“Người vẽ khuôn mặt làng”
Đến với nghiệp văn chương, mỗi người viết đều có một vùng đất của riêng mình, điều này làm nên bản sắc và giọng điệu cho các tác phẩm. Với nhà thơ Lý Hữu Lương, dòng máu dân tộc Dao cùng những vỉa tầng sâu lắng nhất của văn hóa tộc người đã định hình nên con người thơ anh. Anh tâm sự rằng, tôi đến với thơ một cách điềm nhiên như sứ mệnh định trước cho số phận của mình. Sinh trưởng nơi miền sâu xa, vùng đặc biệt khó khăn, mỗi ngày đi học phải băng qua những quãng đường mòn, những chân núi thâm u, kỳ bí đã nảy sinh trong tôi những tưởng tượng, những mơ hồ về phận người nơi núi thẳm rừng thiêng.
Đại úy, nhà thơ Lý Hữu Lương sinh năm 1988 tại huyện Trấn Yên (Yên Bái). Hiện anh đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh đã hiện diện như một sự khác biệt trên thi đàn văn học trẻ và gây được chú ý ngay từ khi những sáng tác đầu tay của anh xuất hiện vào năm 2008. Năm 2011, Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 diễn ra tại Tuyên Quang là nơi mà giọng điệu, tố chất thơ anh được nhắc đến với sự bung trổ vạm vỡ trong nội lực; dấu ấn, bản sắc trong đề tài.
Nhà thơ Lý Hữu Lương.
Hai vệt sáng làm nên sức hút của thơ Lý Hữu Lương là mảng thơ viết về quê hương và người lính. Đặc biệt ở mảng viết về quê hương, nguồn cội, Lý Hữu Lương đã tạo nên một bản sắc riêng trong phong cách sáng tác của mình. Lương viết về tộc người Dao mình bằng tất cả tình yêu, niềm tự hào. Dân tộc ấy có một nền văn hóa độc đáo: “Người Dao mình/Ăn xôi ngũ sắc/Cúng gia tiên bằng lợn bằng gà/Trai lớn thì cấp sắc/Cho bảng văn dài mấy nét thêu áo người/Sống ngay thẳng như lòng vỏ dao tay/Ăn trăm năm bồ hóng trên vách”. (Người Dao). Suốt dòng chảy lịch sử trong tâm khảm huyết quản mỗi người luôn có ý thức giữ gìn, trân quý bản sắc dân tộc rất đáng ngưỡng mộ: “Bằng tiếng nói/Giữ hồn cốt dân tổ tông mình/Cha mẹ nuôi con mọc răng/Ru bằng tiếng páo dung/Truyền cho con tiếng nói/Bằng cột, vì kèo dựng lên mái/Bằng tiếng dân tộc mình/Đi trăm phương còn giữ ”. (Tiếng nói dân tộc).
Người Dao trong thơ Lương là tộc người hiền lành, chăm chỉ hay lam hay làm. Người đàn ông Dao thì: “Những tay búa tay rìu/Bạt rừng và phá núi” (Bình nguyên đỏ) khai phá biến những thửa đất khô cằn thành màu mỡ. Còn đàn bà Dao thì tần tảo chịu thương, chịu khó, quanh năm cong lưng, cụp mắt xuống đất để cấy cày: “Lưng cong/cong lưỡi liềm/môi cong/cong lưỡi liềm/người đàn bà quấn chân xà cạp/ cõng trăng lên đỉnh trời!/…/Người đàn bà xà cạp quấn chân/ụp cả vầng trăng vào lu nước/trăng lăn tăn/cười…/sau đôi mắt” (Người đàn bà cõng trăng đỉnh Cô San).
