Bà Lan vừa với tay đưa trả Hùng ba ngàn tiền lẻ vừa quay sang nói với khách:
- Trung thu năm nay lại "cháy" bánh Kinh Đô mày ạ. Nhập bao nhiêu cũng hết đúng là thích thật…
Hai tiếng "Trung thu" ấy khiến Hùng thoáng chạnh lòng. Nó thò ngón tay vào gói bột canh vừa mua lên miệng nhấm cái vị mặn chát và ngọt ngào ấy và tự nhủ: "Chắc bim bim, bánh nướng, bánh dẻo cũng ngon như thế”.
Có dạo, thấy mấy anh, chị đi học về viết bậy lên tường, Hùng háo hức lắm liền lấy gạch non vẽ theo, ngày ngày cặm cụi viết cho thật giống rồi khoe với bà: "Bà ơi, con học được chữ này hay lắm". Bà Mão nheo nheo con mắt mờ nhòe đến khi đọc ra mấy chữ tục tĩu thì nước mắt cũng ứa ra nghèn nghẹn, chẳng trách lũ trẻ đặt cho nó cái tên Hùng "ngáo ngơ”. Nó đã hơn bảy tuổi mà chưa được đến trường.
Vừa đi vừa nghĩ bỗng Hùng vấp phải vật gì vương vướng dưới chân. Theo thói quen nó định đá sang vệ đường nhưng rồi hốt hoảng bởi cái cảm giác mềm mềm, lằng nhằng như rắn. Hùng cúi xuống nhặt vật đó lên xem rồi chạy thẳng về nhà.
Bữa trưa hôm ấy Hùng không ăn cơm mà vội vã đi nằm. Bà Mão tưởng nó đau bụng nên lẳng lặng chống gậy và lôi cái bao tải đi nhặt phế liệu. Đợi bà đi khuất Hùng mới dám mở chiếc túi da ra xem lại. Chưa bao giờ nó thấy một xấp tiền màu xanh phẳng phiu mới tinh như thế. Nó cũng chẳng biết vì sao chiếc túi này lưu lạc tới đây nhưng có lẽ phải đến từ một người giàu có thơm nức, sống trong một ngôi nhà rộng lớn với những chiếc ghế, những đồ dùng sáng choang mà nó đã từng được ngó thấy trong lần theo bà đi nhặt rác.
Mấy hôm nay, cái xóm nhỏ đã quen với tiếng trống của đội văn nghệ thiếu nhi vừa được thành lập để chuẩn bị rước đèn trung thu. Trong khi mấy đứa đang hào hứng đánh trống thì có một người đàn bà mặc bộ quần áo thổ cẩm ngồi chống cằm lặng im. Những người đi qua nhìn vào đôi mắt thâm quầng của bà như nhìn vào một cái ngõ sâu hun hút ký ức đau buồn. Những nét khắc khổ trên gò má như mách bảo một quãng đời sóng gió nhưng vẫn toát lên vẻ đôn hậu.
Thi thoảng, người đàn bà đó lại đứng dậy chỉnh sửa cho một đứa động tác cầm dùi và nhịp trống. Trong lúc ấy có đứa lại tranh thủ ôm lấy cô ta từ sau lưng và thủ thỉ: "Yêu cô Tâm lắm". Bọn trẻ ở đây đứa nào cũng thấy quý mến người đàn bà này bởi sự gần gũi và những bài hát mà cô vừa dạy.
Bà Lan bảo với mọi người là cô Tâm ít khi cười nhưng thương chúng lắm. Nghe nói ngày xưa cô cũng từng là dân xóm này rồi vì lý do gì đó mà đi đâu biền biệt. Giờ đã giàu có, cô lại tìm về đây chơi với lũ trẻ như để tìm lại manh mối nào đó. Cái ý tưởng lập đội trống gấp gáp cho kịp tổ chức trung thu của cô đã khiến người lớn thích thú còn lũ trẻ con thì như đang sống trong một giấc mơ. Chưa bao giờ chúng được rước đèn, phá cỗ nên cứ chập choạng tối là chúng lại rủ nhau lôi trống ra tập.
Hùng nằm trong nhà người nóng ran, mồ hôi cứ thế tứa ra. Tầm này mọi khi là mát lắm bởi có gió từ hồ sen thổi vào. Bên kia hồ, ánh đèn xe lấp lóa, đèn cao áp sáng choang và những tiếng nhạc êm ái. Không biết giờ này bà nội đã đi lượm được nhiều phế liệu chưa? Nó chỉ cần ở đây nhìn sang đã có thể tưởng tượng được tiếng vỏ lon ken trắng va vào nhau, tiếng hộp bìa cát tông được nén lại, những cái chai nhựa.
Đúng lúc ấy có tiếng thằng Hải gọi với từ cổng:
- Hùng ơi, mày đi ra đây tao bảo, nhanh lên, còn đi rước đèn phá cỗ…
Như người có tật giật mình, Hùng bước ra với vẻ mặt lấm lét:
- Tao, tao có biết gì đâu…
- Ơ hay cái thằng này (Hải gắt), mày đi với tao rồi hẵng biết.
Hùng đi theo Hải, tay cầm cái đèn tích điện sáng choang. Hải cầm cái que đầu có gắn cục nam châm lần trên mặt đất như người mù khua gậy tìm đường. Nóng vã mồ hôi, áo hai thằng ướt sũng, thấy Hải vẫn lần sờ tìm kiếm, Hùng sốt ruột:
- Thế mày tìm cái gì, chìa khóa à, mà cửa nhà mày làm gì có khóa…
- Tao tìm cái chìa khóa cho cô Tâm.
- Ơ, sao mày không bảo cô đi đánh cái chìa khác, tìm thế này đến sáng mai cũng không thấy…
Hải quệt mồ hôi trên trán giảng giải:
- Tức là mất chìa khóa thì đánh lại được nhưng chìa khóa để có cái đó…
Câu nói úp mở của Hải khiến Hùng lo sợ. Quả này thì đúng thứ mà mình đang giữ rồi, chỉ có người đi xe hơi như cô Tâm mới có cả cục tiền mới cứng như thế. Nhưng mà giờ phải làm thế nào? Nói ra thì mọi người sẽ đổ tội mình cất giấu mà nếu đưa cho bà cũng sẽ bị bà mắng.
Hai đứa bỗng giật mình bởi tiếng còi xe máy. Tiếng còi xe rè rè ấy nhất định là của một người mà chúng quen gọi là "Triển Chiêu".
Chú Triển tắt máy, đạp vội cái chân chống cái xe máy Dream rồi lớn tiếng:
- Ê, hai chàng trai đi đâu mà lúi húi thế, định mò cua bắt ốc trên cạn à?
Thằng Hải nói nhỏ với Hùng:
- Mày nhớ, đừng cho chú Triển biết đó nhé.
Trong lúc chú Triển và Hải nói chuyện, Hùng len lén chạy về nhà. Nó định sẽ chốt chặt cửa rồi đi ngủ mặc cho tiếng trống Trung thu như thúc giục. Nhưng khi nó vừa đến sân đã thấy cả khoảng sân và căn nhà đơn sơ như được trang hoàng bởi một thứ ánh sáng khác lạ. Vầng trăng đêm nay sáng quá, ánh sáng không chói mắt như những ngọn đèn cao áp, không nóng ran như lửa mà dịu mát như thể nước suối trong rừng. Hùng bất giác đưa hai bàn tay khum khum lại như người đi rừng vục nước uống, Trăng cứ thế ắp đầy trong bàn tay nó, len lỏi vào tâm hồn khiến Hùng thấy tâm hồn dịu mát. Bất giác nó nghe thấy tiếng xe máy đi qua rồi rừng lại ngay cần cổng nhà nó. Linh cảm mách bảo, nó co người lại, rón rén từng bước đến bên bờ rào khe khẽ quan sát nhưng chỉ nghe thấy: "Alo, vâng vâng, anh Triển à…".
