Về quê ăn Tết

Còn gần một tháng nữa mới đến tết, ấy thế mà ông Đại lúc nào cũng bảo với vợ:

- Bà nó ạ! Tết năm nay tôi phải về quê ăn tết!

Bà Minh chặn lời ông:

- Ông về thế nào được! sức khỏe yếu thế, không những tôi không cho ông về mà các con thì lại càng không, bởi về quê, ông lăn đùng ra ốm thì lấy ai chăm sóc ông cơ chứ!

- Tôi phải về bà nó ạ! ốm mấy năm không về quê ăn tết, tôi nhớ anh, nhớ em, nhớ họ hàng quá! mà mồ mả ông, bà cũng chẳng được thắp nén hương, tôi vừa buồn vừa tủi bà nó ạ!

- Cả cái làng Nội, đến cái xã An Hòa đều biết ông ốm đau nặng, may gặp thày gặp thuốc mới khỏi! vừa mới lại người được một tý, thế mà ông đã tấp tểnh quê với quán! tôi không đồng ý đâu nhé!

Ảnh minh họa.

Mặc cho bà Minh và lũ con cháu, can ngăn nhưng ông Đại vẫn về quê trong ngày áp tết. Ông Đại về làng thật. Phải đến bốn năm rồi ông Đại mới về quê, bởi ông Đại không may mắc bệnh tim nặng, ông đã đi năm, sáu bệnh viện lớn ở Hà Nội để điều trị, phải mổ đến hai lần mới thoát khỏi thần chết. Lần này về quê, vừa bước chân xuống xe tắc xi ông thật sự ngỡ ngàng trước những thay đổi lớn lao của làng quê. Ngày trước từ con đường quốc lộ dẫn về làng, nhỏ hẹp, mặt đường nhiều thùng vũng, lầy lội suốt mùa mưa, đến mùa hanh khô thì khô khốc bụi bốc lên mù mịt, hôm nay đã rải nhựa phẳng lỳ, xe máy, ô tô chạy vèo vèo. Hai bên đường, nhà cao tầng mọc lên san sát, hàng hóa các loại bày bán la liệt nhiều vô kể, không khác gì thành phố.

Vào trong nhà, ông Đại bày biện hoa quả lên ban thờ, rồi ông thắp hương cúi vái tổ tiên, cha mẹ. Xong việc ông gọi thằng Vũ con ông anh cả, đưa ông ra đống Miễu nơi mộ cha, mộ mẹ được an táng tại đấy để tảo mộ. Gió cuối mùa đông vẫn lành lạnh, quang cảnh làng quê thật đầm ấm trù phú, những ngôi mộ cũng đã được các nhà xây cất rất gọn gàng và đẹp đẽ, làm yên lòng những người đã khuất. Ông thắp hương cắm lên mộ cha, mộ mẹ và các ngôi mộ xung quanh. Lòng ông bất chợt thanh thản một cách lạ lùng, người ông phấn chấn và như càng khỏe thêm ra. Trở về nhà, bên bàn uống nước, ông anh cả cùng ông ngồi tâm sự:

- Bác ơi! làng mình làm ăn thế nào mà nay nhiều nhà giầu có thế! cái cổng làng xây vừa to vừa đẹp!

- Ăn cơm xong rồi nghỉ ngơi một lúc, chú dạo quanh làng thì mới thấy hết được cái sự thay đổi của làng quê. Nhưng tôi nói qua cho chú biết, dạo trước chú về thì làng vẫn nghèo xác nghèo xơ, dân làng mình thì mặt mày ủ dột vì làm ăn không khá lên được, nhưng nay thì đã khác xa rồi!

- Nhưng cũng đồng đất ấy, cũng con người ấy làm sao mà thay đổi nhanh thế hả bác!

