Một xứ văn chương đậm đà phóng khoáng

- LTS: Nhằm đánh giá một cách tổng thể, toàn diện về đóng góp của văn học miền núi phía Bắc trong nền văn học Việt Nam, ngày 5-7, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương phối hợp với Trường Đại học Tân Trào tổ chức Tọa đàm khoa học “Văn học các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam từ sau 1975”. Báo Tuyên Quang gửi đến độc giả đánh giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các diễn giả tại Tọa đàm:

Môi trường sáng tác đặc trưng và riêng có

Phát biểu đề dẫn, PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đề nghị tọa đàm cần tập trung vào 4 vấn đề lớn là: Môi trường sáng tác cho các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn người dân tộc thiểu số ở phía Bắc; Vai trò hỗ trợ của Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố; Sự kết hợp giữa tri thức và sáng tạo của các trường đại học tại khu vực miền núi phía Bắc với văn học nghệ thuật; độ mở giao lưu quốc tế.

Mở đầu Tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam Cao Duy Sơn thừa nhận, đây là lần đầu tiên có một Tọa đàm chuyên đề, đánh giá tường tận và chi tiết về những đóng góp của văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Đây chính là sự ghi nhận và khích lệ rất lớn đối với đội ngũ sáng tác người dân tộc thiểu số ở khu vực.

Trong tham luận của mình, nhà văn Cao Duy Sơn đã thống kê khá đầy đủ những cây viết lớn của khu vực từ sau 1975, với những sáng tác ghi đậm dấu ấn cá nhân và vùng miền, như Thung lũng đá rơi, Người trong ống, Đường về với mẹ Chữ của Vi Hồng; Người đẹp, Chiều biên giới của Lò Ngân Sủn;  Cây hai ngàn lá của Pờ Sảo Mìn; Cây xương rồng trên cát của Phú Trạm Inrasara; Cưỡi ngựa đi săn của Dương Thuấn...

Sau này là lớp tác giả trẻ như Nông Quốc Lập, Vi Thị Thu Đạm, Vàng A Giang, Thèn Thị Hương... Văn học dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc có những chuyển biến mạnh mẽ không chỉ về đội ngũ mà còn có những phát triển vượt bậc về chất lượng các tác phẩm, các vấn đề khác nhau trong đời sống hiện thực được soi rọi bằng một cái nhìn mới và đáng kể nhất là sự ý thức ngày một sâu sắc về tinh thần dân tộc, bản lĩnh và vị thế dân tộc mình.

Có được điều này, theo nhà văn Cao Duy Sơn, là nhờ Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam liên tục mở các trại sáng tác cho các tác giả trẻ người dân tộc thiểu số.

Đại biểu thảo luận tại Tọa đàm khoa học “Văn học các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam từ sau 1975”. Ảnh: Quang Hòa

Nói về môi trường sáng tác, PGS.TS Cao Thị Hảo, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên khẳng định: Các tỉnh miền núi phía Bắc là nơi hội tụ của nhiều dân tộc thiểu số. Địa hình, lịch sử phát triển đã tạo nên những màu sắc riêng trong thế giới tâm hồn của người miền núi. Chính vì vậy, văn học dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc có những nét riêng biệt. Điều này thể hiện qua đội ngũ sáng tác, thành tựu về thể loại và cả những hạn chế trong quá trình phát triển của văn học.

Trong bức tranh chung ấy, có sự đóng góp không nhỏ của các tác giả người Tuyên Quang. Thạc sĩ Ngô Thị Thu Hà, Phó Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang, Thạc sĩ Bùi Thị Mai Anh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang đều khẳng định điều này, với dẫn chứng là các tác giả lớn như Phù Ninh, Đinh Công Diệp, Trịnh Thanh Phong, Đoàn Thị Ký, Hoàng Quang Trọng, Mai Liễu. Các tác giả người Tuyên Quang, ngoài mảnh đất văn chương trong nước màu mỡ, thì còn có cơ hội thể hiện trên các ấn phẩm xuất bản tại quê nhà như Báo Tuyên Quang, với các trang chuyên biệt dành cho sáng tác trên tờ Tuyên Quang Cuối tuần và các chuyên mục trên Báo Tuyên Quang điện tử; Tạp chí Văn học nghệ thuật Tuyên Quang, xuất bản định kỳ theo quý, với thời lượng đặc biệt dành cho các sáng tác của các tác giả.

Còn nhiều thiếu vắng

Tuy nhiên, theo các diễn giả, mặc dù có sự phát triển khá nhanh, nhưng đất diễn cho các tác giả dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nói riêng, các tác giả dân tộc thiểu số nói chung, vẫn còn khá ít.

Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang Thèn Thị Hương trong tham luận của mình, có chia sẻ: Các tác giả người dân tộc thiểu số chưa có “đất diễn” đúng nghĩa, dường như mỗi người tự tìm cho mình lối xuất hiện và bươn chải khác nhau. Ở đó, nhiều cây bút mới đã bỏ cuộc nửa chừng, trong khi tài năng đang kỳ nở rộ. Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam có Tạp chí Văn hóa các dân tộc, Tạp chí của Hội Văn học nghệ thuật địa phương nhưng có khi hai, ba tháng mới xuất bản một lần. Hội cũng chưa có trang web hay tạp chí điện tử để tạo một khu vườn ươm cho các tài năng nảy nở.

Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Cạn Dương Khâu Luông tiếc nuối, khi sau năm 1975, tác giả sáng tác bằng tiếng dân tộc chỉ đếm trên đầu ngón tay, như Dương Thuấn, Y Phương, Triệu Lam Châu, Ma Trường Nguyên. Trong đó, Dương Thuấn có một tác phẩm thơ song ngữ Tày - Việt được Tổ chức Guiness Việt Nam công nhận 2 kỷ lục: Bộ sách song ngữ Tày - Việt đầu tiên và Bộ tuyển thơ dày nhất Việt Nam.

Việc thiếu vắng này, có nhiều  nguyên nhân. Theo Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Cạn Dương Khâu Luông, là do việc xã hội phát triển mạnh mẽ, tiếng nói của đồng bào ngày càng ít được sử dụng, đồng nghĩa với các sáng tác bằng tiếng dân tộc thiểu số ít đi. Việc xuất bản các sáng tác bằng tiếng dân tộc thiểu số cũng chủ yếu là bản dịch sang tiếng Việt, điều này vô hình trung, làm chính các tác giả người dân tộc thiểu số cũng không đặt nặng việc sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ của mình nữa.

Mở rộng cơ hội cho văn học dân tộc thiểu số

GS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định: Văn học nghệ thuật miền núi phía Bắc như bức tranh nhiều sợi, nhiều màu. Cái quan trọng là phải giữ được bản sắc, cốt cách, văn hóa truyền thống… của vùng đất, con người, bởi khi bản sắc càng cao, càng đậm, thì giá trị các tác phẩm được tạo ra trên nền ấy càng độc đáo, đậm đà. Và cơ hội mở rộng ra thế giới vì thế cũng rộng cửa hơn.  

Còn theo TS. Đỗ Thị Thu Huyền, Viện Văn học: Trải qua gần nửa thế kỷ phát triển, văn học hiện đại các dân tộc thiểu số có đóng góp đáng kể, đó là sự độc đáo trong bản hợp xướng đa thanh của văn học Việt Nam. Văn học dân tộc thiểu số và văn học người Kinh không còn nhiều đường biên khi đều là những bộ phận hợp thành của văn học Việt Nam, người dân tộc sáng tác ở miền xuôi và người miền xuôi sáng tác tại dân tộc ngày càng phổ biến bởi sự giao lưu ngày càng đậm đặc. Sáng tác của các tác giả người dân tộc thiểu số đóng góp vào thành tựu chung của văn học Việt Nam đương đại.

Theo TS. Đỗ Thị Thu Huyền, để các sáng tác của các tác giả người dân tộc thiểu số có cơ hội phát triển, cần tính đến sự đầu tư quan trọng nhất là chất lượng tác phẩm; cần môi trường để thúc đẩy các sáng tác như việc tổ chức các trại viết, tọa đàm, hội nghị, giải thưởng. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc đưa các tác phẩm lên môi trường số thuận lợi hơn, thêm vào đó, việc quảng bá thông qua chuyển thể thành kịch bản phim như Chuyện của Pao, Lặng yên dưới vực sâu của Đỗ Bích Thúy, Hoa bay của Chu Thanh Hương… cũng là cách để sáng tác của các tác giả dân tộc thiểu số có cơ hội “sống” lâu hơn trong đời sống và được nhiều người biết đến hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo đội ngũ người viết là người dân tộc thiểu số, nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắc Lắc cho rằng: Cần thiết nhất là phải mở các trại sáng tác, để thu hút và nuôi dưỡng những người sáng tác là người dân tộc thiểu số. Từ các trại sáng tác, các tác giả tìm được đam mê, nuôi dưỡng đam mê, từ đó tạo ra các tác phẩm chất lượng hơn. Theo nhà văn Niê Thanh Mai, cái quan trọng nhất, chính là phải có nền tảng kiến thức và một tình yêu sâu đậm về văn hóa, bản sắc của dân tộc mình. Chính tình yêu ấy bồi đắp, là năng lượng để đội ngũ tác giả người dân tộc thiểu số sáng tác, bứt phá.

Từ thành công của Tọa đàm này, PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các chương trình Tọa đàm tại khu vực Tây Nguyên và khu vực Nam Bộ để có đánh giá tổng quát hơn về bức tranh văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.


Nhà văn Cao Duy Sơn
Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Một thực tế chưa vui

Những tác giả, tác phẩm văn học viết về đề tài dân tộc miền núi hôm nay thiếu vắng nhiều hơn. Có lẽ nào chúng ta thiếu vốn sống, hay những chuyển động chậm chạp, buồn tẻ nơi vùng cao chưa khiến người viết quan tâm? Đây là vấn đề cần xem lại. Bạn đọc không quay lưng với những tác phẩm hay. Có điều nếu không hay, không thuyết phục được bạn đọc sẽ không quan tâm. Người viết cần thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận và phản ánh.

Sáng tác của các tác giả dân tộc thiểu số, miền núi năm mươi năm qua đã có đóng góp quan trọng cho văn học nước nhà. Mỗi tác phẩm đã đem đến cho bạn đọc một vẻ đẹp riêng của tâm hồn, không gian văn hóa vùng miền khắp cả nước. Nhưng thử hỏi ngần ấy năm đã có mấy ai viết về họ, giới thiệu họ cùng các tác phẩm được vinh danh. Có, nhưng ít. Và cả không nhiều các tác phẩm viết về nhà văn dân tộc thiểu số. Đó là một thực tế. Một thực tế chưa vui.

Lẽ nào văn học dân tộc thiểu số miền núi nằm ngoài lề của dòng chảy văn học Việt Nam. Ngoài Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, có lẽ chưa đơn vị nào, kể cả Hội Nhà văn Việt Nam, tổ chức hội nghị, hội thảo hay tọa đàm về cá nhân hay chung cho văn học dân tộc thiểu số miền núi. Vì thế, để văn học dân tộc thiểu số phát triển, liên quan đến rất nhiều tới đội ngũ lý luận, phê bình.


PGS, TS. Cao Thị Hảo
 Trường Đại học Thái Nguyên

Lan tỏa văn học dân tộc thiểu số

Vấn đề quảng bá, tiếp nhận văn học dân tộc thiểu số đang ngày càng được quan tâm. Minh chứng là các tác phẩm văn học dân tộc thiểu số hiện đại đã được đưa vào tiếp nhận, giảng dạy và học tập ở trường phổ thông. Các tác phẩm thể hiện bản sắc riêng về quê hương, bản quán, phản ánh tình yêu sâu đậm với cội nguồn dân tộc, lối sống nhân văn, gắn với tự nhiên của người miền núi. Sách giáo dục địa phương cũng rất chú trọng đưa các sáng tác của các tác giả dân tộc thiểu số vào giảng dạy. Từ đó, giáo dục cho thế hệ trẻ niềm tự hào dân tộc.

Tuy nhiên, trong đời sống xã hội, vẫn còn rất ít hoạt động quảng bá có quy mô về văn học dân tộc thiểu số, có chăng chỉ nằm trong phạm vi hẹp của Hội Văn học Nghệ thuật dân tộc thiểu số Việt Nam. Theo tôi, cần tăng cường tổ chức những hội thảo nghiên cứu về văn học dân tộc thiểu số trong phạm vi quốc gia, quốc tế để lan tỏa vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sáng tác và nghiên cứu tác phẩm văn học dân tộc thiểu số trong phạm vi quốc gia và khu vực. Có như vậy, văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số mới có vị thế xứng tầm với những đóng góp và giá trị nghệ thuật của nó.


TS. Nguyễn Thị Hồng Chuyên
Giảng viên Trường Đại học Tân Trào

Bảo tồn, phát triển văn học dân tộc thiểu số trong các trường đại học

Để đánh giá thực trạng dạy văn học thiểu số cũng như nhận thức, thái độ của sinh viên Trường Đại học Tân Trào, tôi khảo sát bằng phiếu khảo sát và phỏng vấn trực tiếp 118 sinh viên thuộc 2 ngành Giáo dục Tiểu học và Sư phạm Ngữ văn. Từ bảng khảo sát cho thấy 78% quan tâm và rất quan tâm đến văn học dân tộc thiểu số.

Chỉ có một tỷ lệ nhỏ sinh viên không mấy quan tâm hoặc không quan tâm. Đối với chương trình giảng dạy về văn học dân tộc thiểu số trong chương trình đào tạo, có 84,7% sinh viên trả lời có được trải nghiệm chương trình với các nội dung dạy học về văn học thiểu số. Điều này cho thấy nhà trường chú trọng tới lĩnh vực này. Tuy nhiên chỉ có 55,9% sinh viên tham gia các khóa học hoặc hoạt động liên quan đến văn học dân tộc thiểu số, còn lại thì chưa từng tham gia. Nhận thức về vai trò của giáo dục trong phát triển văn học dân tộc thiểu số có 98,3% sinh viên khẳng định rất quan trọng và quan trọng…

Từ kết quả khảo sát, tôi đề xuất một số giải pháp nâng cao vai trò của giáo dục đại học trong việc bảo tồn và phát triển văn học dân tộc thiểu số trong thời đại ngày nay: Phát triển chương trình dạy học chuyên sâu về văn học dân tộc thiểu số; khuyến khích và hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học về văn học dân tộc thiểu số; phát triển nguồn học liệu và đa dạng hóa các hoạt động thực tế, ngoại khóa văn học; tổ chức câu lạc bộ, các hội thảo, tọa đàm, cuộc thi sân khấu về văn học dân tộc thiểu số; tăng cường giao lưu và trao đổi văn học dân tộc thiểu số trong và ngoài nước.

Hải Lâm

Tin cùng chuyên mục