Tiếng kèn

- Mặt ông căng ra, những nếp nhăn dường như biến mất. Bên cạnh, người đàn bà vẫn đang loay hoay nhóm lửa để nồi bánh chưng kịp chín khi trời vừa sáng. Tiếng kèn dường như thôi thúc lửa cháy to hơn. Bao giờ cũng vậy, khi lũ con trai, con gái ngồi cạnh nhau ới à hát câu lượn cũng là lúc ông lấy cái kèn đồng ra thổi, bà vẫn ở đấy, đôi mắt chăm chăm nhìn ánh lửa.

Đã bao năm rồi, từ khi ông còn là thằng trai bản đến bây giờ đã qua bao nhiêu mùa rẫy. Cái kèn đầu bịt đồng vẫn  kêu vang như ngày nào, ông thổi bài đón mùa xuân khi tiếng chim đón dâu bắt nhịp, lúc chén rượu đã ngấm. Tiếng kèn trong đêm giao thừa như chắp nhịp câu lượn của đám trẻ hòa vào sắc xuân. Ngày xưa, bà cũng vì mê tiếng kèn ấy mà gắn bó cuộc đời mình với ông. Tiếng kèn thổi lên cho con trai con gái đi tìm nhau, khi chia buồn với nỗi đau thương của những người thân khi tiễn con ma về với giàng.

Ngày trước, khi còn là đứa trẻ, bố ông cầm tay con nhìn rồi gật đầu hài lòng. Từ đó ông bắt đầu học thổi kèn. Bao nhiêu đám cưới, bao nhiêu đám ma cụ đều cho ông đi theo vừa để ông quen nghề vừa thổi thay khi mệt. Đến khi ông cụ già và ông cũng đã thành thạo thì ông một mình đi. Cứ như vậy, ông đã gắn bó với nó từ khi nào. Cả ngày thổi mệt lử người nhưng đâu có dám ăn vì sợ căng bụng sẽ mất hơi, ông chỉ uống chút rượu để hơi men ngấm mà tăng cảm hứng. Có những lúc, thổi liền ba ngày người mệt lử, công có được bao nhiêu chỉ là chiếc đùi lợn, cũng có khi chủ nhà cho thêm ít tiền đủ vài gói thuốc.

Những lần như vậy  lại phải mất mấy ngày nghỉ lại sức. Bà vợ lo cho sức khỏe của ông khuyên bỏ nhưng đâu được. Bởi nó đã thấm vào huyết quản của ông, gắn liền với ông bao năm nay rồi. Cứ có ai tìm đến, ông lại đi ngay chẳng ngại đường xa hay gần. Có người bảo “ai đi theo nghề này phải chịu một lời nguyền không bao giờ khá giả được dù có làm ăn chăm chỉ đến mấy”. Đời cụ, đời cha rồi đến ông học thổi kèn, tuy luôn được mọi người kính trọng nhưng dù chăm chỉ vẫn nghèo. Mỗi tháng ông cũng vác về vài chiếc đùi lợn nhưng đâu thể ăn thịt thay cơm, cuối cùng vẫn phải bán một phần để mua gạo. Dù vậy, ông cũng không bỏ nghề bởi bao tâm huyết ông đã dành cả cho nó rồi.

Mấy năm nay, tiếng kèn dường như thưa hơn. Đám cưới giờ đây chỉ nghe thấy tiếng loa đài, đám ma cũng chỉ lâu lâu mới gọi ông đi thổi. Ông cũng già rồi, bước chân không còn khỏe như trước nữa những đám ở xa ông muốn đi cũng không được. Nhưng cứ mỗi lần đến tết hay các ngày lễ và cả những lúc ngấm rượu ông lại mang kèn ra thổi. Lũ trẻ vây quanh nghe thổi mà không chán, có đứa xin thử nhưng chỉ kêu to te. Ông cầm tay từng đứa sờ thử ngắm nhìn hồi lâu rồi lắc đầu. Chẳng ai có ngón tay to bè như của ông, con rồi đến cháu cũng vậy. Đứa nào cũng được dạy kỹ càng nhưng cố lắm cũng chỉ học được vài tháng, thổi những bài đơn giản, rồi chịu.

Năm ngoái, có người vì mê tiếng kèn của ông mà tìm đến học nhưng học mãi vẫn không thể thổi được bài hoàn chỉnh, sau đành bỏ. Ông cũng đã cố gắng truyền hết cho, mong có người nối nghề nhưng đành chịu bởi không chỉ có say mê mà phải cần thêm khiếu mới có thể học được hết.

Bên bếp lửa, bà ngồi đó tay cầm chiếc kim đang khâu lại áo. Ông ngồi đó, chiếc kèn vẫn bên cạnh ông, chén rượu vẫn đầy. Tiếng kèn vang lên trong đêm như xé toang cái lạnh của mùa đông. Vẫn trong, vẫn vang xa nhưng không rộn rã như trước. Ông thổi bài “mừng cô dâu mới”...!

- Khuya rồi ngủ đi thôi! 

Bà giục...

Minh họa: Bích Ngọc

Mấy con nghé chạy cả sáng giờ mới chịu yên để ông nghỉ. Trời hôm nay mát lắm ông chỉ muốn ngủ một chút, nhưng đàn trâu ở gần ruộng quá không thể yên với chúng được.

- Ông để cháu chăn hộ cho!

Thằng Pú từ đâu đến dắt theo con trâu đực nhìn ông. Nó mồ côi từ nhỏ, giờ sống với bà ở ngôi nhà cuối bản. 

