Chờ con về Tết

Minh họa: Bích Ngọc

Bà Chu lận đận tay xách, nách mang nào lá dong, nào miến, nào hoa quả, vàng hương và cả đôi gà trống thiến mà bà đã đặt mua ở xóm bên từ trước. Vừa vào đến sân bà đã gọi ông Thọ:

- Ông ơi, ra đỡ tôi một tay, ôi giời! Đi có hơn cây số từ chợ về mà cái chân tôi muốn khụy xuống mất.
Nghe vợ gọi ông Thọ lật đật chạy từ nhà ra, vừa đỡ các món đồ bà đưa vừa bảo:

- Bà mua làm gì mà nhiều thế, sáng đã bảo để tôi đèo đi cho đỡ mỏi thì bà lại không cho, rõ khổ nặng thế này, không mỏi mới là lạ!

- Cho ông đi, lại bắt ông ngồi chờ, tính ông thì nóng như lửa, đi chợ sắm tết phải tìm, phải chọn những đồ ưng ý, vừa mắt mới mua nên mất thời gian. Ông ngồi chờ lại sốt ruột lại mắng tôi, nên tôi chả dại mà cho ông đi cùng. Tết nhất mua bán nhiều nên cũng phải kỹ càng, giờ hàng thật, hàng giả không dễ gì mà phân biệt, nên tôi phải tìm mua của những người quen mới yên tâm.

- Bà định gói bao nhiêu cái bánh mà mua cả trăm lá dong thế này?

- Ừ thì năm nay các con chúng đưa cháu về cả, tôi định gói 20 cái, ra tết chúng đi mỗi đứa mang vài cái theo nữa chứ. Nhà quê có gì ngoài mấy cái bánh chưng đâu ông.

Ông Thọ giúp vợ bê các đồ vừa mua vào bếp. Rồi cùng bà lên nhà, ông giục bà:

- Thôi bà mệt rồi, ngồi mà nghỉ đi để tôi nấu cơm cho.

Rồi ông kéo bà ngồi xuống bàn, ông rót nước đưa cho bà, bà đón ly nước ông đưa, nhấp một ngụm rồi ngước nhìn lên lốc lịch trên tường, thoáng chút ngập ngừng rồi bà nói:

- Sắp tết rồi, không hiểu lũ trẻ hôm nào về nữa, hay ông gọi điện hỏi xem chúng bao giờ về, tôi cứ thấy nóng ruột thế nào ấy.

- Ừ để tôi gọi cho thằng Hùng nhé.

Vừa nói ông vừa lấy điện thoại tìm danh bạ gọi cho con trai. Giọng con trai bên đầu dây trả lời:

- Bố à? Bố mẹ có khỏe không ạ?

- Bố mẹ khỏe, mẹ vừa đi chợ sắm đồ tết, thế vợ chồng con bao giờ được nghỉ? Con định bao giờ đưa vợ con về ăn tết? Mẹ con đang sốt ruột chờ các con về đây này! Sáng mẹ vừa đi chợ mua bao nhiêu đồ, vừa về rồi, giờ kêu đau chân mẹ đang ngồi nghỉ đây.
Hùng nghe bố nói mà anh chợt thấy chạnh buồn, anh thương bố mẹ lo lắng chuẩn bị sắm tết chờ con cháu về. Vậy mà công ty của anh tối qua đột xuất lại vừa nhận đơn hàng mới, khách hàng yêu cầu công ty phải hoàn thành gấp trong dịp tết Nguyên đán này. Tối qua ban giám đốc công ty họp đến mãi khuya quán triệt tư tưởng cho anh em và quyết định huy động toàn bộ cán bộ, công nhân viên trong toàn công ty ở lại ăn tết, tăng ca để hoàn thành đơn hàng đúng thời gian như đã hợp đồng. Vậy là kế hoạch của anh bị đảo lộn cả, vợ chồng đã định tết này về ăn tết cùng bố mẹ giờ đành phải hoãn lại, sợ bố mẹ biết lại buồn nên anh chưa dám thông báo. Giờ nghe bố nói mà lòng anh xúc động vô cùng. Cứ nghĩ tới cảnh mẹ lận đận đi chợ sắm tết mà thấy thương quá. Bỗng tiếng bố lại vang lên:

- Thế mai hay lúc nào con về?

Ấp úng một lát rồi anh cũng đành phải nói thật:

- Bố ơi! Tình hình là… công ty con có đơn hàng mới mà khách hàng yêu cầu phải hoàn thành ngay trong dịp tết này. Tối qua lãnh đạo công ty họp quyết định toàn bộ công nhân phải ở lại, tăng ca hoàn thành đơn hàng đã ký kết, vậy nên vợ chồng con không thể về được. Bố lựa lời nói với mẹ giúp chúng con, qua tết rồi chúng con sẽ về thăm bố mẹ. Thông cảm với chúng con bố nhé. Cũng gần năm nay công ty của chúng con không có nhiều việc, sản xuất cầm chừng, giờ có hợp đồng mới không thể bỏ được, đây là hợp đồng lớn có ý nghĩa sống còn với công ty bố ạ! Bố mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe nhé, đừng lo gì cho chúng con. Ở lại làm, công ty lo chế độ tết cho công nhân rất chu đáo và đầy đủ, tiền lương cũng tăng gấp 3 lần so với ngày thường, nên anh em đều vui vẻ ở lại cả. Con chúc bố mẹ đón tết vui vẻ ạ! Ra giêng chúng con sẽ về bố nhé!

Hùng nói thật nhanh, anh như đang muốn chạy trốn, bởi anh biết thông tin này sẽ làm cho bố mẹ “sốc” và rất buồn. Mấy hôm trước anh vừa gọi cho mẹ hẹn về, mẹ anh vui lắm bảo sẽ chuẩn bị các thứ để đón con cháu về… Vậy mà giờ anh lại không thể về. Anh lặng lẽ tắt máy và ngồi thừ ra bên bàn làm việc, hình ảnh tảo tần của mẹ cứ hiển hiện trong tâm trí anh rất đỗi thân thương khiến anh lặng đi trong giây lát.

Tiếng máy âm vang rộn rã chợt đưa anh quay lại với thực tại xưởng máy. Anh đứng lên đi dọc phân xưởng. Những người công nhân đang mải miết chú tâm vào công việc của mình. Trong những ngày này hẳn họ cũng đều chung tâm trạng giống như anh rất muốn tết về sum họp cùng bố mẹ và người thân. Nhưng vì công ty, vì mưu sinh họ đành phải đánh đổi niềm vui sum họp tết cùng gia đình để họ bám xưởng, bám công ty quyết tâm hoàn thành đơn hàng mới mà công ty cũng rất kỳ vọng vào đó bởi nó sẽ giúp vực lại công ty sau nhiều tháng sản xuất cầm chừng.

Ông Thọ lặng lẽ buông người ngồi xuống bên vợ, như đã đoán ra, bà Chu nhìn ông mắt đã ầng ẫng nước, bà khẽ hỏi:

- Chắc chúng lại bận không về được phải không? - Bà buông tiếng thở dài, mắt ngước nhìn xa xăm. Bà cũng đã quá quen với sự sai hẹn của các con trong các dịp lễ tết, chúng hẹn về khiến bà phấp phổng ngóng đợi, đến phút chót chúng lại gọi bảo bận không thể về. Những lần như thế bà buồn lắm nhưng cũng đành chịu.

- Ừ công ty có đơn hàng mới người ta yêu cầu phải hoàn thành ngay trong dịp tết này. Thôi ra tết rồi chúng về bà ạ! Cả năm sản xuất cầm chừng, giờ có đơn hàng nhằm vực lại sản xuất nên công ty yêu cầu công nhân ở lại tăng ca làm việc. Con mình thế, đồng nghiệp của nó cũng mấy trăm người như thế cả, thôi kệ chúng, nhắc nhiều nó lại nóng ruột chả ích gì bà ạ! Muốn dân giàu, nước mạnh, kinh tế phát triển ta cũng phải chấp nhận hy sinh những cái nhỏ để đổi lấy cái lớn chứ.

