Khu tập thể bờ sông

- Khu tập thể bờ sông là bộ tiểu thuyết 2 tập của Nhà văn Phan Khánh. Sách được Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành và giới thiệu đến độc giả năm 2020.

Bộ tiểu thuyết Khu tập thể bờ sông có 7 chương. Trong đó tập 1 gồm 4 chương, tập 2 có 3 chương, miêu tả cuộc sống Hà Nội từ sau ngày giải phóng Thủ đô đến giai đoạn đổi mới đất nước. Nhân vật chính Hân là một trí thức “quê choa” đã xuất hiện trong bối cảnh ấy, háo hức dự phần, ngỡ ngàng đón nhận và cũng bẽ bàng chịu đựng những đổi thay của thế sự, những trái ngang của lòng người.

Khu tập thể bờ sông là một không gian sinh động bởi những con người bình thường, không cao sang và cũng không thấp hèn. Khu tập thể bờ sông nằm giữa hai thái cực “trong đê” và “ngoài đê”.

Tác giả Phan Khánh miêu tả “trong đê là phố xá xây cất khang trang đẹp đẽ, đường đi lối lại rải nhựa phẳng lỳ, tuy còn lưu lại nhiều kiến trúc cổ nhưng cũng rõ nét văn minh” và “ngoài đê là thế giới của những kẻ dưới đáy xã hội, làm thuê, phu phen, con đòi con ở hạng dưới không được ăn ngủ trong nhà của chủ”.

Tuy nhiên, cái êm ả của Khu tập thể bờ sông cũng bao phen sóng gió khi sự tham lam của một vài viên chức thúc thủ trước cám dỗ vật chất và quyền lực. Cuống cuồng với danh lợi, người tốt và người xấu chỉ còn lằn ranh mong manh, cái cao thượng im lặng trước cái bội bạc, cái trung thực sợ hãi trước cái tinh quái, cái trong trắng ngã quỵ trước cái suy đồi. Cũng may, nhân vật chính Hân và nhiều người lương thiện khác, vẫn chọn ngõ hẹp tử tế bình yên của riêng họ. Gắng gượng tồn tại, bền bỉ lao động và khao khát vươn lên.

Mỗi chương của tiểu thuyết Khu tập thể bờ sông được đặt một cái tên riêng. Mở đầu là “Hà Nội năm nao” rồi tiếp đến “Trường cao đẳng giao thông công chính”, “Chào 61, đỉnh cao muôn trượng”, “Rất anh hùng giữa thế kỷ 20” và khép lại “Bốn ngàn năm ta vẫn là ta”. Mỗi chương có thể đứng riêng thành một tác phẩm, nhưng cộng lại với nhau thì phác thảo được một giai đoạn khó quên của dân tộc.

Tiểu thuyết của tác giả Phan Khánh còn hấp dẫn người đọc bởi một thủ pháp rất riêng là dùng rất nhiều câu chữ “dân gian” - thành ngữ, thơ ca và khẩu ngữ. Những câu văn vừa đời thường, vừa đầy ắp chi tiết tinh nguyên sự sống, nên con người, khung cảnh Hà Nội một thời đã xa hiện lại rõ mồn một, như mời gọi người đọc một lần nữa trở về với những tháng ngày xa xưa.

Hải Lâm

Tin cùng chuyên mục