Chiếc cặp tóc hình lá Trung Quân

Một ngày tháng bẩy mưa ngâu, tôi có chuyến hành hương về làng Chõng với mục đích tìm lại anh bạn lính cùng một thuở nằm hầm, nhai lương khô với nhau từ thời nước nhà còn giặc giã. Lọ mọ trên chiếc xe cà tàng đến gần chân đèo Do thì giời đổ mưa, lơ láo nhìn quanh thấy dưới chân núi có một lớp học nép dưới những tán cây cọ sẻ um tùm lá. Tôi rẽ vào trú mưa. Cũng đang giờ ra chơi, các cháu học sinh túm năm, tụm ba dưới sảnh hè quanh lớp học. Thấy tôi, biết là khách trú mưa, cô giáo đon đả:

- Ông cho xe vào hè đi, mưa bong bóng thế này là lâu tạnh lắm ạ…

- Cảm ơn cô giáo, tôi lẹ đẩy con xe nép vào góc hè rồi ngồi tựa cái ghế băng ngay cạnh lặng lẽ nhìn mưa. Đám trẻ vẫn túm năm tụm ba như bầy chim dọc hiên lớp. Nhìn mưa, lại nhìn đám trẻ, chợt tôi bắt gặp trên mái tóc đứa trẻ vệt sáng lóng lánh, tôi đổ mắt nhìn, vệt sáng càng ánh lên trên nền chiếc cặp hình ảnh chiếc lá Trung Quân, chiếc lá óng ánh như nhìn rõ những hạt mưa rớt rớt. Những giọt mưa rớt rớt ấy kéo tôi về miền nhớ xa ngái. Trong mắt tôi lồ lộ hình ảnh thằng Hợi, thằng bạn sinh tử cùng tổ ba người với tôi, nó đang hý hoáy ngồi dưới vòm lá Trung Quân cưa cọ mảnh cánh cái máy bay bị trúng đạn rơi. Ngày này qua ngày khác rồi thành chiếc cặp tóc bằng hai ngón tay ghép lại, trên nền cái cặp được khắc chiếc lá Trung Quân nhìn kỹ thấy như có những hạt mưa tràn qua. Thấy cái cặp đẹp, tôi bảo:

- Tặng ả nào mà…

- Bí mật. Rồi Hợi lặng lẽ gói vào mảnh dù cất kín dưới đáy ba lô, chuyện cũng quên đi. Mãi sau trận đơn vị bị trúng đạn tên lửa ở hang Ba Châu, tôi bị thương được đưa ra viện 39, trên đường cáng tôi đi, đến viện, Hợi móc túi lấy ra cái gói vải dù rồi nghèn nghẹn bảo tôi:

- Vết thương nặng thế này, chắc mày sẽ được ra quân, nhớ mang giùm vật này về cho Mai giúp mình nhé. Từ nhà mày đến chỗ Mai chỉ khoảng 5 km, cứ hỏi Mai, thôn Chiến Thắng, xã Chiến Công ai cũng biết mà…

- Ờ, như mà người ấy là?...

- Là cái con khỉ. Mày cứ bảo cùng chiến hữu với Hợi… còn được cả nhà rước đấy. Hợi cười, tôi cũng cười. Và tôi đã thực hiện trọn vẹn lời dặn của Hợi. Sau đợt ấy vết thương lành tôi được về phép nửa tháng, nửa tháng ngắn mà dài nhưng cũng đủ thời gian để tôi lần đến thôn Chiến Thắng. Gặp Mai, tôi đưa gói quà nhỏ Hợi gửi được gói trong mảnh vải dù chỉ vẹn chiếc cặp tóc, chiếc cặp có hình lá Trung Quân. Mai đón cái gói nhỏ từ tay tôi như đón một vật báu, mặt cô ửng đẹp lạ thường. Hôm ấy tôi ở lại với gia đình Mai trong ấm áp bữa cơm quê nhà thời chiến.

Rồi tôi lại ra trận nhưng tại trạm thu dung tôi được biên chế vào đơn vị khác, từ ấy không gặp lại Hợi mà cũng chả có tin tức gì về nhau nữa. Lính chiến chuyện đó cũng là thường. Hòa bình tôi chuyển ngành ra một cơ quan dân sự rồi lập nghiệp gây dựng gia đình ở thành thị, những ngày về quê được tin Hợi đã hy sinh và đã có giấy báo tử. Nỗi day dứt thương Hợi và hình ảnh cô gái tên Mai cùng chiếc cặp tóc có hình chiếc lá Trung Quân cứ óng ánh trong lòng nhưng tôi thấu mọi sự nên không trở lại thôn Chiến Thắng tìm Mai nữa. Thời gian trôi, tưởng mọi chuyện sẽ nhòa đi theo năm tháng, ai dày cơn mưa định mệnh này lại bày ra chiếc cặp tóc trên mái đầu xanh của đứa trẻ ngay giữa lớp học dưới chân quả đồi um tùm bóng những cây cọ sẻ này. Lòng tôi tự nhiên cũng ào ạt như mưa, tôi ngồi lặng, những miền xa ngái đầy kỷ niệm cùng theo mưa tràn đầy.