Từ điểm nhìn người con đi xa làng…
Bằng sự chân thành, trân quý nhất dành cho quê hương bản quán nguồn cội, năm 2021, Lý Hữu Lương đã tạo nên một cơn sốt trên mạng xã hội, đặc biệt trong làng văn với ấn phẩm đặc biệt. Đó là tập thơ có tựa đề “Yao” được ra mắt và được vinh danh trong Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Tập thơ “Yao” được anh viết từ vị trí điểm nhìn của một người con đi xa làng, hướng về ngôi làng thân yêu của mình, về ông bà tổ tiên, về cuộc thiên di liên tục bất tận của đồng bào Dao. Lý Hữu Lương đã chọn cho mình sự giản dị trong cách diễn đạt. Mọi câu chuyện về dân tộc mình đều được anh kể bằng sự dung dị nhất. Điều đáng nói ở chỗ, chính sự giản dị đã đưa tác phẩm đến gần người đọc hơn. “Trời cho ta làm thơ/Vỗ về những người tuổi trẻ/Mang ơn những người tuổi già/Cúi xin mẹ cho ta được khóc”.
Có lẽ anh cũng như mọi đứa trẻ sinh ra dưới chân núi Bàn Mai, thời thơ ấu, những khó khăn thiếu khổ và hơn hết là sức mạnh tiềm tàng trong thẳm sâu tâm thức luôn thôi thúc những ước mơ đi xa, vượt qua những ngọn núi quê mình để đến với những vùng trời khác: “Người trẻ nói/Hãy cho tôi đi/Trên cả đôi cánh diều hâu chiều nay xộ gà con/Tôi sẽ chết nếu không vượt đỉnh Bàn Mai”.
Tập thơ Yao.
Lý Hữu Lương đã ngụp lặn trong tâm thức đi xa của dân tộc mình nhưng trên hết như “lá rụng về cội” như “chim rừng tìm về tổ ấm”, anh một lòng tha thiết với cội nguồn: “Chúng tôi đi đâu cũng mang khuôn mặt của làng/ Gọi sớm chiều bình yên xênh xao đầu núi/Sống lời của đá cỏ và măng vồng sau mưa/Chúng tôi đo đời mình bằng tiếng chuột rúc/Chúng tôi được dạy cách đi xa/Cách để sống giữa tiếng mặc khải đường rừng/Chảy từ ngàn năm thiên di/Trong huyết quản những đôi chân phạt lối” (Thiên di).
Anh tâm sự rằng, dù cách này hay cách khác. “Khuôn mặt làng” đã khác và sẽ khác. Có thể một ngày trở về tôi chỉ tìm thấy “Khuôn mặt làng” hôm nay trong tiềm thức. Thế nhưng người trẻ không bao giờ được phép quên, mỗi người phải biết tìm cho mình một sợi dây linh thiêng để dẫn dắt mình, con mình, cháu mình về nguồn cội, theo những cách riêng. Và tôi cũng đã như thế...
Đã một thời, thiên di là cách để người Dao tồn tại, vượt bao sông suối, núi rừng hiểm trở. Bao người bỏ mình vì đói khát và bệnh tật, đó là những ký ức buồn nhưng cũng đầy bi tráng. Song, dù đi nơi đâu, bất cứ dòng họ nào cũng nhớ truyền thuyết về Thủy tổ Bàn Vương. Và thứ mà họ mang theo, ngoài những đồ vật để thờ tiên tổ là lễ nghi, phong tục, nghề nghiệp và trang phục đặc trưng: “Anh hãy nghe máng nước đổ bên hiên/Sớm mai em gái gọi đi hái bông đỏ/Đem về khâu thành bông nhỏ khăn tay/Đội trăm năm lam chướng cõi này” (Lam chướng).
Lý Hữu Lương xa quê, tháng ngày đau đáu nhìn về triền núi xa xăm. Anh viết cho dân tộc mình bằng tâm cảm xót thương, thấu hiểu và biết ơn: “Viết cho dân tộc tôi/Những phận người cỏ dại.../Tôi viết cho dân tộc tôi/ Không ngợi ca những dáng váy/Tôi thương những lưng cong/Người luồn rừng đều cong cong”.
Hành trình thơ chưa dài, nhưng Lý Hữu Lương đã thể hiện được một bản lĩnh dám nghĩ và dấn thân, tìm về nguồn cội bằng sự chân thành, ấm áp nhất. Đi qua những bài thơ, độc giả càng hiểu anh hơn, trân trọng người trẻ hôm nay hơn. Bởi mỗi bài thơ của anh là những tiếng nói thầm thì của những chàng trai người Dao nói về dân tộc mình một cách tha thiết, trìu mến nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết