Dí dỏm một giọng văn

- Nếu như đọc tác phẩm của ông dù để ở bút danh nào thì bạn đọc xứ Tuyên vẫn nhận ra đó là câu chữ của Nguyễn Đình Lãm. Bởi chất giọng tếu táo, hài hước, dân dã mà nghĩa tình. Bất kể chuyện gì vui hay buồn, đáng yêu hay đáng trách, cái tình của ông thể hiện trong truyện cũng đầy ắp.

Những nhân vật đặc biệt

“ - Ông nó ạ...

- Bà bảo gì?

- Tôi nghĩ... hay là... vợ chồng mình ăn riêng đi?

- Cái gì?...”

Vài câu đối đáp nữa là Nguyễn Đình Lãm xong phần vào đề truyện “Ăn riêng”. Hay trong truyện Người mẹ và những đứa con, ông vào đề ngay: “Có lẽ nàng chỉ ngoài ba mươi, khuôn mặt khả ái, vóc dáng thon thả, nước da trắng mịn màng, nụ cười thật duyên, tất cả như còn vương lại một thời xinh đẹp”. Đấy, ông vào đề bằng tả một tự nhiên như vậy thì ai mà chẳng muốn đọc tiếp. Nhiều truyện của ông hấp dẫn ngay từ những dòng đầu tiên, cách vào đề hấp dẫn.

Đi sâu vào mỗi tác phẩm nhiều người ấn tượng về truyện ngắn của Nguyễn Đình Lãm là cách xây dựng tuyến nhân vật. Những nhân vật có thói quen thật, thú vui kỳ cục. Đó là nhân vật Tài hấp trong truyện “Thằng rồ” say sưa kể cho con nghe chuyện thằng rồ khèo nghiên cứu thằng rồ ngậm thuốc lá. Hay là một lão Mỗ trong truyện “Bền chán” không có tên riêng, là đại từ chỉ ngôi thứ nhất, không thích ứng được với sự thay đổi, dị ứng với cái mới. Lão khốn khổ vì phải dùng chiếc quần lửng màu lòe loẹt, lủng củng túi, dây và vui sướng chừng nào khi tình cờ tìm lại chiếc quần cũ vợ lão định bỏ đi. Đến với truyện ngắn “Giấu vàng”, nhân vật Ngạnh lẩn thẩn chôn xuống, đào lên hai chiếc nhẫn vẫn chưa yên tâm lại đem giấu tận trong rừng sâu, suýt nữa thì mất vào tay người khác.
Có vẻ như Nguyễn Đình Lãm quan tâm tới thế giới những người lớn tuổi hơn là khai thác những hồn nhiên mơ mộng, những trắc trở tình duyên của lớp trẻ. Nếu chịu khó thống kê một chút thì sẽ thấy có khoảng 90% số truyện ngắn của ông viết về những người già, người trung niên. Nếu họ không già về tuổi tác thì tâm hồn của họ cũng đã từng trải.

Chỉ mấy nét phác họa về phong cách sáng tác mà ta cũng đủ thấy ở ông có nhiều điều thật thú vị. Nguyễn Đình Lãm, sinh năm 1946 là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Là người ngoại đạo nhưng bén duyên với văn chương từ ngày còn rất trẻ từ năm 24 tuổi. Đến nay, ông đã có một gia tài với 4 tập truyện ngắn, 2 cuốn tiểu thuyết, 1 tập thơ, 1 tập bút ký.

Trong nhiều lần trò chuyện với ông tại nhà riêng tại TP Tuyên Quang. Ông thường nói, ông muốn tả mà như không tả, nghĩa là chỉ cần một hai chi tiết đã có thể khái quát hiện thực ở những nét đặc thù, sống động nhất. Ông nói khi đã hết duyên, ngay cả duyên nợ văn chương, thì không nên cố gắng hay níu kéo. Nguyễn Đình Lãm là nhà văn được nhiều đồng nghiệp, bạn bè yêu quý vì ông không kiểu cách, không đề cao, thần thánh hóa nghề viết, lại có khiếu hài hước. Từ khi bén duyên với văn chương, ông sáng tác đam mê và nghiêm túc, chăm chỉ nhưng vẫn chỉ coi là một cuộc chơi, một nơi để khám phá bản thân và chữ nghĩa.

Cái tình của Nguyễn Đình Lãm

Điều đặc biệt có thể nhận thấy ngay khi đọc truyện ngắn Nguyễn Đình Lãm là giọng điệu tếu táo - hài hước, dân dã - nghĩa tình. Tuy nhiên ẩn chứa ở mỗi tác phẩm là cái tình người sau mỗi tác phẩm. Bất kể chuyện gì vui hay buồn, đáng yêu hay đáng trách, cái tình của ông thể hiện trong truyện cũng đầy ắp. Cái tình ấy, ngoài giữa đàn ông - đàn bà còn nhiều nhiều nữa: Tình bố mẹ con cái, tình ông cháu, tình bạn bè, rồi con người với thiên nhiên, với các con vật... Trong truyện của ông yêu và ghét luôn nằm gọn trong chữ tình.

Chân dung nhà văn Nguyễn Đình Lãm.

