Đọc “Từ một lãng quên” của nhà thơ Đinh Công Thủy

- Năm 2023, nhà thơ Đinh Công Thủy “bội thu” với 3 giải thưởng Văn học: Giải thưởng Tân Trào của UBND tỉnh; Giải khuyến khích của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam và Giải C - Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Đinh Công Thủy nguyên là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh từng có 5 tập thơ được xuất bản: “Khi tôi lớn” (NXB Văn hóa Thông tin năm 2000); “Giấc mơ hạt thóc” (NXB Hội Nhà văn năm 2005); “Và trở về bé nhỏ” (NXB Hội Nhà văn năm 2009); “Sự dịch chuyển của bầy Linh Thủy” (NXB Hội Nhà văn năm 2014); “Từ một lãng quên” (NXB Hội Nhà văn năm 2023), thơ in chung trong nhiều tuyển tập cùng nhiều giải thưởng văn học của tỉnh, của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng.

Nhà thơ Đinh Công Thủy.

So với 4 tập thơ trước, tập thơ “Từ một lãng quên” của nhà thơ Đinh Công Thủy lần này được đầu tư công phu hơn cả, dầy dặn với 173 trang viết, 90 bài thơ in công nghệ cao, trình bày đẹp. Tác phẩm thực sự là “đứa con tinh thần” ý nghĩa, ghi dấu một “cột mốc” đáng nhớ trong chặng đường vinh quang và nhọc nhằn cùng con chữ của anh với bao buồn vui nhân thế.

Là người đam mê điền dã, nên thân thuộc nhất trong thơ anh luôn là những hình ảnh gần gũi, bình dị về cuộc sống thường nhật của người dân vùng cao: “Cải nở vàng tiên tri mùa no đủ/thổ cẩm xòe hoa/mê hoặc nụ cười lao xao gầm cầu thang 9 bậc” (Thổ cẩm); “bắp chân xà cạp mỏi mệt/định hình đường chim bay từ tiếng chuông bò/trình tường vững chãi ủ ấm ước mơ/gieo những vòng tròn cối xay ngô/ánh lửa u u bồ hóng” (Một ngày Đồng Văn).

Đinh Công Thủy theo đuổi lối sống chậm, anh luôn tha thiết với “nơi thơm thảo lời củ sắn, củ khoai”; “bên những buổi chiều rưng rưng khói bếp” (Đoản khúc mùa); hay “mùa về thơm rơm mới/khói vờn chái bếp như mây/chùm mây không muộn phiền bứt rứt/gọi mùa bồ quân chín đỏ hây hây” (Mây vờn chái bếp), hoặc đơn giản chỉ lắng đọng trong “tiếng nước chảy, tiếng lửa reo”; “hương trà thơm như gió mùa/mây cứ bay/con mèo đi hoang đã trở về nằm khoanh bên bếp lửa”; “xòe bàn tay xới đất/cây hồng chậm rãi nở hoa”; “ngụm nước vối thật thà mời mọc/tươi mới niềm tin đường bừa”…

Thừa hưởng tình yêu nhiếp ảnh từ mẹ - nữ nghệ sỹ nhiếp ảnh Thanh Tình, thơ Đinh Công Thủy cũng luôn có không gian cho những bức tranh thiên nhiên giàu sức gợi: “Sáng nay một hạt cỏ bung mầm/không dễ gì xoa dịu bao nứt nẻ/bằng bẳn gắt hồn nhiên của ngày oi bức/một tiếng sấm bỗng trở nên thân thương/đằng đông xa xa mượt cánh cò chớp trắng/bờ tre tao tác gió đùa/chuồn chuồn chấp chới nhặt thưa/sáng nay mưa mềm hạt cỏ” (Mùa về dần theo đuôi mắt chân chim). Đó còn là hình ảnh những con ngựa thồ rất đặc trưng trong không gian vùng cao: “Chúng nhỏ bé hiền lành/thong dong chở bao nhọc nhằn từ nương đá/chở những nhát cuốc tóe lửa/nhen lên gầy guộc mùa ngô/những con ngựa vùng cao/cần mẫn gõ móng chở biết bao mùa đông say khướt” (Những con ngựa vùng cao).

Tác phẩm “Từ một lãng quên” của nhà thơ Đinh Công Thủy.

Nhưng có lẽ trở đi, trở lại nhiều nhất trong tập thơ “Từ một lãng quên” của nhà thơ Đinh Công Thủy là tình yêu nặng sâu với đại ngàn khi chứng kiến “sự bất lực của dòng suối cạn” (Một ngày không dịu dàng); “những cột con, cột cái/kèo đưa, kẻ đón về xuôi/mục oải ba gian hai chái”; “thành phố hầm hập đèn vàng/đừng đi đâu ngày lá rủ”; “nhói đau ký ức đại ngàn đinh lim sến táu/mùa mộc nhĩ nở chín bậc cầu thang/cái bếp vuông có còn đỏ lửa/bồ hóng nghẹn ngào chứng tích thời gian” (Bóng nhà sàn).

Với thể thơ tự do, dễ đọc, dễ đi vào lòng người, tác giả đã gửi gắm những suy tư, trăn trở khi tốc độ đô thị hóa đã làm thưa vắng đi hệ sinh thái phong phú của tự nhiên, nhưng thẳm sâu trong tâm hồn tác giả, thì “vẫn là đồng đất này thôi/chỉ cái nhìn khác/ý nghĩ khác/ đang cựa quậy một xanh tươi” (Những bình dị buổi chiều). Hành trình ấy vẫn chan chứa tin yêu: “Bước một bước là khởi đầu”; “cũng nên cất bớt nỗi buồn/khi ngoài kia hoa nở… khi người ta phải sống” (Mở mắt là thấy núi).

Ngoài thông điệp về tầm nhìn, tác giả đã góp một tiếng nói về gìn giữ, bảo vệ bền vững môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học: “Hãy cứ vui khi nắng về/khi bầy chim chao chác không trung/sẽ có một giá trị trong mùa xuân này/ấy là mầm cây đêm qua ngập ngừng tách vỏ/mầm cây hứa hẹn mùa màng/trên khoảnh đất khô cằn/không có dấu hiệu của sự e sợ/hãy cứ để câu thơ vượt thoát như cánh chim/như hạt mầm kia đợi mùa hái quả/trong ký ức đại ngàn…”.

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục