Con gái lần lượt lật mở số phận của người phụ nữ thông qua nhân vật Laurence Barraqué, người đối diện với những thay đổi trong xã hội Pháp suốt 40 năm. Sinh năm 1959 trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, Laurence Barraqué lớn lên cùng chị gái ở thành phố Rouen phía bắc Pháp, với cha cô là bác sĩ, mẹ cô là nội trợ.
Ngay từ rất sớm, thông qua ngôn ngữ và cha mẹ, Laurence hiểu được rằng vị trí của người con gái trong cuộc đời luôn thấp kém hơn con trai: Khi được người điều tra dân số năm 1964 hỏi có con không, cha Laurence đã trả lời "Không, tôi có hai đứa con gái".
Tới những năm 1990, khi đã làm mẹ, cô vật lộn với câu hỏi ý nghĩa của việc là một cô gái, và bài học nào cô nên dạy hoặc không.
Camille Laurens sử dụng ba ngôi kể chuyện nhằm mô tả, nhấn mạnh những suy nghĩ, cảm xúc và sự chuyển đổi từ một cô gái sang một người phụ nữ. Điều này giúp thể hiện một cách chân thực và độc đáo trải nghiệm của người phụ nữ trong thế kỷ 20 - 21. Ở một mức độ nào đó, Laurence đã trở thành một đại diện cho câu chuyện cuộc đời của vô số phụ nữ.
Thời thơ ấu của Laurence được miêu tả ở ngôi thứ hai. Khi biết nhận thức, Laurence khẳng định bản thân, ngôi thứ nhất mạnh mẽ chiếm ưu thế. Sau đó là ngôi thứ ba nhằm thể hiện cảm giác tách rời của Laurence sau khi đối mặt với việc bị tấn công tình dục, dư chấn của nó kéo dài mãi từ năm 9 tuổi đến đầu tuổi vị thành niên.
Cứ thế, các ngôi xuất hiện lần lượt, trong từng giai đoạn của cuộc đời, khi trưởng thành, khi lấy chồng... như thể hiện thứ tự ưu tiên của chính những người phụ nữ.
Con gái được nhận xét là một tác phẩm thú vị và độc đáo. Camille Laurens sử dụng 3 ngôi kể nhằm mô tả, nhấn mạnh những suy nghĩ, cảm xúc và sự chuyển đổi từ một cô gái sang một người phụ nữ.
Gửi phản hồi
In bài viết