Lần nào chú Lềnh đến cũng mang theo cơ man nào là khói. Khói từ ống xả của tiếng xe máy gằn lên ồn ã bao bọc lấy chú. Khói từ cái tẩu thuốc nghi ngút như một lò than di động. Làm nông dân mà hút tẩu, đọc thơ, sang và hài hước lắm.
Thực ra cũng có năm chú Lềnh không đến nhưng hình như chả ai nhắc đến chú vì nhà tôi đâu thiếu gì đào. Người ta đến biếu bố tôi chậu to chậu nhỏ, đem cho, đem tặng, bán lại đến chiều Ba mươi mới hết. Tôi nhớ có lần được mẹ chở qua một cái ruộng đào nở hoa ngày cận tết. Cây nào cây ấy mập mạp, uốn éo theo thế, toàn hoa là hoa, lá chẳng thấy đâu, dân buôn đào xúm xít ngã giá. Tôi hỏi mẹ có phải vườn đào nhà chú Lềnh cũng thế, mẹ gạt phắt: “Ông đấy có biết làm đào thế đâu, cứ có sao bán vậy. Mà tầm này trên ấy cây nở hoa hết rồi”.
Ra Giêng, một sáng đi học về, tôi lục hết các túi nhưng chẳng thấy chiếc chìa khóa đâu. Thế này thì chỉ còn cách sang tận nhà bác cả. Từ hôm bà và Nam ở chơi với nhà cô út, bố mẹ tôi thành hai con rối luôn nhớ nhớ, quên quên. Hai người trẻ mà lẩm cẩm hơn bà nên từ sáng đến tối chẳng việc gì chu toàn. Tôi đang định bước đi thì nghe thấy tiếng gọi, quay lại thấy chú Lềnh đang ngồi bệt cạnh cái xe ngay dưới hiên nhà văn hóa của tổ dân phố. Trên tay chú một túi nilon đầy những quả đào hồng phớt nom thật hấp dẫn. Hỏi han vài câu, chú giục tôi lên xe, cái xe vật vã đưa hai chú cháu đến tiệm cơm văn phòng. Hai chú cháu gọi hai đĩa cơm, chú gắp hết thịt, cá sang đĩa của tôi rồi và bảo đang phải ăn kiêng. Tôi cứ thế ăn ngon lành, chú cười khềnh khệch, hiền như một người cha.
Chiều hôm ấy nhà tôi lại xôn xao chuyện chú Lềnh. Mấy mẹ con gọt vỏ, bổ miếng và nhai rau ráu mặc bố với quả đào duy nhất đặt trên cốc pha lê trong ánh nắng cuối ngày. Bố đem máy ảnh ra ngắm các góc rồi chụp, quả đào chín như một mẫu hiếm không có góc chết. Xong bộ ảnh, bố lấy một điếu xì gà Sicari Maya, loại đắt nhất trong tủ ra hút trong sự khoan khoái. Khói thuốc thơm át mùi hương những trái đào.
Vài bữa sau, mấy chú thợ ở tiệm in phóng ảnh mang đến những cái khung được lồng ngay ngắn các bức hình mà bố chụp. Chao ôi, bố tôi mà chụp thì đẹp phải biết. Ít hôm sau, shiper đến bấm chuông, ảnh được đưa đến tay những người yêu cái đẹp, tiền âm thầm vào tài khoản của bố. Mẹ im lặng nấu ăn nhưng miệng không giấu được nụ cười mãn nguyện. Chị gái tôi dẫn đám bạn về, vèo cái mấy quả đào tôi để dành chỉ còn trơ nắm hạt được ném vào sọt rác. Tôi tiếc, tìm mấy cái hạt to nhất gieo xuống miếng đất còn để trống phía sau nhà. Qua hôm ấy, chẳng ai nhắc đến chú Lềnh nữa mặc dù mỗi khi khách đến nhà khen bức ảnh trái đào chín đỏ mẹ tôi vẫn thao thao khoe tài lẻ của chồng.
*
Mùa mưa năm nay, những cơn bão đến sớm hơn. Gió lốc làm bay nhiều mái tôn, cây đổ chắn ngang đường trên phố. Nhà tôi bị gió giật tung mái tôn trước sân. Mấy hôm sau, lại chú Lềnh hớt hại gọi điện:
- Anh đã nhận được chưa?
- Chú lại gửi đồ à? Nhà anh thì không sao, phố đang ngập không vận chuyển được hàng hóa đâu.
