Thực tế từ trước đến nay, các hoạt động văn học nghệ thuật đa số đều dựa vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Những năm gần đây, xã hội hóa văn học - nghệ thuật trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào cuộc sống. Một số văn nghệ sỹ nỗ lực “tự thân vận động”, vận dụng các mối quan hệ thân thiết, quen biết để được hỗ trợ kinh phí, phục vụ cho sáng tạo văn học nghệ thuật.
Nhiều năm qua, các hội viên các Hội Văn học - Nghệ thuật chủ động tổ chức các cuộc triển lãm cá nhân và nhóm. Trong đó, Phân hội Mỹ thuật, hàng năm, các hội viên đã “tự bỏ tiền túi” tổ chức các cuộc triển lãm nhóm. Nhiều cuộc triển lãm tạo tiếng vang trong giới hội họa cả nước. Điển hình như: Họa sỹ Dương Xuân Quyền 3 lần thực hiện triển lãm cá nhân; Triển lãm Nhóm hiện thực của Lê Cù Thuần cùng với một số họa sỹ trẻ trong nước; triển lãm nhóm “Phụ nữ vẽ và yêu”, “Gặp gỡ tháng Chạp” của Lương Ánh Hiện và một số họa sỹ trong nước; Triển lãm “Trở về” của Lương Ánh Hiện, Lê Cù Thuần, Thành Trung;…
Họa sỹ Dương Xuân Quyền giới thiệu triển lãm cá nhân tại Hà Nội.
Họa sỹ Lê Cù Thuần, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật tỉnh chia sẻ: Việc các họa sỹ chủ động tìm “con đường riêng” để tác phẩm đến gần hơn với công chúng là điều mà Phân hội luôn ủng hộ khuyến khích. Đây là cơ hội để các họa sỹ giao lưu nghệ thuật, học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt thông qua các lần ra mắt này nhiều tác phẩm nhận được sự yêu mến và tìm được bến đỗ riêng, theo chân các nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước. Từ đó khẳng định được tài năng và động lực để tác giả cố gắng mỗi ngày.
Phân hội Nhiếp ảnh có Triển lãm cá nhân của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính, Triển lãm “Đất và người thành Tuyên” của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính khẳng định, xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật là một yêu cầu tất yếu khách quan trong tiến trình đổi mới, hội nhập của đất nước nhằm kích thích tiềm năng sáng tạo, huy động nguồn lực toàn xã hội, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. Xã hội hóa văn học - nghệ thuật phải hiểu trước hết chính là xã hội hóa về mặt đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp để góp phần giúp đỡ các văn nghệ sỹ toàn tâm toàn ý sáng tác.
Tại nhiều cuộc Hội thảo về chủ đề xã hội hóa tác phẩm văn học nghệ thuật thì hầu hết các ý kiến đưa ra đều khẳng định, tìm nguồn tài trợ và quảng bá chính là những khâu khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm cao của các hội viên. Bởi khi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào một tác phẩm họ đều mong muốn sự quảng bá hình ảnh của mình đến công chúng nhanh nhất, trong khi với văn học - nghệ thuật, quá trình này đòi hỏi thời gian, sự chiêm nghiệm và đôi khi cả những thăng trầm để tác phẩm đó tồn tại. Vì lẽ đó, hầu hết các đơn vị làm kinh tế e ngại, không mặn mà với việc đầu tư, hỗ trợ giới văn nghệ sĩ.
Hiện nay, nhiều tác giả trẻ trong tỉnh có nhiều cách làm để giới thiệu quảng bá tác phẩm từ đó tìm được “đầu ra” cho tác phẩm của mình. Điển hình như họa sỹ Lương Ánh Hiện, họa sỹ Lê Cù Thuần, Dương Xuân Quyền… thường xuyên liên hệ với các phòng tranh Hà Nội để trưng bày tác phẩm. Một số nhiếp ảnh gia, nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ… lại thường xuyên giới thiệu tác phẩm trên các trang mạng xã hội; gửi đến các tòa soạn báo để đăng tải hay gửi tham dự các triển lãm, cuộc thi từ đó tìm “đầu ra” cho tác phẩm. Nhiếp ảnh gia trẻ Lê Đức chia sẻ: “Ngày nay, các nhiếp ảnh gia trong nước luôn phải tự thân, năng động tìm khán giả riêng cho tác phẩm của mình. Nhiều tác phẩm của một số tác giả trẻ khi chia sẻ lên mạng xã hội, tham dự các cuộc triển lãm cũng được nhiều nhiếp ảnh gia nước ngoài xem và đánh giá cao. Chúng tôi luôn cố gắng học hỏi đồng nghiệp, bạn bè trong nước cách quảng bá tác phẩm của mình”.
Cùng với sự phát triển của xã hội, sự thay đổi nhanh chóng trong thời đại công nghệ số đó là cơ hội để người nghệ sỹ có môi trường quảng bá tác phẩm của mình. Do đó, mỗi hội viên cần linh động nắm bắt cơ hội thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, tìm được nhà tài trợ từng bước đưa tác phẩm đến gần công chúng tạo môi trường tốt để xã hội hóa văn học nghệ thuật thành công.
Gửi phản hồi
In bài viết