Người dịch từ “văn viết” sang “văn hình”
Họa sỹ Trần Hoài Đức sinh ra và lớn lên tại làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội). Anh bộc lộ năng khiếu hội họa từ nhỏ nên sớm được gia đình định hướng con đường nghệ thuật. Với lòng đam mê hội họa, anh thi đỗ vào Khoa Mỹ thuật - Trường Đại học sân khấu Điện ảnh. Sau khi tốt nghiệp, anh cộng tác thường xuyên, vẽ bìa, minh họa cho Báo Nhi đồng, đồng thời cộng tác với tạp chí Thế giới Đàn ông, tạp chí Thời trang trẻ, NXB Kim Đồng, NXB Thanh niên.
Năm 1997, anh trở lại trường Sân khấu Điện ảnh dạy môn Đồ họa. Sau đó, anh rời ghế giảng viên, thành lập cơ sở lấy tên là “Hoài design”, chuyên thiết kế sân khấu, trang trí mỹ thuật, thiết kế logo, thiết kế và sản xuất biển hiệu và các thiết kế đồ họa ứng dụng.
Duyên nợ đưa anh đến với thiết kế logo đó là, năm 1996, anh dự thi thiết kế Logo Cúp bóng đá Nhi đồng toàn quốc lần thứ nhất. Anh thiết kế rồi gửi đến ban tổ chức và ngay lập tức tác phẩm được lựa chọn. Đó là động lực để đến với mảng sáng tạo mới - thiết kế logo, biểu trưng. Kể từ đó tên tuổi của anh được xướng tên tại nhiều cuộc thi thiết kế lớn trong nước.
Điển hình như: Giải Nhất Cuộc thi Thiết kế Logo Du lịch Việt Nam (giai đoạn 2011-2025), Giải Nhất Cuộc thi Thiết kế Logo Kỷ niệm 65 năm Quan hệ Việt Nam - Indonesia năm 2022; Giải Nhất Cuộc thi Thiết kế Logo Gia đình Việt Nam năm 2013; Giải Nhất Cuộc thi Thiết kế Kỷ niệm chương Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga năm 2020; Giải Nhất Cuộc thi Thiết kế Logo Kỷ niệm 25 năm Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2019; và đoạt giải cao tại các cuộc thi sáng tác logo, biểu trưng các tỉnh thành trong cả nước.
Họa sỹ Trần Hoài Đức.
Câu chuyện của logo là một câu chuyện vô cùng thú vị thuộc về mỹ thuật ứng dụng. Đây là những tác phẩm đồ họa đặc sắc, tham gia tích cực vào đời sống sinh hoạt và văn hóa của con người. Anh chia sẻ, họa sỹ thiết kế logo được hiểu nôm na là người dịch từ văn viết sang văn hình. Việc thiết kế ra một logo luôn đòi hỏi có 1 sự sáng tạo không giới hạn. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, đòi hỏi người họa sỹ phải am tường kiến thức xã hội, kiến thức thực tế, có thế mới tạo ra được một tác phẩm mang ngôn ngữ đồ họa cô đọng, tinh túy dễ hiểu, mang tính thẩm mỹ cao.
Mỗi logo là một câu chuyện, là một thông điệp đầy ý nghĩa. Người họa sỹ luôn cố gắng nén những thông điệp vào từng tác phẩm một cách tinh túy, đầy sáng tạo để người xem có thể cảm thụ được.
Hai lần đoạt giải sáng tác logo về Tuyên Quang
Danh sách những giải thưởng của họa sỹ Trần Hoài Đức luôn khiến giới hội họa, thiết kế nể phục. Anh cũng là người được xướng tên tại các cuộc thi sáng tác logo, biểu trưng các tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, anh hai lần đoạt giải sáng tác logo về Tuyên Quang (logo tỉnh Tuyên Quang và logo thành phố Tuyên Quang).
Nói về 2 sáng tác thành công của mình dành cho Tuyên Quang, anh trải lòng, “nguyên liệu chính” để thiết kế cả hai logo đều là cây đa Tân Trào bởi đây là hình ảnh song hành cùng khái niệm Tuyên Quang. Để sáng tác anh dành nhiều thời gian nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, tình hình kinh tế xã hội của quê hương Tuyên Quang. Sau đó có nhiều chắt lọc gửi “văn viết” sang “văn hình” một cách sáng tạo, tinh túy nhất.
Họa sỹ Trần Hoài Đức cùng logo tỉnh Tuyên Quang và logo thành phố Tuyên Quang.
Năm 2012, sáng tác của anh được lựa chọn làm logo chính thức của tỉnh Tuyên Quang. Với hình tượng trung tâm của logo là hình cây đa Tân Trào. Cách tạo hình độc đáo và mạnh mẽ, cây đa hiện hữu như một tượng đài uy nghi, vững chãi, trường tồn, tỏa bóng che chở cho mái đình Tân Trào. Đó là hình ảnh tượng trưng cho sứ mệnh: Bảo vệ an toàn lãnh tụ và cơ quan đầu não của Cách mạng Việt Nam, đồng thời là Thủ đô Kháng chiến.
Ở đây có sự kết hợp giữa hai hình tượng: Hình ảnh cây đa và hình ảnh ngôi sao cách mạng Việt Nam tạo thành một tổng thể mang sức biểu cảm cao, góp phần tạo nên Sức sống, Vẻ đẹp của “Tượng đài Tuyên Quang”. Logo là hình ảnh tổng hòa của sự hiện hữu giữa thiên nhiên và con người. Logo sử dụng một màu đỏ sẫm mang dụng ý: Tuyên Quang là quê hương cách mạng, Thủ đô Kháng chiến với bao trang sử hào hùng. Màu đỏ là màu của sự nhiệt thành, đằm thắm tình người của Tuyên Quang.
Còn Logo thành phố Tuyên Quang do họa sỹ Hoài Đức thiết kế tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho công chúng. Logo được thiết kế theo phong cách đối xứng, gọn gàng và giàu tính biểu tượng. Giữa trung tâm logo là hình ảnh cây Đa Tân Trào, phần thân cây được tạo hình độc đáo đem đến một hình ảnh mang dáng dấp của thành phố trẻ năng động. Những đường sọc ngang bên dưới tượng trưng cho dòng sông Lô chảy qua thành phố Tuyên Quang, tượng trưng cho nguồn sinh khí và sức sống mạnh mẽ của một thành phố trẻ đang phát triển đi lên.
Với họa sỹ Hoài Đức, Tuyên Quang luôn mang đến cho anh nguồn cảm xúc đặc biệt. Anh luôn tự hào và thấy vui khi là họa sỹ ở Hà Nội nhưng rất có duyên với Tuyên Quang. Anh vui vì tác phẩm của mình được lựa chọn, được công nhận, sống trong lòng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. Mỗi khi đến Tuyên Quang, anh xúc động và biết ơn vô cùng khi nhìn thấy logo mình sáng tác được hiện hữu trên mảnh đất mến yêu này.
Gửi phản hồi
In bài viết