Minh họa: Cảnh Trực
Những ngày đông sắp tàn vẫn thổi gió lạnh hun hút dọc triền sông. Tháng Chạp, cỏ lau khô rắc hoa vào gió. Khói lam chiều lớt phớt vương trên những mái tranh, gợi nhớ về những ngày xa lắc. Thế là một năm ngắn ngủi sắp đi qua. Bao nhiêu lo âu, tất bật vẫn còn đó. Thời khắc giao mùa lả lướt trên cánh đồng mùa gặt. Mùi rơm rạ cồn cào cơn đói. Bếp nhà ai lửa ấm cơm thơm. Ta nhận ra mỗi sớm mai nắng hồng thêm phố núi. Trong sương lạnh, những lộc non đang âm ỉ chồi lên trên cây bàng già. Đã nghe rộn rã ngoài kia những thanh âm của mùa xuân.
Khắp mọi làng quê, phố xá bắt đầu một hành trình lột xác. Những hạt mưa xuân li ti rắc đầy trên cỏ cây, gọi mầm xanh thức dậy. Hương hoa bưởi, hoa đào, hoa mai nồng nàn tỏa khắp không gian tươi xanh. Ong bướm dập dờn quyến luyến trên những chùm hoa đầy màu sắc. Không khí xuân sang chạm vào ký ức bồi hồi và mong nhớ. Đối với người Việt Nam, mùa xuân và Tết cổ truyền luôn là những thời khắc thiêng liêng để trao truyền yêu thương và san sẻ khó nhọc.
Dù ta bao nhiêu tuổi, trải qua bao nhiêu thăng trầm, nhưng mỗi khi xuân sang, ta thấy như trẻ lại. Hoài niệm về những ngày đón Tết, chơi xuân cứ lan man trong tâm trí. Có những giấc mơ trẻ con bỗng hiện về vô thức. Nhớ cái Tết quê nghèo nhưng giầu tình làng nghĩa xóm.
Những năm mùa màng thất bát, cả làng đói lên rừng mót từng củ sắn, cây măng, ăn rau rừng thay cơm. Dù thiếu đói, mẹ tôi cố dành dụm vài cân thóc nếp để gói bánh chưng Tết. Nhà tôi đông anh em, năm nào cũng thiếu gạo. Nhưng, sự đùm bọc của dân làng đã giúp gia đình tôi bớt đi những ngày đói... Tuổi thơ của chúng tôi cứ thế trôi qua và lớn lên trong khu vườn đầy cây lá và chim muông, trong ngôi làng ấm áp yêu thương. Giờ nhớ lại vẫn thấy cay tròng mắt.
Lần giở lại những cái Tết quê xưa như tìm về miền cổ tích. Không gấm vóc lụa là, những phiên chợ mộc mạc chân quê với mắm muối, dầu đèn, khoai sắn cứ bày trải ra ngay trên đám ruộng cạn. Người trên phố mang các đồ vải vóc, dao kéo, dầu đèn ra chợ bán và mua về những con gà, cân gạo quê trắng ngần. Hàng hóa không nhiều nhưng đủ để mọi người mua bán. Năm hết Tết đến, ai cũng mong bán được những thứ mình có, mua được những thứ mình cần. Phiên chợ Tết cũng là phiên chợ cuối cùng của tháng Chạp. Những thứ mẹ mua về đều dành dụm cho mấy ngày Tết. Nhớ những gói quà bỏng ngô trộn mật thơm ngọt vô cùng. Nhớ một bữa cơm có tóp mỡ rang muối béo ngậy, thòm thèm.
Vui như Tết, đó là tâm trạng của lũ trẻ chúng tôi. Tết cứ chậm chậm đến. Dân làng còn tất bật với ruộng vườn. Bọn con trai chúng tôi đã bắt đầu gọt những con quay bằng gỗ sao cho thật nhẵn, thật tròn để thi đấu trong mấy ngày Tết. Những quả bưởi xanh được giữ gìn để làm bóng đá. Cái cảm giác chờ Tết thật dài. Vài đứa lén mặc quần áo mới, chưa kịp khoe, bị mẹ phát hiện quắn đít chạy về.
Rồi Tết đến trong râm ran mong đợi. Tiếng lợn kêu eng éc phía đầu làng. Lũ trẻ háo hức mong chờ những bữa cơm đầy thịt mỡ. Bánh chưng là một đặc ân của Tết. Nồi bánh chưng chứa đựng rất nhiều dư vị Tết trong đó. Đêm, chờ mẹ vớt bánh chưng, ngồi quanh bếp lửa hồng ngủ gật, lơ mơ thấy vị bánh ngầy ngậy trong miệng. Miếng bánh chưng đầu tiên trong năm, đó là bánh chưng Tết nóng hổi và thơm ngon vô cùng…
Xuân đã sang, Tết đang đến, tôi hòa vào phố xá tấp nập. Đào Tết năm nay mất mùa nhưng bù lại được giá. Những người nông dân tranh thủ mang hàng hóa rau quả ra bán. Một cụ bà bán mấy nải chuối xanh bên vệ đường. Xe cộ vun vút qua lại, khiến bà cụ cứ chới với không kịp mời chào người mua. Nhưng rồi, một người khách không trả giá mà còn mừng tuổi bà mấy trăm nghìn… Anh thợ điện đang lắp đèn trang trí cho đường phố chứng kiến cảnh đó liền cúi người, chắp hai tay cảm ơn người mua thay cho bà cụ. Thật ấm lòng trước những cử chỉ đẹp, những tấm lòng cao cả.
Chợt nhớ những ngày bão lũ vừa qua, những mất mát đau thương vẫn hằn sâu trong tâm trí. Những ngôi làng chìm trong biển nước, thóc lúa ngô khoai, gà vịt đều trôi ra sông hết. Những cánh đồng lúa xanh mơn mởn cũng bị vùi lấp trong bùn. Đứng trước ngôi nhà đổ sập trong lũ, một người phụ nữ mái tóc bê bết bùn, cố tìm kiếm những thứ còn sót lại. Nhận gói hàng cứu trợ, chị cứ ôm mấy gói mì tôm mà khóc…
Chia sẻ với người dân vùng lũ, những nhà thiện nguyện đã ủng hộ gia đình chị kinh phí để làm lại ngôi nhà. Tết này, vợ chồng chị và các con đã có ngôi nhà mới. Dù còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhưng sự đùm bọc sẻ chia của cộng đồng đang từng ngày lan tỏa yêu thương, nâng niu từng bước chân nhỏ đến trường. Những tấm chăn ấm, manh áo mới tiếp sức cho đồng bào vùng lũ có thêm động lực và niềm tin vượt qua những tháng ngày gian khó.
Chào xuân mới, niềm vui phơi phới ngập tràn phố xá, đồng quê. Những khát khao, hy vọng về một năm thuận hòa, an khang và hạnh phúc luôn đồng hành cùng mỗi người, mỗi nhà, mỗi làng quê, xóm bản. Thời khắc giao thừa đang đến rất gần. Hơi thở của mùa xuân ấm áp, mang theo rất nhiều niềm vui, kỳ vọng về sự bứt phá đi lên của một vùng quê cách mạng, sánh vai cùng đất nước phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết