Sách gồm bảy chương: Ông Ba Quốc, Campuchia - Những bài học đầu tiên, Ông Ba và đồng đội, Nghề tình báo - những điều được trao truyền, Tầm nhìn mới, chân trời mới, Trở lại Campuchia, Những câu chuyện đời, Khoảnh khắc và cuộc đời. Cuốn sách gần 500 trang, như một cuộc khảo cứu về cuộc đời ông Ba Quốc, nhưng cũng là nhìn lại những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi của người thanh niên Nguyễn Chí Vịnh. Trong đó, từng dấu mốc sự nghiệp của ông luôn có bóng dáng người thầy Ba Quốc đồng hành.
Ông Ba Quốc từng có 24 năm hoạt động trong lòng địch, được đánh giá là một nhà tình báo lỗi lạc. Nhận Nguyễn Chí Vịnh làm học trò, ông dạy cậu học trò của mình tỉ mẩn theo cách riêng của ông: Đó là qua những câu chuyện về nghề, qua những sự vụ mà ông từng trải qua… Cứ thế, không thuyết giảng, không sách vở, thầy truyền cho cậu học trò kiến thức, kinh nghiệm thực tế, sự nghiêm cẩn với nghề và một lòng yêu nước nồng nàn, đến độ cực đoan. Ông đồng hành với cậu học trò, từ những ngày cậu chân ướt chân ráo sang Campuchia, đến khi được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng Tổng cục II.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng từng chia sẻ: Sẽ không có người thầy nào muốn học trò giỏi hơn mình, nhưng ông Ba Quốc thì khác. Ông biết mình mạnh điểm nào, yếu điểm nào để truyền nghề. Cái mạnh, ông truyền hết, mở mang cho trò. Sau này, khi đã hết vốn, ông gửi học trò mình cho những “ông già tình báo” khác, để làm tròn đầy vốn cho cậu học trò mà ông từng thừa nhận: Là sản phẩm tâm đắc nhất của ông!
Cuộc đời ông Ba Quốc, có lẽ cũng là cuộc đời của tất cả những nhà hoạt động tình báo trong lòng địch thời chiến tranh: Đó là để lại quá nhiều nốt trầm trong cuộc sống của những người thân trong gia đình họ. Mà ở ông Ba Quốc, đó là bà Thanh - người vợ đầu của ông ngoài Hà Nội, là để vợ con ông sống với những ẩn ức, mà sau này, mỗi lần được gặp cha, con gái ông lại chống đũa mà ngồi khóc tu tu trong bữa cơm như thể trút hết nỗi niềm của những tháng ngày thiếu thốn, cơ cực và điều tiếng ấy.
Nhưng như Nguyễn Chí Vịnh nhận xét: “Ông có và đã làm được hai điều quan trọng nhất của cuộc đời đó là tình yêu và lý tưởng. Tình yêu chỉ có một và lý tưởng cũng chỉ có một mà thôi. Tình yêu của ông Ba là tình yêu Tổ quốc, tình yêu gia đình, tình yêu dành cho cái đẹp và lẽ phải. Lý tưởng của ông cũng vậy, điều cao nhất ông hướng tới là hy sinh tất cả những gì mình có để đất nước độc lập và hòa bình, dân tộc được ấm no hạnh phúc”.
Và độc giả khi đọc Người thầy sẽ thấy, không chỉ ông Ba Quốc, mà tất cả các nhân vật xuất hiện trong cuốn sách, đều vô cùng tử tế, uyên thâm và nhiệt huyết. Gấp lại trang cuối cùng của cuốn sách, điều lớn nhất đọng lại trong lòng độc giả có lẽ không phải những chiến công thầm lặng nhưng rung trời chuyển đất của nhà tình báo. Tình yêu Tổ quốc, lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng vì sự nghiệp thống nhất đất nước, yêu quê hương, số phận mỗi người, mất mát của mỗi gia đình, là điều gây ấn tượng nhất khi đọc tác phẩm này.
Gửi phản hồi
In bài viết