Lời ru nâng bước

- Được sản sinh từ mạch nguồn văn hóa mỗi vùng đất, mỗi dân tộc, những làn điệu hát ru, dân ca vẫn nuôi giữ được sức sống tiềm tàng, lắng đọng và kết tinh trong mỗi tâm hồn con người. Từ thủa ấu thơ, chúng ta được ấp ủ trong lời ru của bà, của mẹ. Những giai điệu dịu dàng ấy như dòng suối tắm mát tâm hồn để mai này dù có đi xa ta lại thao thức nhớ về…

Lời ru theo mẹ lên nương, theo mẹ xuống núi

Tuyên Quang có 22 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có một ngôn ngữ, tiếng nói, bản sắc văn hóa riêng. Và mỗi bà mẹ người Tày, Dao, Mông, Cao Lan…đều gửi tấm lòng, tình yêu thương con cái qua mỗi bài hát ru riêng biệt.

Hát ru gắn với câu chuyện ấm áp, cảm động về tình mẫu tử của người dân tộc Tày. Theo lời kể của các già làng, xa xưa, ở một làng nọ, có người mẹ trẻ đi làm nương từ sáng sớm phải để đứa con nhỏ ở nhà nhờ bà ngoại trông giúp. Thiếu hơi ấm của mẹ, đứa trẻ khóc mãi không thôi. Thương cháu, không biết làm thế nào, mẹ già mới lấy chiêng ra đánh để gọi con dâu về.

Tiếng chiêng vọng qua nhiều cánh rừng đến tai người mẹ trẻ đang mải miết lao động. Người mẹ trẻ vội vã trở về nhà, ôm đứa con thơ dại vào lòng và cất lên tiếng à ơi ru hời quen thuộc. Đứa trẻ nghe tiếng ru ngọt ngào thì thôi khóc và chìm vào giấc ngủ say. Lời ru vang vọng câu ca: “À à ơi/ Mẹ còn đi cấy đường xa chưa về/ Bắt được con trắm, con trê/ Đem về nấu nướng cho con ăn”.

Cứ thế, hát ru theo mẹ và con lên nương, cùng mẹ và con xuống núi. Những câu hát gần gũi, mộc mạc thể hiện sâu lắng tình cảm của người mẹ dành cho con. Bà Hà Thị Mỵ, một “nghệ nhân” người Tày ở xã Trung Trực (Yên Sơn) chia sẻ, hát ru ứ noọng nòn, vén noọng nèn; “nòn” hay “nèn” đều đồng nghĩa là ngủ, nhưng “nèn” biểu hiện sự trìu mến thân thương, ngôn ngữ phù hợp với tính cách ngộ nghĩnh, trong trẻo của trẻ thơ. Đây là thể loại dân ca phổ biến khắp nơi có dân tộc Tày cư trú.

Niềm vui của mẹ.  Ảnh: Quang Hòa

Những lời ru cổ xưa của người Nùng thường rất tinh tế, dí dỏm vừa hợp với tư duy trẻ thơ, vừa phản ánh khá rõ nét, cụ thể về nền văn minh lúa nước. Các bài hát ru đều theo thể thơ 5 chữ, cấu trúc âm ngữ như đồng dao. Chẳng hạn như: “Ứ noọng nèn/Nèn đắc nèn đí/Nèn tha ý mẻ mà/Mẻ pây thổng au pja/Mẻ pây nà au luổm/Đáy mẻ luổm pác đeng/Đáy mẻ mèng pác cắm/Đáy mẻ lắm cò lài/Đảy mẻ vài coóc ả/Đảy mẻ bẻ coóc com/Đảy bjoóc hom rắp sli/Ứ đắc đí noọng nèn”. Tạm dịch: “Ứ em ngủ/Ngủ kỹ ngủ say/Ngủ chờ mẹ đi về/Mẹ ra đồng lấy cá/Mẹ ra ruộng bắt muỗm/Được mẹ muỗm miệng hồng/Được mẹ ve miệng thắm/Được chim cắt cổ vằn/Được mẹ trâu sừng mở/Được mẹ dê sừng quắp/Được hoa thơm”.

