Đi về phía Tết

Minh họa: Bích Ngọc

Gọi là chợ Tết cho có khí thế ngày xuân chứ thực ra đây là một ngã tư, nơi giao nhau của hai con đường liên xã. Từ ngày đường được nâng cao và mở rộng thêm thì mới mọc lên những cửa hàng, quán xá, tiệm spa... khiến ngã tư bắt đầu có dáng dấp của một thị tứ. Đầu tiên là cửa hàng xăng dầu chềnh ềnh chiếm hẳn một góc. Lùi xuống một chút là cửa hàng bánh kẹo của cặp vợ chồng trẻ mới đi lao động xuất khẩu bên Đài về. Rồi quán bia, quán phở, cửa hàng đồ điện dân dụng... Ngày thường, ngã tư cũng đã đông người qua lại. Gần Tết, mật độ giao thông và mua bán càng tăng lên giúp nơi này càng thêm phần tấp nập.

Trước Tết mươi hôm đã có mấy người buôn bán thời vụ về ngã tư này mở hàng. Họ chọn được những nơi có địa thế đẹp trên vỉa hè, hay nhờ mặt tiền của những nhà không kinh doanh, rồi giăng lên, bày xuống la liệt những sạp áo quần, chăn đệm, hoa tươi... Cả khu vực ngã tư chỉ còn một khoảng đất đối diện với cửa hàng bánh kẹo là chưa có ai bày hàng. Đó là khuôn thổ của một anh cò đất, đang chờ giá ưng ý. Khoảng đất ấy có mặt tiền rộng mười mét, mặt nền toàn cát lầy và lá rụng. Thường ngày, các nhà quanh đây vẫn dắt chó cảnh ra đấy cho chúng đi vệ sinh. Rồi nhiều hôm, cánh đàn ông từ quán phở ngất ngưởng bước ra cũng tiện thể đứng vào đấy, xong mới chồm lên xe máy kéo ga...

Nhưng chiều ba mươi Tết, khoảng đất ấy cũng được rạng rỡ trải ra những sắc màu xuân. Đến bày hàng sớm nhất là anh bán đào phai không chuyên. Nhà anh ở làng bên. Chị vợ sau khi sinh được đứa con gái thì phải lòng giai, rủ nhau trốn đi biệt tích mấy năm nay. Thường ngày anh chăm nghề thả lưới ven sông. Nhưng bữa này đang kỳ đông ken nước cạn, cá tôm ngày càng vãn. May có người họ hàng chuyên trồng đào Tết, sau khi xuất hết những cây tiền triệu, còn chừng hai chục gốc bé sót lại, gọi anh đến nhờ bưng hết đi cho sạch vườn. Mấy hôm rồi anh đi bán rao quanh vùng, dù rẻ nhưng cũng được hơn hai triệu tiền đào rồi. Còn năm cây này, anh hy vọng chiều nay sẽ bán  hết.   

Ngồi cạnh anh bán đào là bà lão bán lịch Tết. Trải tấm áo mưa cũ trên nền cát ướt, bà bày lên mươi quyển lịch to bằng bàn tay, giấy mỏng dính. Xếp bên cạnh là mấy tờ tranh dân gian cá chép đón trăng, đàn lợn ráy... và tranh danh nhân. Nhà bà lão ở ngay trong xóm gần ngã tư này. Ông bà có cậu con trai nhưng nó đã dẫn cả vợ con vào Tây Nguyên làm rẫy mấy năm nay. Hôm rồi gọi điện, bảo vụ rồi cà phê rớt giá nên phải sang năm mới về được. Sớm nay có người quen trên thị trấn chở lịch và tranh xuống, gạ bà mang ra ngã tư này bán chênh lệch kiếm đồng. Chồng bà gàn, bảo rằng người ta không bán được mới đẩy cho mình nhưng bà lại bảo, trăm người bán vạn người mua, lo gì! Nhận hàng, bà trả luôn tiền cho người ta vì sợ năm mới mà nợ nần dễ không được may mắn. Bà nhẩm tính bán hết chỗ này cũng lãi được hai trăm nghìn, bằng nửa công thợ xây chứ ít đâu. Mình già yếu, chậm chạp mà được thế cũng mừng lắm rồi!...

Thường thì đến chiều ba mươi, các gia đình cũng đã sắm Tết xong. Thế nên hàng đào và hàng lịch Tết bày ra cả tiếng đồng hồ mà vẫn chưa thấy ai đến hỏi. Bà lão hy vọng sẽ vẫn còn người vì bận việc hoặc lý do đặc biệt nào đó mà chưa đi chợ được, chiều nay sẽ tìm đến chỗ này. Những ngả đường qua ngã tư mỗi lúc một thêm nườm nượp người xe. Nhưng chủ yếu là họ đi chơi Tết hoặc đi chúc Tết sớm những người họ hàng, bạn bè ở xa. Thế nên đông khách nhất vẫn là cửa hàng bán xăng dầu và cửa hàng bán bánh kẹo, bia rượu. Xe máy chờ đổ xăng xếp thành hàng dài.

Ai cũng giống nhau một câu “Đầy bình!... Đầy bình” không phân vân khi được hỏi bơm bao tiền. Bên hàng bánh kẹo đông vui, tấp nập bao nhiêu thì bên này đường lại đìu hiu, buồn tẻ bấy nhiêu. Bà lão bán lịch và anh bán đào mặt hướng ra đường chờ đợi. Thỉnh thoảng họ mới trò chuyện với nhau câu được câu chăng vì tiếng cười nói, tiếng xe máy ngoài đường ồn ào quá. Mùi khói xăng cùng những cơn gió lạnh phất vào mặt khiến họ ngồi co ro. Thỉnh thoảng, bà lão lại húng hắng ho...

Đang ế hàng thì lại thêm một chị tong tả đội thúng tìm đến ngồi vào khoảng đất trống còn lại.

- Chị bán gì đấy? - Bà lão quay sang hỏi khi chị kia vừa đặt thúng xuống.

- Con bán ít bánh chè lam, bà ạ!

- Bánh chị đi cất về hay tự làm đấy?

- Dạ, con làm ạ! Cũng bận rộn, lách cách lắm nhưng làm cho vui! Mẹ con trước còn sống, Tết nào cũng làm chè lam cho con cháu ăn. Giờ con làm theo, vì bánh này vừa rẻ vừa giúp mình tìm lại hương vị Tết xưa. Nhà dùng không hết, con mang ra đây, có người biết ăn là vui rồi ạ!

- Bây giờ tiện lợi thật ấy! Cái gì cũng có sẵn mà ê hề ra nữa chứ. Cứ có tiền là sắm sửa đủ đầy, chẳng phải động chân động tay mấy. Chả bù hồi xưa, ba ngày Tết là cứ phải quần quật hết việc nọ đến việc kia, nhưng mà vui...

Bà lão bỏ dở câu chuyện khi chợt thấy chiếc xe SH lướt qua rồi vòng lại, đỗ xịch trước gian hàng. Người mẹ trẻ quay lại hỏi cậu con trai chừng mười tuổi đang ngồi phía sau: “Con thích tờ nào?”. Cậu bé tụt khỏi xe, bước xuống cầm lên tờ tranh vẽ hình ảnh người anh hùng Trần Quốc Toản ra quân. Cậu ngắm nghía rồi ánh mắt chợt sáng lên. Hình ảnh này cậu vẫn thường ngắm trong quyển sách giáo khoa nhưng tranh ở đây khổ to hơn và màu sắc rực rỡ hơn... Đoạn, tay trái giữ tờ tranh ấy, tay phải cậu bé lật mấy tờ còn đang nằm trên đất, rồi ngước lên nhìn bà lão, xong lại nhìn mẹ. “Bà để cho cháu nó cả mấy tờ này ạ!”, “Hai mươi nghìn một tờ. Tổng một trăm, chị nhé!”. Nói rồi, bà quay sang cậu bé: “Để bà cuộn lại, bọc vào túi bóng cho khỏi rách nào!...”. Cậu bé hớn hở ôm bó tranh vào lòng, rồi loay hoay leo lên xe...

Từ bên cửa hàng bánh kẹo, một ông lão dắt chiếc xe đạp treo lủng lẳng những túi ni lông đựng chai nước mắm, gói bột ngọt, mấy phong mứt... nhớn nhác, nhìn ngang nhìn dọc bước vội sang chỗ anh bán đào.

- Đào anh bán thế nào đấy?                                

- Một trăm nghìn! Đồng giá, ông ạ!

Ông lão ngắm qua những cây đào cao chừng một mét, gốc nhỏ bằng ngón chân cái thôi nhưng dáng cân đối, lộc và nụ hoa hài hòa.

Chọn lấy một cây, buộc cẩn thận vào sau xe, ông lão trả tiền rồi dắt xe, toan bước về. Nghĩ thế nào, ông lùi xe lại, giọng ngập ngừng:

- Mấy cây kia cũng một trăm nghìn à anh?

- Vâng! Ông muốn đổi cây khác ạ?

- À, không! Tôi có ông bạn già, cũng thích chơi đào nhưng mấy hôm rồi trời rét, bệnh khớp tái phát nên không đi lại được. Tôi muốn tặng ông ấy cây đào nhưng... nói thật với anh, tôi chỉ còn có mấy chục nghìn...

Anh bán đào thoáng chút ưu tư, rồi bỗng xởi lởi:

- Vâng! Vậy thôi thì, con biếu ông một cây về tặng ông ấy chơi cho vui ạ!

Rồi anh tươi cười nhấc cành đào đặt lên sau xe ông lão, buộc cho chắc chắn và không quên dặn với theo: “Ngày Tết, ông đi cẩn thận đấy nhé!...”

Chị bán chè lam giờ mới quay sang, tháo chiếc khẩu trang xuống để nói cho rõ tiếng, kể lể ra chừng thông thuộc lắm:

-  Ông ấy cùng xóm với con đấy! Tài hoa tre trúc lắm! Trước ông chuyên đan rổ rá, nong nia đi bán khắp vùng này. Mỗi Tết đến, ông chẻ từng ôm lạt to, bán cho người ta gói bánh hay bó giò. Nhưng giờ tre trúc không còn nữa mà ai cũng chỉ thích dùng đồ nhựa. Hết việc, ông ấy suốt ngày đi đánh cờ tướng với mấy ông già quanh xóm!...

-  Ai cũng có một thời! - Bà lão chậm rãi. Ngày còn con gái, tôi là một cây dân ca cứng của làng đấy! Tối tối, trai gái lại tụ tập ở ngã ba đầu cầu, hát chèo cho nhau nghe. Nhiều hôm còn kéo sang giao lưu với các làng khác nữa. Vui đáo để!...

Chợt một tốp con gái tầm tuổi học sinh cấp 3, dạo qua. Thấy người quen, chị bán chè lam gọi kéo lại:

- Này, mấy gái! Vào đắt cho bác gói chè lam nào!...

Cả đám ùa vào, vây quanh. Vừa thưởng thức, chúng vừa xuýt xoa:  

- Bác làm chè lam ngon thật đấy! Đã vừa mềm, lại cay dịu và thơm bùi hơn loại bánh người ta đóng gói sẵn bán ở mấy quầy tạp hóa!...

- Ngày Tết, giò chả, bánh kẹo nhiều khó tiêu. Ăn món này thấy cũng hấp dẫn, bác ạ!...

Chờ đợi thì lâu nhưng khi gặp khách thì thúng bánh chè lam vơi đi nhanh chóng, chỉ còn dăm túi ni lông nằm gọn đáy thúng.

Chiều xuân xuống nhanh. Đường cũng đã thưa người hơn vì nhiều gia đình đang sum họp bữa cơm tất niên. Từ phía ngã tư, một chiếc Vios màu vàng cát chầm chậm ghé lại ven đường. Người đàn ông to béo nhưng dáng vẻ lam lũ, bước nhanh đến:

- Chú để cho cành đào!

- Cuối chiều, thôi em xin năm mươi nghìn. Bác lấy mấy cây?

- Nhà có cây quất to để tiền sảnh rồi! Cây đào xinh xinh này để trên ban công tầng hai, trông hợp đấy!

Người đàn ông rút ra tờ một trăm nghìn đưa cho người bán đào “Số còn lại, tôi mừng tuổi chú nhé!”. Chợt anh quay sang bà lão:

- Bà còn nhiều lịch thế! Bán cho con mấy quyển nào!

Không giấu nổi vẻ mừng rỡ pha lẫn ngạc nhiên, bà lão hỏi lại:

- Anh lấy một quyển à?

- Con làm thầu xây dựng, có mấy đội công trình chuyên làm đường, xây cầu. Lịch nho nhỏ như này phù hợp treo ở các lán thợ, cho anh em tiện theo dõi, dễ chấm công ạ!...

Ngã tư đã lấp lánh những ánh đèn điện nhấp nháy. Mưa bụi cũng mỗi lúc một mau hạt hơn. Anh bán đào trông ra đường, bâng quơ:

- Không biết còn ai mua nữa không nhỉ?!...

Chị bán chè lam ra chừng đã sốt ruột, đứng dậy:

- Thôi còn mấy túi chè lam, con biếu bà thưởng thức và cho cháu nhà chú nhé!

- Tôi cũng về thôi! - Bà lão đứng lên, cười vui - Bà cho anh chị mỗi người quyển lịch, dùng thoải mái cả năm nhé!
Nhà chị chè lam đã có quyển lịch đại rồi nhưng nhìn vẻ mặt rạng rỡ của bà lão, chị vẫn vui vẻ “Con xin bà!”. Quay sang đã thấy anh kia đặt một cành đào vào trong thúng. Cây còn lại, anh xách về phía bà lão đang rũ tấm áo chuẩn bị khoác lên người...

- Vậy là mấy bà con mình coi như đã bán hết hàng rồi nhỉ! Chúc anh chị năm mới nhiều may mắn nhé!

- Vâng! Chúng con cũng xin chúc ông bà mạnh khỏe ạ! Mà hình như ông đang ra đón bà kia kìa!

- Ừ, ông ấy tìm tôi về ăn cơm đấy! Mà anh cũng về nhanh nhanh lên kẻo con bé lại mong!...

Rồi ba người ra về. Lác đác đã có mấy nhà bắn pháo hoa khiến nền trời chốc chốc lại sáng rực lên. Mưa xuân lành lạnh nhưng lòng ai cũng phơi phới, xốn xang, mải miết hướng về những nẻo Tết của riêng mình... .

Truyện ngắn: Trần Văn lợi

Tin cùng chuyên mục