Sau khi lĩnh hội được các bài giảng của thầy, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh mạnh dạn trở về Tuyên Quang mở hiệu vẽ truyền thần. Anh dựng một hiệu tranh nhỏ trên tuyến đường Quang Trung, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) bằng 2 gian gỗ tre, trên lợp giấy dầu, vách trát đất, có dán giấy để treo các mẫu ảnh trên tường. Hiệu vẽ truyền thần bắt đầu có khách, nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh càng say nghề. Thời điểm đó ở thị xã Tuyên Quang có khoảng 3 hiệu vẽ truyền thần của Mộng Cải, Cát Tường và họa sỹ Mạnh Đức. Chất liệu vẽ tranh truyền thần vẫn là bột màu và sơn dầu, thể loại đen trắng là chủ đạo. Theo nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh, vẽ truyền thần khó nhất là giống như thật, chép được cái hồn, đôi mắt, đặc điểm riêng của nhân vật. Có những gia đình đưa ảnh cũ của người đã mất lâu năm cho anh vẽ lại. Từ tấm ảnh bé kỷ vật ngày xưa, anh phải phóng tác to hơn nhiều lần, song vẫn phải đảm bảo độ chính xác. Sự thành công của tác phẩm chỉ khi khách hàng thấy hài lòng, tâm đắc.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh với nghề phục dựng ảnh tại cửa hàng trên đường Phạm Văn Đồng, tổ 1, phường Hưng Thành.
Hiệu tranh truyền thần của nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh ngày càng có tiếng, thu hút cả các nghệ sỹ nhiếp ảnh đến xem, giao lưu. Chính từ con đường vẽ truyền thần, nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh mới quyết tâm học thêm nghề chụp ảnh. Anh bán cả mảnh đất đẹp của gia đình để có tiền mua máy ảnh mở hiệu chụp dịch vụ. Hiệu ảnh Quang Minh trên đường Chiến Thắng Sông Lô, đường Bình Thuận (TP Tuyên Quang) lúc nào cũng đông khách, tạo dựng được thương hiệu của mình. Sau hơn 43 năm cầm máy ảnh, từ máy phim, máy kỹ thuật số, nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh không biết đã trải qua bao nhiêu đời máy ảnh. Công nghệ số giúp anh làm ảnh nhanh hơn, chất lượng hơn. Tuy nhiên nghề vẽ tranh truyền thần, anh cũng không thể từ bỏ đam mê. Anh nhận ra giữa phục chế ảnh photoshop trên máy tính và vẽ ảnh truyền thần có nhiều điểm tương đồng, bổ trợ được cho nhau. Hơn nữa nhu cầu về dịch vụ phục chế ảnh, vẽ truyền thần vẫn còn nhiều mà không phải hiệu ảnh nào cũng nhận làm.
Đến nay, nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh không nhớ rõ mình đã phục chế được bao ảnh, song mỗi hoàn cảnh là một kỷ niệm khó quên. Anh nhớ có lần một bà mẹ già chống gậy đến hiệu ảnh Quang Minh nhờ phục chế bức ảnh duy nhất của con trai đã hy sinh. Bức ảnh chụp kiểu chứng minh thư sau mấy chục năm đã bị mờ nhòe, mất nét. Lo lắng của gia đình là không có ảnh để thờ tự. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh nhận làm bằng khả năng và trách nhiệm cao của mình. Anh rất thận trọng xử lý tổng thể, chi tiết bức ảnh trên photoshop. Với kinh nghiệm và con mắt của thợ vẽ tranh truyền thần, anh “vẽ tranh” bằng con chuột máy tính. Tuy nhiên có những bức quá khó, mất nhiều chi tiết, nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh vẫn phải mang giấy ra vẽ truyền thần. Anh vẫn sử dụng song song hai phương pháp truyền thống và hiện đại. Anh kể, lúc nhận lại bức ảnh được phục chế xong, bà mẹ nhận lại ảnh của con mà rưng rưng nước mắt. Anh nghĩ làm được một việc tốt, việc ý nghĩa thì lòng cảm thấy vui khôn tả.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh hồi trẻ tại hiệu vẽ tranh truyền thần của mình.
Ngày nay ở thành phố Tuyên Quang có nhiều hiệu ảnh hiện đại. Nhưng những hiệu ảnh nhận xử lý phục chế ảnh, vẽ truyền thần rất hiếm. Vì nghề này đòi hỏi phải có kinh nghiệm tay nghề cao, xử lý tinh xảo. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh hội đủ nhiều yếu tố để tiếp tục duy trì nghề “khôi phục khoảnh khắc”. Bước sang cái tuổi 64 đối với một nghệ sỹ nhiếp ảnh cũng không phải là trẻ để đi đây đi đó chụp dịch vụ. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh nhận thấy mình phù hợp với nghề phục chế ảnh. Anh say sưa làm cả buổi ở cửa hàng mà không chán.
Ở Tuyên Quang, nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh khá nổi tiếng trong làng nhiếp ảnh, anh là 1 trong 2 nghệ sỹ nhiếp ảnh Trung ương của tỉnh. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh giành nhiều giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế, quốc gia, khu vực, tỉnh, huyện. Hiện anh là Chi hội Phó Chi hội Nhiếp ảnh - Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang và là nghệ sỹ vẫn đam mê phục dựng ảnh, vẽ tranh truyền thần lưu giữ nét xưa.
Gửi phản hồi
In bài viết