Họa sỹ Mai Hùng, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, một trong những họa sỹ gạo cội của mỹ thuật Tuyên Quang có thể thể hiện đa dạng tác phẩm trên nhiều chất liệu: sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, bột màu. Sau khi nghỉ hưu, ông đã dành toàn tâm toàn ý cho tình yêu nghệ thuật hội họa. Các tác phẩm của ông càng trải thời gian càng sung sức, dạt dào men say cuộc sống với chủ đề mà ông đã trọn đời theo đuổi: thiên nhiên, cuộc sống con người vùng cao.
Với gam mầu trầm ấm, một bản Tày thật thanh bình hiện ra qua bức tranh lụa “Buổi sáng ở Ngọc Long” của họa sỹ Mai Hùng. Ông nhớ lại: Năm 1992, đoàn công tác của tổ điều tra kinh tế xã hội của tỉnh được cử về các huyện trong tỉnh Hà Tuyên làm việc, hôm đó chúng tôi đi bộ từ Lũng Hồ vào xã Ngọc Long, huyện Yên Minh (Hà Giang). Sau nhiều km đường rừng, tới cổng trời nhìn xuống thấy vô cùng ấn tượng: một bản người Tày đông đúc với lớp lớp những nhà sàn mái ngói âm dương rất đẹp hiện ra dưới thung lũng. Khi đó, tôi chỉ lấy tài liệu thôi, chưa vẽ được ngay, rồi công việc bận rộn cứ mải miết cuốn đi, sau hơn 20 năm bức tranh lụa “Buổi sáng ở Ngọc Long” mới hoàn thành, mang đến cho người xem những cảm nhận dịu dàng, tươi mới về không gian đầy sức sống của vùng cao Hà Giang.
Tranh sơn dầu Bên chiếc cối xay của họa sỹ Vũ Long Hải.
Những năm gần đây, chi hội Mỹ thuật - Hội VHNT tỉnh xuất hiện một gương mặt họa sỹ trẻ, không chuyên, nhưng có những tác phẩm tranh sơn dầu rất đáng chú ý, thể hiện nhịp sống sinh hoạt bình dị của người dân lao động, đó là họa sỹ Vũ Long Hải, sinh năm 1990 ở xã Thái Bình (Yên Sơn). Những năm tháng mưu sinh ở Sài Gòn, có dịp học kỹ thuật cơ bản về vẽ tranh, nhưng anh bảo khi ấy bận mải mưu sinh nên cũng chưa tập trung giành nhiều thời gian cho sáng tác.
Năm 2013, trở về Tuyên Quang, mở phòng tranh Long Hải Galaxy ở 331 đường Quang Trung (TP Tuyên Quang) anh mới chuyên tâm cho việc sáng tác. Những tác phẩm “Bên chiếc cối xay”; “Đàn gà của mẹ” (tranh sơn dầu); “Mùa cấy” (tranh màu Acrylic) là những khoảnh khắc đầy cảm hứng mà ai từng sống ở các miền quê đều có thể bắt gặp cả bầu trời ký ức tuổi thơ của mình ở đó. Chia sẻ về việc nắm bắt những khoảnh khắc có thể một đi không trở lại của cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, họa sỹ kể: một lần mình vẽ cảnh người dân đang thu hoạch lúa ở một cánh đồng gần nhà, vậy mà ngay năm sau thôi, cánh đồng đó đã bị đổ đất san phẳng, trở thành sân bóng của xã. Mình thật mừng đã kịp là chứng nhân lưu giữ lại được những khoảnh khắc, những hình ảnh nên thơ, thanh bình đó khi cánh đồng chưa bị biến mất.
Làng cổ vào tranh của họa sỹ Dương Xuân Quyền, giảng viên Mỹ thuật, Đại học Tân Trào là chùm tranh sơn dầu gắn liền với tuổi thơ đầy kỷ niệm của anh. Thế mạnh của họa sỹ Xuân Quyền là vẽ nét trong tranh khắc gỗ. Chất liệu sơn dầu cũng chiếm ưu thế trong các sáng tác của anh. Họa sỹ chia sẻ: Dốc đồi chè Tân Thượng, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) là con đường tuổi thơ mình đi học, gian nan lắm với điệp trùng những dốc là dốc, còn lại trong trí nhớ của mình là những buổi đến trường từ tờ mờ sáng, sương giăng đầy trên mi mắt.
Tranh sơn dầu Đồi chè thôn Tân Thượng của họa sỹ Dương Xuân Quyền
Rồi mọi khó khăn cũng qua, con đường làng tuổi thơ đã nâng bước mình trưởng thành để có được như ngày hôm nay. Chùm tranh sơn dầu mình vẽ về thôn Tân Thượng, thôn Phúc Lợi khi ấy chưa có đường bê tông như bây giờ, giờ quê hương đổi thay từng ngày, từng giờ, các cung đường đã rộng mở, thênh thang và chùm tranh mãi lưu giữ giúp một phần ký ức tuổi thơ mình ở đó.
Một trong những nữ họa sỹ sở trường về chất liệu màu nước ở Hội VHNT Tuyên Quang là nữ họa sỹ Nguyễn Yến. Những tác phẩm màu nước về làng quê của chị đã dành trọn tình yêu cho những ngôi nhà trình tường, những hàng rào đá của Hà Giang hùng vỹ. Những tác phẩm “Cây Samu đầu bản”, “Chiều Lao Xa” và đặc biệt là tác phẩm “Mùa xuân đến”, khắc họa ngôi nhà có hàng rào đá nằm lặng lẽ giữa thung lũng Sủng Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang), nơi quay bộ phim nổi tiếng “Chuyện của Pao” của đạo diễn Ngô Quang Hải. Với sắc độ uyển chuyển của màu nước, thiên nhiên, con người Hà Giang hiện lên qua các tác phẩm của chị thật khác biệt, hấp dẫn. Ngoài tranh về những nếp nhà độc đáo ở Hà Giang, chị Yến còn cả một “bộ sưu tập” về hoa, từng tham gia nhiều triển lãm trong nước, quốc tế, thu hút nhiều sự quan tâm của nghệ sỹ, công chúng yêu hội họa.
Sự thanh bình, an nhiên của làng quê xưa giờ đã bị sự xô bồ, hỗn tạp làm mai một đi ít nhiều, nhưng vẫn luôn là miền ký ức thương nhớ trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt. Xin cảm ơn các nghệ sỹ, họa sỹ, những người đã dày công lưu giữ lại những khoảnh khắc nguyên sơ, một phần hồn đầy cảm xúc ấy của làng qua góc nhìn mỹ thuật, từ đó lan tỏa sâu rộng tình yêu quê hương đến với cộng đồng
Gửi phản hồi
In bài viết