Minh họa: Bích Ngọc

Mưa tạnh, cũng đến giờ tan lớp, đám trẻ tíu tít theo nhau ra về, con bé có cái cặp óng ánh nền lá Trung Quân cũng cùng các bạn leo lên xe đạp vút đi. Tôi chào cô giáo rồi cũng lên xe, tôi dong theo con bé. Đến chân đèo Do thì gặp cái ngã ba, con bé quẹo xe rẽ vào con đường đất ngoằn ngoèo. Tôi đi chậm, mắt không rời con bé. Khoảng vài trăm mét cách ngã ba đường thì thấy có nhà, nhà bám theo chân núi, nhấp nhô mái ngói, mái gồi. Đến chỗ cái ao to, con bé xuống xe ngoẹo vào cái ngõ chạy thẳng bờ ao xanh um tùm hàng cây dâm bụt. Thấy tôi bám theo sau, con bé vội đẩy xe vào sân rồi chạy thẳng vào nhà. Thấy con bé hớt hả, người đàn bà đang hỳ hụi chỗ máng nước ngẩng lên, bà chưa kịp hỏi con bé thì gặp ánh nhìn của tôi, bà đứng lặng, cùng dội ánh nhìn về phía tôi. Có cái gì vô hình cứ giao thoa làm cả hai cùng ngẩn ra. Một lát tôi bảo:

- Bà đừng ngại, chắc thấy tôi đi theo, cháu bé sợ tý thôi!...

- Ông! Ông có phải là…

- Vâng, tôi là Phần, bạn của thằng Hợi đây!...

- Mô Phật… Ông vào nhà đi, giọng bà âm ấm cất tiếng gọi cháu bé.

- Nam ơi, cháu lấy nước đi, ông Phần bạn của ông nội đấy cháu ạ.

- Dạ, thế mà thấy ông đi theo, cháu sợ quá, chả biết sao ông cứ…

- Là ông nhận ra cái cặp tóc trên đầu cháu…

- Cái cặp tóc…

- Ngồi đây, ngồi đây rồi ông, bà kể cho.

- Vâng, con bé ngoan ngoãn đặt ấm nước lên bàn rồi bo lấy bà, có lẽ nó đang thấp thỏm muốn biết câu chuyện… Không để con bé hồi hộp, giọng bà Mai như cổ tích.

Cái cặp tóc này bà giữ như báu vật đấy cháu ạ. Chuyện là thế này. Ngày ông bà yêu nhau, mới dạm ngõ, chưa cưới xin gì thì ông nội cháu đi B, đi biệt mấy năm chả tin tức gì, đến đận ông Phần về phép, mang cái cặp tóc cháu đang cặp trên đầu ấy về cho bà, rồi ồng Phần lại đi ra trận, năm sau thì ông nội cũng được nghỉ phép, phép ngắn chả kịp cưới xin, nhưng ông bà… rồi sinh ra bố con, chuyện làng xã phức tạp về cái giấy khai sinh của bố cháu, người câu vào, câu ra làm bà tủi lòng, bà bỏ làng Chiến Thắng xin đi công nhân làm đường rồi sinh ra bố của cháu, bà đặt tên bố con là Thiếu. Bố cháu theo bà lẵng nhẵng dọc những con đường rồi nhờ giời phật bao bọc, mảnh giấy khai sinh của bố cháu được thừa nhận, bố cháu là con liệt sĩ, nhưng bố cháu cũng độc lập, cứ lẽo đẽo theo mẹ lẵng nhẵng dọc các con đường, thuận đâu nhập trường học đó cuối đời đơn vị bà nhận mở con đường dọc đèo Do chạy về tận Vĩnh Phúc, con đường khánh thành thì bà đến tuổi được nghỉ chế độ.

Thấy đất lành bà neo lại đây, bố cháu cũng có trí, học hành tấn tới, nó học nghề trồng trọt nhưng về lấy vợ làng, không theo cơ quan nhà nước, ở nhà làm trang trại, giờ vợ chồng suốt ngày bận rộn, con bé bám bà từ bé. Được cái ngoan, giống bố học giỏi. Ngày mái tóc cháu buông dài bà mới gắn cái cặp lên đầu cháu đấy. Cái cặp này còn quý hơn báu vật… Bà Mai mỉm cười rồi khẽ thở dài. Bé Nam cười theo rồi reo vang.

- Thế mà hôm nay bà mới nói. Ôi! