Họa sỹ Dương Xuân Quyền say sưa với Hoa dọc mùng bên xưởng vẽ của mình.
Tôi hỏi Dương Xuân Quyền tại sao lại thích hoa dọc mùng vậy? Họa sỹ giải thích, có thể mình sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuần nông xã Phúc Ứng (Sơn Dương) nên mọi thứ gắn với bản thân đều giản dị, mộc mạc, sâu lắng. Ở quê cây dọc mùng khá nhiều, người ta hay trồng gần nhà, ưa độ ẩm. Cây dọc mùng khá giống với cây ráy, mon, tuy nhiên cây dọc mùng thân màu xanh phấn trắng người có thể ăn được. Các món dân dã chế biến từ dọc mùng như nộm, nấu canh chua, làm lẩu làm mê hoặc bao thực khách. Ở dưới xuôi nhiều hộ trồng chuyên canh cây dọc mùng để cắt đi chợ bán. Cây có thể tốt cao hơn đầu người, hoa có màu trắng tinh khôi.
Dương Xuân Quyền cho biết, khi ngắm cây dọc mùng, anh mê mẩn với màu sắc, hình khối, đường nét, nhất là những đường gân lá và hoa dọc mùng. Khi phác họa những khóm dọc mùng để có bố cục hay, ý tưởng, nét, mảng đẹp, họa sỹ Dương Xuân Quyền thường có thói quen đi đó đây, lang thang, lúc bờ ruộng, lúc ven đồi nơi mình đang sống để tìm ngắm hoa dọc mùng ngoài tự nhiên tìm cảm hứng sáng tác. Và họa sỹ khẳng định, hoa dọc mùng có vẻ đẹp rất lạ nếu ai để ý chút.
Đây là loài hoa thôn dã, bình dị lớn lên từ khô cằn sỏi đá hay từ bùn lầy để vươn tàu xanh mướt, góp phần làm cho cuộc sống thêm đẹp, thêm ý nghĩa. Trước kia Dương Xuân Quyền thường vẽ nguyên khóm cây dọc mùng, nhưng dần dà họa sỹ cho thêm con chim, con bướm, con mèo và cả con người vào tranh cho phần sinh động.
Chuyên tâm vào chủ đề hoa dọc mùng với thể loại tranh bột màu, lụa, đặc biệt là khắc gỗ và tranh sơn dầu đã để lại thành công bước đầu cho Dương Xuân Quyền. Họa sỹ đã có 2 triển lãm tranh cá nhân về hoa dọc mùng tại Hà Nội được giới chuyên môn, đồng nghiệp, công chúng đánh giá cao. Nhiều khách tìm đến tận xưởng vẽ đặt hàng, tìm mua tranh của Dương Xuân Quyền. Đây là động lực cho họa sỹ chuyên tâm vào sáng tác mảng tranh mình yêu thích.
Tranh sơn dầu Hoa dọc mùng của họa sỹ Dương Xuân Quyền.
Theo Dương Xuân Quyền cũng là vẽ về hoa dọc mùng nhưng chất liệu sơn dầu và khắc gỗ cũng khác nhau nhiều lắm. Sơn dầu thì vẽ trực tiếp trên toan, đợi khô lại vẽ tiếp. Còn khắc gỗ thì vẽ phác thảo nhỏ cỡ tờ giấy A4, tiếp tục phác thảo tỷ lệ bằng tranh muốn làm. Họa sỹ vẽ hình cẩn thận chi tiết bằng chì, dùng giấy scan lại và scan ngược bản đó lên gỗ. Tiếp tục theo nét đã in ngược trên đó dùng dao và đục để khắc nét. Khi hoàn thành bản khắc nét, thì dùng giấy và màu để in tranh. Sản phẩm cuối cùng là tranh in trên giấy, hoàn thiện đóng khung. Nói chung hai thể loại vẽ hai phương pháp khác nhau, song tựu trung đều cầu kỳ, tỉ mẩn, thực sự phải có lòng đam mê.
Thời thanh niên Dương Xuân Quyền học Trường THPT Sơn Dương, rồi thi đỗ theo học Khoa Nghệ thuật Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường đến nay làm công tác giảng dạy Mỹ thuật tại Đại học Tân Trào. Anh là hội viên Chi hội Mỹ thuật, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tranh của Dương Xuân Quyền đã tham gia Triển lãm Mỹ thuật Khu vực III Tây Bắc, Việt Bắc đều đặn từ năm 2011 tới nay. Năm 2011 tác phẩm “Ở xóm trọ” được giới thiệu dự giải liên hiệp hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Năm 2020, 2021 họa sỹ giành Giải C Triển lãm Khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc với tác phẩm tranh khắc gỗ màu “Trễ hẹn 1, 2, 3” và “Bên anh em kể chuyện những ngày xa nhau”. Năm 2022, 2023 Dương Xuân Quyền triển lãm cá nhân tranh Khắc gỗ Hoa dọc mùng tại Hà Nội.
Du khách nước ngoài ấn tượng với Triển lãm cá nhân Hoa dọc mùng của họa sỹ Dương Xuân Quyền tại Hà Nội.
Họa sỹ Lương Ánh Hiện, hội viên Chi hội Mỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang cho biết, chị đã tham dự 2 triểm lãm tranh cá nhân “Hoa dọc mùng” của họa sỹ Dương Xuân Quyền tại Hà Nội. Chị thấy lượng khách đến xem rất đông, trong đó có những nhà sưu tầm tranh của Mỹ, Đan Mạch, Hội Mỹ thuật Việt Nam. Họ ngạc nhiên và đánh giá “chất tranh” của họa sỹ trẻ Dương Xuân
Quyền, nhất là những bức tranh khổ lớn mang đến cảm giác bình yên, giản dị song sang trọng. Ít có họa sỹ trẻ nào lại dốc tâm vào một chủ đề “đinh” như Dương Xuân Quyền. Họa sỹ vẫn muốn dốc tâm khai thác triệt để chủ đề “Hoa dọc mùng” ở nhiều góc độ khác nhau. Qua tác phẩm làm nổi bật tính cách, tư tưởng, tính thẩm mỹ, nghệ thuật tranh của Dương Xuân Quyền trong làng mỹ thuật đương đại của tỉnh nhà, nước nhà.
Gửi phản hồi
In bài viết