- Chú không đọc báo, nghe đài, xem ti vi hả? Đảng và Nhà nước ta có rất nhiều cuộc vận động xây dựng nông thôn, bên cạnh đó có rất nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chính vì thế mà làng ta mới có sự thay đổi như vậy! Ngày xưa chú về, lúc nào cũng mang cho bao tải quần áo cũ, thứ ấy mà nay chú cầm về chỉ để lau nhà không xong. Chú có thấy trẻ con nó toàn mặc quần áo, hàng đẹp không? Còn việc này chú cũng phải lưu tâm!

- Việc gì hả bác?

- Mấy năm chú không về, nhiều người trong làng và một số bạn bè của chú thỉnh thoảng gặp tôi, họ vẫn hỏi thăm sức khỏe chú đấy!

- Vâng ạ! lúc em ốm, nhiều bạn bè không lên thăm em được, họ cũng gọi điện hoặc gửi quà động viên em! Đợt này em ăn tết ở quê và dành thời gian đến thăm người ta để đáp lại cái tình của người ta đấy bác ạ! Thế chương trình vui xuân của làng ta còn giữ được như ngày xưa không hả bác?

- Vẫn vậy, như ngày anh em ta còn bé, này nhé: giao thừa mời tất cả các cụ ông ra đình làm lễ Thánh. Nhưng lễ Thánh vài năm trở lại đây làm vào lúc mười giờ đêm, để mười hai giờ đêm các cụ đón giao thừa tại nhà. Chín giờ sáng mồng Một, các cụ bà ra chùa lễ phật, từ ngày mồng Ba trở đi, làng tổ chức thể thao, thi đấu vật, múa võ, cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, đánh cờ… đủ cả, văn nghệ thì hát chèo, cải lương, biểu diễn kịch... đến ngày mồng Sáu tết làng ta mở hội làng nghề, vì làng ta được công nhận là làng nghề trồng cây Nông lâm nghiệp... chú cứ tha hồ thoải mái mà vui tết ở quê!.

- Ừ, ta phải giữ gìn lấy những phong tục tập quán đẹp để các cháu sau này phát huy chứ bác! 

Hai anh em ông Đại vẫn đang say sưa câu chuyện của làng quê, thì có tiếng gọi cổng:

- Ới! bác Đức có nhà không đấy!

Ông Đức vội vàng sỏ dép vào chân chạy ra mở cổng:

- Chú Pha đấy à! mời chú vào uống chén nước!

- Vâng tôi vào ngay đây! có chuyện báo cáo với bác!

Nhưng mà làm ăn giầu có xây cổng vừa to vừa chắc thế này, cứ mỗi lần đến bác lại phải gọi cổng, phiền quá! chẳng sướng như ngày xưa, bọn em với ông Đại ngày còn bé, chỉ cần lách mình qua cái cổng tre là vào nhà!

- Ờ thì cũng phải có cái cổng ngăn bọn trẻ chạy ra đường, mà đường xá bây giờ ô tô, xe máy qua lại đông quá sợ xẩy ra tai nạn thì khốn!

- Vâng em nói đùa vậy thôi! chứ nhà nào mà chẳng có cổng to, để xứng đáng với cái nhà to hả bác!

- Chú vào trong nhà, chú Đại vừa về sáng nay đấy!

- Ôi! thế mà bác không bảo em một tiếng!

- Đợt này chú ấy về quê ăn tết dài ngày, các chú tha hồ mà hàn huyên nhé!

Ông Đại ra tận cửa đón ông Pha, vừa gặp nhau, hai người ôm chầm lấy nhau. Ông Pha:

- Ông khỏe rồi phải không?

- Cũng đỡ thôi! tôi cố gắng về quê ăn tết, thăm thú anh em, bạn bè ở làng nhân thể!

Ông Đức:

- Nhân có chú Pha đến đây! chú kể chuyện làng cho chú Đại nghe! chú Pha vẫn làm tổ trưởng của làng đấy!

- Em xin nghỉ bao lần bác là bí thư và chi bộ có cho nghỉ đâu! nhưng được cái làng mình dễ bảo ban nhau, nên cũng thuận lợi cho em!

- Tôi còn chưa được nghỉ nữa là chú! phải chờ cánh thanh niên nó cũng nghỉ hưu như anh em mình nó đảm nhiệm thì mới nghỉ được!

- À! ông Đại lâu mới về làng tôi nói qua ông nghe, rồi ông vui tết với chúng tôi và tìm hiểu thêm! Ông Đại ạ! nhờ có chính sách của Đảng và Nhà nước về nông thôn. Làng ta mới khá lên đấy, nhiều hộ xây dựng trang trại nuôi lợn, trại nuôi gà, ao thả cá, vườn cây ăn quả, với bao nhiêu nghề khác nữa.

Nhưng chủ yếu làng mình cây ăn quả các loại, chè, cây lâm nghiệp... vẫn là cây mũi nhọn, thu nhập bây giờ trông vào đấy cả. Số đông các hộ mỗi năm thu vài trăm triệu, cá biệt có hộ thu đến tiền tỷ vì vừa trồng, thu hái và chế biến nông lâm sản. Đường làng, nhà văn hóa dân hiến đất, rồi cùng nhau góp tiền làm đến nay vừa rộng, vừa đẹp phải không? ô tô tải ô tô con cũng khối nhà có rồi đấy!

Trên tay cầm chén trà thơm hương ngan ngát, ông Đại vừa uống vừa lắng nghe như nuốt lấy từng lời của người bạn nối khố và bạn đồng ngũ năm nào mà lòng dấy lên niềm tự hào của làng quê ông.

Chiều Ba mươi Tết, ông Đức sắp mâm cơm tươm tất cúng tất niên. Trên ban thờ khói hương nghi ngút, hai ông đều mặc quần áo lương, khăn xếp, cúi đầu vái ba vái rồi chắp tay trước ngực khấn. Lời cầu khấn của hai ông, lúc to lúc nhỏ… càng làm cho không khí trong nhà trang nghiêm. Trong ngôi nhà khang trang rộng rãi, mâm cỗ được ngơi xuống, cả nhà vui vẻ ngồi quanh, con cháu trong nhà quây quần, trong mâm các món ăn mang hương vị ngày tết đầy đủ cả giò lụa, giò đinh, chả, nem rán, măng ninh chân giò, thịt gà, cá chép rán vàng ươm, măng nấu miến, hành muối… Hai ông ngồi nhìn lũ con lũ cháu, mời mọc, chúc tụng mà lòng hai ông buâng khuâng nhớ da diết ông bà nội và những người đã khuất. Ăn uống xong, hai ông ngồi bên bàn uống nước và xem chương trình thời sự, một lúc sau, ông Đức bảo:

- Chú đi nghỉ sớm lấy sức đón giao thừa!.

Nghe lời ông anh cả, ông Đại vào phòng nghỉ. Nằm trên gường đệm dầy, có cái chăn to tướng, ấm áp vô cùng, ông Đại mơ màng nhớ lại cái thời thơ ấu. Thuở ấy, khi mùa xuân chuẩn bị về là gió mùa đông bắc ào ào tràn về, rét cắt da cắt thịt kéo dài. Nhà nghèo quần áo không đủ ấm, buổi chiều đi chăn trâu, ông và bạn bè phải khoác thêm bao tải dầy mà người vẫn cứ rét run lên, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Nhiều đêm mấy anh em nằm úp thìa ôm nhau, co cắp trong cái ổ rơm mà không sao ngủ được. Rồi chỉ mong ngày tết đến, để được mặc những bộ quần áo mới và nhận những đồng xu mừng tuổi. Còn bây giờ con ông, cháu ông chúng có những cái tết thật đầy đủ, sung túc, mà ngày xưa ông có mơ cũng chẳng thấy... Chén rượu nếp quê, đã làm cho ông ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết.

Ngoài trời, mưa xuân đang rơi tí tách. Cây đào phai mà cha ông trồng từ ngày ông còn bé, các bông hoa đang nở hồng, đón một mùa xuân đang tới.

Truyện ngắn: Nguyễn Anh Đào

Tin cùng chuyên mục