- Ông cứ ngủ đi, cháu sẽ chăn cho ông. Nó tiếp.

- Vậy tốt quá, tao đang muốn ngủ đây.

Nói rồi ông nằm xuống thở đều đều. Ông ngủ ngay cũng vì an tâm về tài chăn của thằng bé, cứ nhìn con trâu đực thì biết, béo múp. Và quả thực ông cũng buồn ngủ lắm rồi. Miên man trong cơn say ông mơ nhiều lắm, thời trẻ thổi kèn cả ngày mà không mệt, mơ cả những lúc ông mới tập thổi và cả khi xách cái đùi lợn đầu tiên về khoe bố nữa chứ.

- Tò... ò... ò oo...

Ông giật mình tỉnh dậy, rất nhanh ông nhìn thằng Pú.

- Cháu xin lỗi? Tại cháu thấy cái kèn của ông nên... Nó hối hận.

- Ai dạy mày thổi? Ông hỏi thằng bé mắt vẫn đăm đăm nhìn.

- Không lần đầu tiên cháu thổi? Sao vậy ông?

- Lần đầu? Ông ngạc nhiên. Lần đầu mà thổi được như vậy ư ? Hết ngạc nhiên ông lại vui mừng. Đúng rồi người ông cần tìm chính là thằng bé này. Tai ông nghe là biết, ông chưa thấy ai thổi lần đầu mà kèn lại kêu như vậy. Người khác dạy đi dạy lại cách bịt lỗ, cách lấy hơi, kèn mới phát tiếng như vậy. Ông cũng phải dạy ba lần mới được, còn thằng bé này? Ngón tay, những ngón to bè như thế này phải dùng bịt lỗ kèn mới đúng. Nước mắt ông ứa ra, vui quá, tốt quá.

- Mày thích học thổi kèn không?

- Sao ạ? Thằng Pú vẫn chưa hết ngạc nhiên.

- Tao sẽ dạy mày!

- Nhưng... Pú lưỡng lự.

- Sợ bà mày không cho chứ gì? Cứ để tao!

- Liệu cháu có học được không ạ? Nghe nói khó lắm?

Ông rất vui, lâu rồi ông không vui như thế này. Tiếng kèn của ông sẽ không bị mất, tâm huyết bao năm sẽ không sợ phải theo ông về Giàng nữa. Ông biết thằng Pú sẽ như ông, sẽ giỏi hơn ông. Tiếng kèn đầu tiên nó thổi không phải là te te như những đứa khác, đó là tiếng tò kéo dài của người đã biết cách lấy hơi và biết cách bịt lỗ thật kín. Thằng Pú say sưa nghe chuyện những lần thổi kèn đám của ông. Nó say lắm, nó cũng vui, nó thích được vác đùi lợn về như ông.

Hôm nay, bà thấy ông về muộn hơn mọi ngày. Lũ trâu no quá chẳng buồn nhấc chân nữa nhưng thấy chủ không quát gì nên càng đi chậm hơn. Ông vừa đi vừa hát lượn, gặp ai cũng gật đầu cười. Vừa buộc trâu vào chuồng, chẳng rửa chân, tay gì đã thấy ông vào nhà cất con dao, đưa cái kèn cho bà cất rồi đi thẳng về phía cuối bản.

- Sắp tối còn đi đâu?

- Tao sang nhà bà Mẩy tí. Ông quay lại: thịt con gà nhé! Tí tao rủ ông Ngò về uống rượu

***

- Mày nhanh lên! Không thằng Pú nó đợi lâu. Ông giục vợ.

- Ừ!

- Nhanh lên ! Để tao xem cái đùi lợn to không chứ!

Hôm nay, Thằng Pú vừa được cái đùi lợn đầu tiên. Mới sáng sớm nó đã sang nhà ông mời cơm. Đang chuẩn bị đi rẫy, ông bỏ hết. Chà! đùi lợn to lắm phải bằng đùi con nghé ấy chứ!

Ông uống không nhiều rượu nhưng vẫn thấy say, ông say cái khác. Thằng Pú bây giờ thổi kèn giỏi lắm, nó đã có thể thay ông và cũng đã có thể tự đi thổi kèn đám một mình. Ông vui nhưng ông vẫn lo lo. Khi mọi người đã ăn xong ông gọi thằng Pú đến bảo:

- Mày thổi giỏi rồi! Nhưng bây giờ  không sống bằng nghề này được. Mấy ai còn thuê kèn đám nữa đâu?

- Cháu cũng định thưa với ông một chuyện!

- Chuyện gì?

Hôm nay, có giấy mời cháu đi thi văn nghệ dân tộc thiểu số trên tỉnh. Nếu được giải có thể vào Đoàn Nghệ thuật.

- Được! Được! Ông gật gù.

Tiếng ồn ào xung quanh bắt đầu vang lên. Ông Ngò - Trưởng bản lên tiếng:

- Vậy thì tốt quá! Bản ta sẽ có thêm nghệ nhân đấy! Lại còn được làm trên tỉnh nữa

Tiếng bàn tán lại vang lên lần nữa.

- Thằng Pú mang kèn ra, thổi tao với dân bản nghe nào!

Tò... ò... ò... Mọi người nín lặng. Âm thành từ chiếc kèn đồng khi dồn dập, lúc mềm mại như dòng suối hòa vào bóng đêm.

Truyện ngắn: Triệu Hoàng Giang

Tin cùng chuyên mục