“Nẻo tình” là tiểu thuyết đầu tay của ông, tác phẩm nhận được “hiệu ứng” khá tích cực. Đối với ông, lao động nghệ thuật là sự vật lộn với từng con chữ. Phải mất 4 năm, cuốn tiểu thuyết Nẻo tình mới hoàn thành. Năm 2012, tác phẩm được giải khuyến khích của Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

“Nẻo tình” có 14 chương xoay quanh số phận và cuộc sống của 3 gia đình: Gia đình dòng họ Đinh, nhà Tý Sửu và cặp vợ chồng bán con. Mở đầu câu chuyện là sự gặp gỡ tình cờ giữa anh chàng họa sĩ Đinh Kịch và cô nhà văn Thào Sào Mỉ. Theo dòng ký ức tác giả dẫn dắt người đọc đến với câu chuyện thú vị của dòng họ Đinh, nỗi đau của ông bà Tý Sửu và cuộc sống thú tính của cặp vợ chồng bán con. Chính cách dẫn dắt truyện độc đáo không theo trình tự thời gian đã tạo được sự lôi cuốn, hấp dẫn trong lòng độc giả.

Sau khi bị ăn cắp mất đứa con gái, đôi vợ chồng Tý Sửu lặn lội từ miền xuôi lên miền núi để kiếm tìm. Chỉ qua câu chuyện bâng quơ giữa chợ, bà Sửu đã bấu víu lấy như một sợi dây vô hình để nuôi hy vọng. 

Họ bỏ việc, bỏ quê hương lang bạt khắp nơi mong gặp lại đứa con... Thế nhưng, xen vào giữa nỗi đau vô bờ bến đó, xuất hiện một cặp vợ chồng trẻ lười biếng, sống nhờ vào tiền bán những đứa con.

- “Sắp hết tiền chưa?

- Sắp

- Thế thì phải đẻ, không đẻ lấy gì mà ăn... Chỉ hơn năm một lứa, lại nhiều tiền...”.

Vô tình nghe được những lời đối thoại của “cặp đực cái” bất nhân ấy, dường như đó là vết dao cứa vào nỗi đau của vợ chồng Tý Sửu: “Hai cái xác dựa vào nhau hồi lâu. Bỗng Sửu ngước đôi mắt khờ khạo nhìn vào nơi vô định... Nhìn sự chịu đựng nỗi đau của Sửu, Tý thương vợ vô cùng.

“Ở hiền gặp lành”, nhờ thầy Pú Soòng hơn 10 năm Tý Sửu đã tìm lại Mỉ - đứa con gái bé bỏng ngày nào. Trải qua nhiều tình tiết thú vị, hấp hẫn kết thúc tác phẩm, tác giả đưa người đọc trở về với cuộc sống hạnh phúc, an nhàn của đôi vợ chồng già Mỉ và Đinh Kịch. Một cái kết có hậu được khép lại đọng lại trong lòng độc giả nhiều xúc cảm yêu thương trọn vẹn.

Có thể nói, “Nẻo tình” là tiểu thuyết giàu giá trị nhân văn có triết lý sâu xa trong cuộc sống. Quy luật nhân quả và sự hướng thiện của con người chính là thông điệp Nguyễn Đình Lãm muốn gửi gắm.

“Ăn riêng” cuốn hút người đọc không phải bằng những tình tiết ly kỳ, ảo diệu. Cốt truyện cũng không mới chỉ xoay quanh việc ông bà Phát quyết định ăn riêng để khỏi làm phiền bận đến “vợ chồng thằng hai”. Chỉ thế, rất đơn giản mà khiến người đọc, đọc một cách thích thú. Cái độc đáo ở chỗ, tác giả biến cái rất bình thường hàng ngày thành cái sâu xa rộng thẳm trong lòng người. Truyện hấp dẫn ở cách kể rất có duyên ở cái mạch của nó.

Khắp truyện không có một chữ hiếu, chữ tình mà sao đọc xong chữ hiếu nghĩa cứ tỏa sáng đến vậy? Khác với phần lớn những kẻ phát nhanh, khi có đồng tiền là quên hết bố mẹ, tổ tiên, vợ chồng anh Hai (con ông bà Phát) lại đặt chữ hiếu lên đầu, một lòng yêu thương bố mẹ. Bởi thế họ đã bố trí thật khéo léo và hợp lý để ông bà Phát trở lại sum họp với con cháu, hưởng cuộc sống thanh bình lúc cuối đời.

Cái hay của văn không phải chỉ ở các từ miêu tả tâm trạng. Ở sự quan sát tỉ mỉ ở cách dựng, cách kết hợp với tâm lý nhân vật mà theo tôi ở cả tình người nồng ấm, đượm thắm như ngọn lửa than hồng âm ỉ cháy vĩnh viễn trong lòng mỗi con người - mỗi nhân vật - mà tác giả đề cập đến.

Bằng sự cần mẫn trong lao động nghệ thuật, Nguyễn Đình Lãm tạo dựng cho mình giọng văn riêng khó lẫn. Đa số sáng tác đều giàu giá trị nhân văn, có triết lý sâu sắc về đạo lý làm người, về tình yêu và lẽ sống. Quy luật nhân quả và sự hướng thiện của con người là thông điệp mà ông muốn gửi gắm. Nhà văn Cao Duy Sơn từng nhận xét: “người đọc cảm nhận đặc biệt ở truyện ngắn Đình Lãm về ẩn ý sau mỗi câu chuyện và những chi tiết được tỉa tót, trình diễn như một thú chơi. Tôi gọi là “thú chơi” bởi đó là cách chơi với những con chữ dành cho người thông minh”.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục