhớ nàng.

Nếu ưng ý, cô gái sẽ hát ca ngợi chàng: Muôn vàn ngôi sao sáng trên trời/Trái đất mọi người cũng xinh tươi/ Bốn biển chân trời em đi hết/Mới thấy được anh đẹp nhất đời.

Khi tình cảm tiến thêm một bước, lời ca trở nên nồng nhiệt hơn: Nhìn hoa anh muốn mùi thơm/Hỏi rằng hoa đã ướp hương nơi nào/Anh đây có sẵn men đào/Nếu hoa ưng ý anh vào ướp hương.

Lời đối đáp vừa ý nhị, truyền thống, vừa hết sức hiện đại, cho thấy sình ca giao duyên của người Cao Lan không chỉ ngọt ngào, tha thiết mà còn rất sâu sắc, trí tuệ.

Trên các bản làng người Mông, mùa xuân thường vang lên câu hát Gầu plềnh - một loại tình ca không thể thiếu trong Lễ hội Gầu Tào. Nam nữ Mông trước khi hát với nhau, thường tìm tới đối tượng tỏ tình của mình bằng tiếng khèn, sáo, kèn lá với giai điệu thiết tha mời gọi, vừa mềm mại vừa da diết như lời thủ thỉ van lơn, có khi lại réo rắt thôi thúc, chinh phục trái tim cô gái. 

Và khi ưng nhau, họ cất tiếng hát tâm tình, thổ lộ tình yêu: Em ở bản nào/Cách vài ngọn núi/Anh muốn biết giờ đây em đang thêu khăn hay lên rẫy/Để nỗi nhớ đốt lòng anh như lửa cháy đốt trên nương…/Tình đã trao sao phải đợi đến chợ phiên mới gặp nhau...

Mùa xuân đang tỏa ánh sáng muôn nơi, mang hơi ấm đất trời khiến người người say đắm. Và những câu hát giao duyên mùa xuân trên khắp các bản làng vùng cao đang cất lên, cho những mối tình nảy chồi non, lộc biếc, đơm hoa kết trái.

Thái An

Tin cùng chuyên mục