Minh họa: Bích Ngọc
Thằng Hải đã giục bọn trẻ con dạo trống đến lần thứ ba mà người quan trọng nhất của đêm nay là cô Tâm vẫn chưa đến. Dưới ánh điện mà các chú kéo ra ngõ nào là bánh dẻo, bánh nướng, bưởi, hồng, cam… được bày biện rất đẹp mắt. Tụi trẻ con đứa nào cũng háo hức mà chưa được phá cỗ bởi cái màn rước đèn hấp dẫn nhất vẫn chưa bắt đầu. Bỗng từ đâu, một chiếc xe taxi lao đến chiếu thẳng đèn về phía lũ trẻ. Anh tài xế vội vã chạy ra mở cửa phía ghế sau đến đón một người. Sau cùng mới thấy cô Tâm trong tà áo dài khá đẹp tay đỡ bà cụ dìu vào chiếc võng
- Ôi bà Mão à cô Tâm. Thằng Hùng đâu rồi, đi pha nước chanh cho bà, rõ khổ…
Mãi không thấy Hùng nên người hớt hải tìm cốc, thìa, người kéo cái quạt ra bật cho thoáng khí, người thì nhanh nhẩu hỏi chuyện bà cụ bị hạ đường huyết ngồi ở cột điện thế nào. Cô Tâm trả lời qua loa rồi vội vã chạy đến dặn dò đội trống.
Chú Triển cũng từ đâu về, tay ôm một bịch bim bim khá to miệng cười nói rôm rả.
- Thế nào, các chàng trai, ra phụ chú một tay bày biện rồi bắt đầu khai hội thôi. Ấy, đấy, tay chân gì yếu đuối thế phải tập khỏe vào mai sau mới làm công an giống chú được.
Đúng lúc đội trống chuẩn bị dẫn đầu đoàn rước đèn thì Hùng hớt hải lao đến nắm chặt tay chú Triển.
- Chú ơi, các chú không phải tìm đâu, nó đây này.
Tất cả mọi người xúm lại vây quanh Hùng. Chú Triển bật đèn flash điện thoại lên, soi vào chiếc túi.
- Không thiếu một tờ nào, tại sao cháu lại tìm thấy chỗ tiền giả này.
- Cháu, cháu... cháu vô tình mà cứ tưởng… nãy cháu nghe thấy chú nói chuyện điện thoại với ai đó tìm nó mà…
Cô Tâm cụt hứng tưởng nó nhặt được chùm chìa khóa vừa rơi lúc chiều. Đúng lúc ấy thằng Hải cũng reo lên:
- Ôi thấy rồi, con mực nhà bác Hoa kìa.
Cô Tâm mừng quýnh khi thấy con Mực đang tha chùm chìa khóa đến trước mặt mình rồi quay sang bà Hoa:
- Ôi may quá nếu không tìm thấy cái vỏ sò khắc tên mẹ cháu Nguyễn Thị Mão này thì cháu sẽ không còn mong có ngày tìm thấy bà nữa.
Bà Mão đang nằm trên võng bỗng nhỏm dậy, hình như mọi sự mệt mỏi trong lòng bà tan biến:
- Đâu, đâu, ai vừa nói đến tên tôi đấy…
Như một vở kịch có hậu đã đến lúc hạ màn những người thân lưu lạc đã ôm chầm lấy nhau. Bà Mão ôm lấy cô Tâm khóc. Cô Tâm ôm thằng Hùng trong lòng nức nở.
- Mẹ, mẹ bị tai nạn rồi mất hết trí nhớ giờ mới tìm về được đây. Con tha lỗi cho mẹ…
Chú Triển tay xách cái túi có tập tiền giả, tay kia xoa đầu thằng Hải và mấy đứa nhỏ:
- Các chàng thấy chưa, tiền nhìn vậy mà thật giả lẫn lộn, bọn xấu nó tung ra để làm nhiễu loạn, chỉ có cái tình mẹ con bà cháu, chòm xóm là lúc nào cũng thật. Thật hết chỗ nói mà…
Mấy đứa trong đội trống thấy trăng đã lên cao mà người lớn thì cứ nghẹn ngào mãi nên vội vã nổi trống lên, tất cả như bừng tỉnh cùng ngước lên nhìn. Trên kia một vầng trăng sáng lấp lánh đẹp hơn bất kể một đêm trăng rằm nào…
Gửi phản hồi
In bài viết