- Ừ thì cũng đành chứ biết làm sao? Tôi cứ nghĩ chả biết còn bao cái tết nữa mình được ăn cùng con cháu đây? Cuộc sống mưu sinh sao mà nghiệt ngã vậy. Xưa nghèo mà tết nhất luôn sum vầy đầm ấm, nay thì khác hẳn. - Vừa nói bà Chu vừa dấm dứt khóc.

- Thôi bà cứ nghĩ thế làm gì? Con cái nó có công việc của nó. Đứa nào chả muốn tết về với bố mẹ, việc chẳng đành nên chúng chịu vậy, tôi biết các con cũng có hiếu lắm, cũng thương, cũng nhớ bố mẹ lắm chứ đâu phải chúng vô tâm gì đâu mà trách chúng.

Nói đến đây, chuông điện thoại lại vang lên. Ông Thọ hấp tấp cầm máy lên nghe:

- Huyền đấy hả con? Ừ bố mẹ khỏe, mẹ đang ngồi đây. Thế vợ chồng con bao giờ về hả? Mẹ sắm tết đủ cả rồi, con không phải mua sắm gì cho tốn kém. Mẹ vừa đi chợ về đây, mua sắm đầy cả nhà rồi, chỉ chờ các con về thôi! Sao? Cái gì? Đơn vị có lệnh 100% quân số phải trực tết không được nữa về à? Thay đổi phương án à? Ừ bố hiểu việc nhà binh đâu phải chuyện đùa! Ừ bố hiểu rồi!

Tiếng máy tắt đột ngột, ông Thọ ngồi thừ ra. Bà Chu quay sang hỏi:

- Vợ chồng con Huyền cũng không được về hả ông?

- Ừ vợ chồng nó phải trực tết cả, bộ đội biên phòng mà, đơn vị vợ chồng nó vừa có lệnh cấm trại 100% quân số không ai được nghỉ tết. Nó bảo trước vợ chồng nó nằm trong diện 20% quân số đơn vị cho về tết. Nhưng đến phút chót trên lại có lệnh mới. Cuối năm bộ đội biên phòng phải căng mình ra lo phòng chống các loại tội phạm các kiểu, vì bọn tội phạm thường lợi dụng dịp tết để gia tăng hoạt động, nên con mình bận là đúng thôi. Thông cảm với chúng bà ạ!

- Chán quá! Vậy là lại thêm một cái tết chỉ có hai vợ chồng già thế này, nhớ mấy đứa cháu và thương các con quá ông ạ.

Vừa nói, bà Chu vừa sụt sùi. Ông Thọ lặng lẽ vê thuốc cho vào nõ điếu, rồi châm lửa rít, tiếng điếu cày xoe xóe vang lên trong căn nhà giữa buổi trưa tĩnh lặng. Xong ông lật đật đứng lên, không quên an ủi bà:

- Thôi các con chúng đều bận cả, mình cũng không thể làm gì khác được. Mình hãy vui lên, để các con nó yên tâm làm nhiệm vụ của nó.

Bà Chu lén lau vội những giọt nước mắt trên gò má. Rồi bà gượng gạo bảo ông:

- Ừ giá chúng về được thì tốt, nhưng không sao ngoài tết chúng về cũng vui ông ạ!

Ngoài hiên gió lạnh thổi, cuốn theo những chiếc lá cuối mùa lã chã rơi bên thềm. Cây đào trước hiên đã bung nở những cánh hồng mảnh mai đầu tiên. Thấp thoáng trong khung cửa sổ hai vợ chồng ông lão lúi húi lo bữa cơm trưa.

Để cho đất nước bình yên, kinh tế phát triển, dân giàu, nước mạnh thế hệ trẻ ngày nay trên mọi miền đất nước đang nỗ lực làm việc. Họ gác lại niềm vui riêng vì họ luôn tin tưởng và hy vọng rằng một ngày không xa đất nước sẽ mạnh giàu, nhân dân sẽ hạnh phúc.

Tuyện ngắn: Bùi Nhật Lai

Tin cùng chuyên mục