- Không ạ. Em gửi tiền, lũ thế chắc cửa hàng của chị bị ngập. Của ít lòng nhiều mong anh chị sớm khắc phục…
Điện thoại sập nguồn, tiếng chú vụt tắt. Con iphone 6 cũ kỹ của chú chỉ đủ gọi vài phút. Bố mẹ tôi nhìn nhau chẳng biết nói gì. Chú cứ thế, bất ngờ và chân thật. Bố tôi seach tài khoản và hoảng hốt: “Chú ấy lấy đâu ra 50 triệu?”. Bà tôi lẩm bẩm: “Ăn thủng nồi trôi rế” ở phố rồi còn quay về núi làm gì?”. Tôi gặng hỏi thì bị bà lườm: “Nghe thế biết thế chuyện xưa rồi”. Nói vậy nhưng trước sau gì bà vẫn kể:
Chú Lềnh là cậu bé duy nhất thoát chết khi lũ phỉ về trả thù cái chòm năm nhà nơi xóm núi. Khi cuộc tàn sát sảy ra, chú bé Lềnh đã bị lăn xuống vực nhưng may mắn nhờ có gốc đào cản lại nên thoát chết. Chính cậu đã dẫn đường cho bộ đội lên Hang Gió tiêu diệt những nợ máu với nhân dân. Ông nội tôi là một tiểu đội trưởng trong đơn vị đó, ông nhận chú làm con nuôi. Thấy chú hát hay nên đưa chú đi học từ sơ cấp đến trung cấp ở trường nhạc…
- Sao chú ấy không ở lại làm cho đoàn nghệ thuật hay đơn vị nào vậy bà? - mẹ tôi lần đầu hỏi về chuyện đó.
- Nó bảo muốn dành cả đời để trả nợ những gốc đào già. Năm nào cũng chỉ mang những cành nhỏ đem bán. Người của núi không thể bỏ mặc núi.
**
Trận sạt lở đất khiến những cây đào của chú Lềnh bao năm chăm chút đã bị vùi lấp. Tết này, chỗ chú không có hoa đào, cái tết đầu tiên cả một vùng đồi chỉ có cỏ dại mọc lên xanh trên lớp bùn đất. Khi cả nhà tôi tìm lên khu nhà tạm chờ xây dựng khu tái định cư, mọi người hỏi thăm mãi mà không gặp được chú Lềnh. Người ta bảo chú sang tỉnh bên làm thuê. Hỏi ra mới biết đến giờ chú vẫn chưa tìm được ai tâm đầu, ý hợp. Sáng ra nấu cơm rồi nắm lại, gói bằng lá chuối cả ngày cứ thế lăn lộn với đồi rừng. Chiều về lại cơm nước, mày mò tìm hiểu trên mạng về kỹ thuật gieo trồng. Cuộc sống của chú gần như tách biệt với thế giới mạng xã hội và những hư ảo bên ngoài. Chẳng biết nói gì, mẹ gửi lại bà con hàng xóm mấy bộ quần áo rét, hai cái chăn ấm cho chú. Thấy tôi loay hoay ở phía thùng xe bán tải, bố thắc mắc: “Con mang cái gì thế, chở củi về rừng à?”. Tôi cười, để lại sau lưng ánh mắt khó hiểu của bố. Tôi đi mượn cái xẻng, một mình lặng lẽ lên đồi.
Năm ấy giáp tết nắng ấm, bà con lau dọn khu nhà mới khang trang được chính quyền xây dựng để kịp đón tết nguyên đán. Chú Lềnh vừa đem bộ quần áo ra phơi thì bỗng mắt chú hoa lên. Già rồi, mắt mũi kém, chú cẩn thận đem kính ra lau: Gì thế kia? một cây đào nhỏ đang nở trên đồi, nơi đối diện với cửa sổ căn nhà bê tông lắp ghép của chú. Chú Lềnh chưa tin vào mắt mình, chú xỏ vội chiếc dép rồi lật đật chạy lên đồi. Trên mảnh đất tưởng như đã bị cơn lũ xóa sổ, trên mảnh đất mà thiên tai đã xóa sạch dấu vết những giọt mồ hôi lại có cây đào mọc lên khi xuân về. Chú Lềnh khóc, nước mắt của chú thấm ướt mấy cành đào. Hoa đào đã về với núi, mai kia, cả khu rừng đào lại được nhân lên một sắc hoa. Những hạt đào tôi ươm đã về với chú như những người con lưu lạc đã trở về…
Gửi phản hồi
In bài viết