Chú bé Thất Sơn

- Chú bé Thất Sơn được tác giả Phạm Công Luận viết năm 1991, xuất bản lần đầu năm 1993. Cuốn sách từng đạt giải C cuộc vận động sáng tác Văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước lần thứ nhất. Nhân dịp 30 năm ngày cuốn sách “chào đời”, Phương Nam book tái bản sách với bìa mới, nhiều trang in màu, hình minh họa sinh động.

Cuốn sách theo chân của 2 chị em Thảo và Nam trong chuyến về thăm ngoại trong kỳ nghỉ hè “sớm”. Trong chuyến về chơi hè này, hai chị em được gặp Siêng - cậu bé là “thổ địa” của vùng Thất Sơn.

Chú bé Thất Sơn không đơn thuần là cuốn sách ôn lại kỷ niệm tuổi thơ mà còn gợi mở cho bạn đọc nhí về hành trình vượt lên số phận của cậu bé Siêng. Siêng có cha mẹ là thầy cô giáo bị giặc Pôn Pốt giết, mồ côi. Nhưng với lòng quyết tâm học tập, đêm đêm Siêng vẫn đi đò qua sông học bổ túc văn hóa. Trong cảnh khốn cùng, Siêng phải tham gia vô đoàn người “đai” thuốc lá lậu qua biên giới và bị bắt. Được tha về, Siêng lấy vé số ra chợ bán nhưng rồi nó cũng không được yên thân...

Chỉ dày 88 trang, nhưng Chú bé Thất Sơn mang đến cho người đọc một bức tranh đầy đủ về non nước, ẩm thực và cả con người mảnh đất biên giới Châu Đốc. Người đọc không khỏi xuýt xoa với món cá nướng trui thơm lừng, món khoai mì rẫy ngọt bùi; khám phá đồng ruộng bao la, có dòng kinh Vĩnh Tế mát lành... Ngoài những hình ảnh xinh đẹp của làng quê, 2 chị em còn được khám phá nhiều câu chuyện ly kỳ của vùng Bảy Núi.

Chú bé Thất Sơn khép lại như một câu chuyện cổ tích ngoài đời thực. Ông ngoại Thảo, Nam quyết định nhận Siêng vào làm việc tại trại cá của gia đình, và quyết định nhận hỗ trợ cậu bé tiếp tục theo học đến khi cậu hoàn thành ước mơ.

Bằng giọng văn nhẹ nhàng, tự nhiên, từng câu chữ trong Chú bé Thất Sơn đong đầy xúc cảm về một vùng quê nghèo, man mác buồn, khơi gợi một thời tuổi thơ lưu giữ của riêng tác giả Phạm Công Luận. Chú bé Thất Sơn thuộc thể loại văn học thiếu nhi, nhưng cũng khiến người trưởng thành phải trầm tư. Cậu bé Siêng ham học, không ngừng vươn lên để chạm đến ước mơ là tấm gương cho trẻ em dù ở lứa tuổi hay thuộc thời đại nào.

Hải Lâm

Tin cùng chuyên mục