Tinh thần thượng võ
Theo quan niệm của người Mông, nếu con gái Mông phải biết may vá, dệt vải, thêu thùa và con trai Mông phải biết thổi khèn và múa khèn. Đó là mực thước. Con trai Mông từ nhỏ đã biết đến tiếng khèn và khi 13 đến 15 tuổi đã có cây khèn trên vai mỗi khi đi chơi hội, đi chơi chợ...
Ông Hoàng Văn Phùng, thôn Chương, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cho biết, cây khèn được cấu tạo bởi thân khèn, bầu khèn, đuôi khèn, ống khèn, lam khèn, lỗ khèn, đai khèn. Khèn có hai loại. Khèn có âm thanh bổng là khèn ngắn. Khèn có âm thanh cao là khèn dài. Cây khèn Mông, người thổi có thể lấy hơi ra và có thể lấy hơi vào. Khèn cũng là đạo cụ múa và người thổi khèn giỏi phải biết múa khèn, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác để vừa thổi vừa múa. Điều này không hề đơn giản, bởi người múa khèn không nhập tâm, không thả hồn vào điệu thì khó mà làm được. Vậy nên, nghệ nhân múa khèn với những bước nhún, bước đảo, bước quay hoặc vừa ôm khèn, vừa lăn mình trên đất tạo nên vũ đạo đẹp. Người múa khèn càng nhanh, càng thể hiện sự điêu luyện của mình. Vũ điệu và âm thanh hòa quyện vào nhau, hòa vào tâm thức của người múa khèn làm cho người xem như bị mê hoặc.
Người dân xã Xuân Lập (Lâm Bình) biểu diễn điệu khèn Mông.
Trong các nghi lễ, khèn Mông như là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, là nhạc cụ độc đáo thể hiện tâm hồn, tín ngưỡng truyền thống, bản sắc của dân tộc. Trong những dịp lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, các bài biểu diễn múa khèn có nội dung vui nhộn, mang ý nghĩa chúc tụng và mời bạn bè cùng tụ họp, vui chơi. Tiếng khèn làm tan biến bao mệt nhọc, như sợi dây kéo tình bạn, tình yêu lại với nhau.
Con trai người Mông thích cô gái nào mang khèn thổi và múa vòng quanh, cô gái yêu thích chàng trai sẽ đáp lại bằng cách xòe ô múa theo điệu khèn của chàng. Điệu múa dập dìu theo tiếng khèn khiến họ say nhau, nên nghĩa chồng vợ từ đấy. Trong cưới hỏi, tiếng khèn như thay lời nhắn nhủ của bố mẹ, anh chị em gửi cho con gái khi về nhà chồng. Múa khèn với người Mông còn biểu trưng cho tinh thần thượng võ của người đàn ông, khi tung điệu múa chả khác gì một pha võ đẹp, lúc khèn khép vào nách, mạng sườn giống như một tư thế phòng thủ, tìm cách bung sức để “định đoạt” đối phương. Trong nghi lễ tang ma, tiếng khèn lắng đọng xót xa, nhắc nhở con cháu nhớ biết ơn công lao người đã khuất.
Ông Hoàng Văn Phùng, thôn Chương, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) biểu diễn tiết mục khèn Mông (ảnh dưới).
Vang xa tiếng khèn...
Theo nghệ nhân dân tộc Mông 65 tuổi Lò A Sử, thôn Nà Co, xã Xuân Lập (Lâm Bình), khèn được múa một mình và cũng có thể nhiều người cùng múa khèn, thổi cùng một bài, một điệu, nhịp giống nhau.
Từ bé ông Sử đã được bố, ông nội dạy kỹ năng, kỹ thuật thổi và múa các bài khèn, đến năm 15 tuổi ông đã biết rất nhiều bài khèn kết hợp các điệu múa. Giờ tuổi đã cao rồi nhưng hễ trong làng nhà nào có việc cưới, việc tang đều mời ông đến thổi khèn. Ông luôn muốn truyền dạy các bài khèn cho thế hệ trẻ để gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình nên trong làng, trong xã ai muốn học khèn tìm đến ông luôn sẵn sàng chỉ bảo tận tình. Ông Sử bảo, chân nhảy là điệu, nhịp thổi là hồn. Thế nên muốn điệu - hồn hòa cùng với nhau, người thổi phải biết hòa nhịp bằng cái tâm và sự trân trọng nhất. Muốn thổi khèn hay, múa đẹp thì cũng phải say mê khèn, kiên trì luyện tập.
Đội múa khèn xã Xuân Lập (Lâm Bình) luyện tập.
Ông Sử luôn dạy các con của mình rằng, điệu khèn là hồn cốt của dân tộc, phải giữ gìn và truyền dạy cho đời sau nữa. Hiện nay, trong 6 người con của ông Sử có 2 người con là Lò A Hồ, Lò A Lánh cũng đã thành thục một số bài khèn. Anh Lò A Lánh chia sẻ, ngay từ nhỏ anh đã gắn bó với cây khèn, bởi bố anh là một nghệ nhân đi múa khèn ở nhiều đám ma, đám cưới người Mông. Được bố truyền dạy nên các điệu khèn đã thấm vào anh. Anh Lánh cho biết, cứ mỗi dịp lễ Tết, chương trình văn nghệ của thôn, xã là đội khèn của anh gồm có 3-4 thanh niên trong thôn lại cùng nhau tập luyện những bài khèn hay để biểu diễn cho mọi người xem.
Tiếng khèn giờ đây trở thành “đặc sản” đối với khách tham quan, du lịch. Huyện Lâm Bình phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa, tại các thôn người Mông của xã Xuân Lập các đội khèn đã được thành lập sẵn sàng phục vụ nếu khách tham quan có nhu cầu. Theo anh Lánh, mỗi buổi biểu diễn cho khách tham quan đội của anh có thu nhập từ 200.000-300.000 đồng/người.
Để vũ điệu khèn Mông thực sự là sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch rất cần “bàn tay” quy hoạch nghiêm túc. Một đề án bảo tồn văn hóa dân tộc Mông, trong đó múa khèn là chủ đạo cần được thực hiện để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, để người Mông được hưởng lợi từ chính giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Gửi phản hồi
In bài viết