Khát vọng và hoài bão cống hiến

- Tuổi trẻ là quãng thời gian đẹp nhất của đời người, là món quà vô giá mà cuộc sống ban tặng. Ai cũng có khát vọng và tuổi trẻ chính là lúc nỗ lực hết mình thực hiện đam mê, hoài bão. Hành trình đến với lý tưởng sống đẹp, sống có ích của những tháng năm thanh xuân đã trở thành nguồn cảm hứng ngợi ca trong các tác phẩm văn chương.

Khi đất nước đang trên đà đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, hòa nhập với thế giới, rất cần những con người biết hy sinh, cống hiến. Nhà thơ Thanh Hải gửi gắm khát khao và ước nguyện dành trọn cho đất nước thông qua bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. Để bày tỏ lẽ sống của mình, ngay từ những câu thơ mở đầu, Thanh Hải đã đem đến cho người đọc cái giai điệu ngọt ngào, êm ái của những thanh bằng liên tiếp “ta” - “hoa” - “ca”. Điệp từ “ta” được lặp lại 3 lần thể hiện một ước nguyện chân thành, thiết tha: “Ta làm con chim hót/Ta làm một cành hoa/Ta nhập vào hòa ca/Một nốt trầm xao xuyến”.


Những ấn phẩm viết về hoài bão và khát vọng tuổi trẻ của tác giả xứ Tuyên.

“Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo, biểu lộ một cuộc đời đáng yêu, một khát vọng sống cao đẹp. Mỗi người hãy làm một mùa xuân, hãy đem tất cả những gì tốt đẹp, tinh túy của mình, dẫu có nhỏ bé để góp vào làm đẹp cho mùa xuân đất nước. Cặp từ láy “nho nhỏ”, “lặng lẽ” cho thấy một thái độ chân thành, khiêm nhường. Không khoe khoang, cao điệu mà chỉ lặng lẽ âm thầm dâng hiến. Và thông điệp mà thi nhân muốn gửi gắm cho thế hệ hôm nay và mai sau rằng hãy: “Lặng lẽ dâng cho đời/Dù là tuổi hai mươi/Dù là khi tóc bạc”.

Trước đó, Tố Hữu đã từng viết: “Nếu là con chim, chiếc lá/Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/Lẽ nào vay mà không trả/Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” (Một khúc ca xuân). “Con chim” cất cao tiếng hót để ca ngợi cuộc sống hạnh phúc và nó đã cống hiến cho cuộc đời bằng chính tiếng hót của mình. Còn “chiếc lá” với màu xanh tràn đầy sức sống mang đến cho cảnh sắc thiên nhiên sự thanh bình, nên thơ. Vậy, mỗi thanh niên với sức trẻ, trình độ của mình hãy ra sức cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng. Bởi mỗi chúng ta đã từng “vay” rất nhiều của xã hội, vậy thì phải biết “trả”, nghĩa là phải “trả” bằng chính năng lực, nhiệt huyết, tài năng của mình, cùng dựng xây quê hương. Tố Hữu đã nêu lên một quan niệm sống tích cực, sống đẹp trong mối quan hệ nhân sinh: Vay và trả, cho và nhận giữa cộng đồng đối với mỗi người, nhất là thế hệ trẻ.

Cùng hòa vào dòng chảy thi ca, các tác giả Tuyên Quang mang đến nhựa sống tích cực hun đúc nhiệt huyết tuổi trẻ thông qua nhiều thi phẩm như: “Vào mùa thi” của Trần Xuân Việt, “Anh ở đâu” của Phạm Thúy Mơ, “Lửa hàn đêm sông Lô” của Nguyễn Bình...

Đó là lời thầm thì dặn dò của nhà thơ Huyền Nhung - một người mẹ dành cho đứa con sắp bước ra cuộc đời. Rằng: Dẫu con có gặp gian nan khó khăn nhưng cuộc đời luôn cho con người cơ hội thứ hai, đó là “ngày mai”. Thế nên con hãy tự tin bước đi, tự tin thể hiện mình để cống hiến: “Sau mỗi cơn mưa con yêu có thấy/Hoa lá tươi màu uống nắng ban mai/Con hãy cứ đi vì ở ngày mai/Thế giới trong tay là ngày dài thử thách/Niềm tin thắp chảy tràn trong huyết mạch/Mẹ tin đường đời con nhất định thành công” (Thì thầm với con).

Đằng sau mỗi bước con đi luôn có mẹ tiếp sức. Mẹ tin rằng khi con dám sống, dám mơ ước, dám thực hiện khát vọng thì thành công sẽ đến. Bài thơ là tiếng lòng người mẹ “nhen nhóm” lên trong tâm hồn người con “ngọn lửa” cống hiến, xông pha vào cuộc sống để vươn lên, khẳng định tài năng của mình.

Cũng mang dòng tự sự, gửi gắm thế hệ trẻ, nhà thơ lão làng Nguyễn Kim Thanh thể hiện cảm xúc qua bài thơ: “Tài năng duyên dáng”. Bài thơ là khúc ca ước vọng, lời nhắn nhủ của người cha, người ông dành cho người con, người cháu hãy luôn biết rèn giũa để trở thành người có tài, có đức, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Thông điệp tưởng cứng nhắc, khô khan ấy được thể hiện mềm hóa qua giọng thơ trữ tình, ấm áp. Mở đầu tác phẩm, ông đưa độc giả đến dòng hoài niệm “mùa thi”, “hoa phượng”: “Lại những mùa phượng nở/Rắc cánh mềm lên mái tóc mây/Các em ra trường - đủ sức cất cánh bay/Gió mùa hạ theo mây về lãng đãng”. Những lời nhắn nhủ được thể hiện sâu sắc qua khổ thơ cuối bằng câu chữ giản dị, chân tình: “Đỏ rực mầu cờ trường lớp yêu thương/Đất nước ta bước sang trang sử mới/Đem đức tài mở mặt non sông”.

 Đất nước ta đang trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển, vì vậy mà sự cống hiến của các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng. Cống hiến là sự hy sinh của bản thân, không màng đến lợi ích cá nhân mà làm việc hết mình vì người khác, vì một tập thể, một cộng đồng. Đó cũng là lời nhắn nhủ của tác giả trẻ Bích Hậu thông qua bài thơ “Khát vọng tuổi trẻ”: “Nhiệt huyết tràn trề sức trẻ/Bao đam mê, khao khát theo về/Chí cháy trời xanh, hướng phủ bốn bề/Lòng trẻ rộng, đem đất trời hóa chật/Như con chim non muốn vượt ngàn dặm đất/Như cây rừng muốn vươn mình chạm ánh dương xa”.

Bằng cách sử dụng liên tiếp những động từ, tính từ mạnh: “Tràn trề”, “đam mê”, “khao khát”, “vượt”, “vươn”... Lời thơ thể hiện được ý chí quyết tâm, tràn trề sinh lực của một tác giả trẻ. Đó là lời đáp từ đầy mạnh mẽ sôi nổi, chí khí quyết tâm dâng hiến cuộc đời, sẵn sàng tận trung phục vụ quê hương đất nước.

Trên thi đàn, các tác giả đều dành khoảng riêng khi viết về tuổi trẻ, tình yêu và khát vọng cống hiến. Đó tựa như nguồn nhựa sống hun đúc nhiệt huyết, tạo khí thế phấn khởi để lớp lớp thanh niên hôm nay và mai sau vững tin cống hiến cho quê hương, đất nước.

Hoàng Niềm

Tin cùng chuyên mục