Ru con ru cả tiếng lòng…

Mỗi dân tộc có những giai điệu, lời ca hát ru khác nhau. Nếu người Kinh bắt đầu bằng “à a à ơi, con ơi con ngủ cho ngoan…” thì người Tày mở đầu lời hát bằng “éo éo noọng noòn đắc noòn nhăm...”, thì người Dao bắt đầu bằng “ồ ô ối, ô ồ ối…” Dẫu ca từ, cách thể hiện khác nhau nhưng mỗi câu hát ru đều mang tính chất giáo dục con cái về đạo lý làm người. Bằng những lời ru êm ả, ngọt ngào của mẹ, của chị, của bà đã gieo vào tâm thức tuổi thơ những ký ức và hình ảnh tốt lành về lòng nhân ái, đạo lý làm người, tình yêu quê hương, đất nước.

Ông Bàn Xuân Triều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao Tuyên Quang chia sẻ, những câu hát ru của người Dao cũng mang tính chất giáo dục con cái về đạo lý làm người, về ca ngợi khí thế hăng say lao động sản xuất, ca ngợi Đảng, Bác Hồ. Trong cuộc sống hằng ngày, người Dao chúng tôi luôn yêu thương đùm bọc nhau. Người Dao thường dùng những lời ru, tiếng hát để tạo động lực, khích lệ trẻ, trân trọng con: “Ơi mẹ ru con gái/Ơi lúa, ơi con gái, con của mẹ đẹp thay/Đến với mẹ ơi con gái/Con ơi con gái con của mẹ/con đã chịu đau đớn/Con chịu đứng dưới nước, trên rẫy, ơi con gái/Con đã chịu khổ để nuôi cha nuôi mẹ, nuôi anh em”…

Ngay từ lúc mới sinh ra, trẻ em người Mông đã được đắm mình trong cái nôi văn hóa cộng đồng với những điệu ru dân ca nói về cuộc sống, xây dựng bản làng. Những bài hát dân ca không chỉ thể hiện bằng lời, mà còn có thể giãi bày thông qua những nhạc cụ như: Sáo, khèn, kèn lá, đàn môi.

Trong hát ru người Mông, lời ca đã trở thành linh hồn của bản làng, là nơi thể hiện chân thành tình cảm của người mẹ, người bà, người chị. Để những đứa trẻ Mông lớn lên cùng với lòng tôn kính mẹ cha, tình yêu thiên nhiên, yêu lao động, sống nhân ái, vị tha được nuôi dưỡng qua những lời ca đẹp đẽ từ thuở ấu thơ. Những câu hát trong bài “Công ơn cha mẹ”: “Nơi ở của người Mông cheo leo núi cao. Tay với đến mặt trời, mặt trăng, gần chân mây. Nơi mà từ những kẽ đá cũng mọc ra hạt ngô căng mẩy… nơi mà khó khăn mọi người vẫn vui cười, vui hát…”.

Hát ru của người Cao Lan không phải là những bài ca, câu ca ngắn mà là những bài hát dài, có kết cấu của một bài dân ca. Lời thơ, nhịp thơ tự do với làn điệu đằm thắm du dương, ru em bé vào giấc ngủ say nồng. Mở đầu thường là cụm từ “Ú núng nờn...”. Bà Lâm Thị Thức, thôn Hợp Hòa 2, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) chia sẻ: “Trong mỗi bài hát ru ẩn chứa biết bao điều về đời sống, văn hóa và phẩm chất con người. Ru trẻ nhưng thực chất là truyền vào tâm hồn trẻ những điều tốt đẹp. Chúng tôi luôn coi lời hát ru là phương tiện để gieo mầm tốt trong tâm hồn mỗi đứa trẻ, để khi lớn lên, chúng sẽ sống thuận với thiên nhiên, con người và bản làng”.

Lời ru ngọt ngào, trầm bổng, lúc tha thiết, lúc lại thủ thỉ kể về những công việc trong sinh hoạt thường ngày của đồng bào Tày, như giặt tã, lên nương hái dưa, nhuộm chỉ, chăn trâu, ra đồng bắt châu chấu… Lời ru theo thể thơ 5 chữ, lối kể dí dỏm nên rất dễ học, dễ nhớ, dễ đi sâu vào lòng người.

Các bài hát ru của người Tày, Dao, Mông, Cao Lan… có lời ca giản dị, tự nhiên, phù hợp với chức năng ru ngủ trẻ thơ và ẩn chứa trong đó tính nhân văn sâu sắc. Những câu hát ấy thấm sâu vào tiềm thức của trẻ nhỏ nuôi dưỡng tâm hồn, trở thành hành trang nâng bước vào đời.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục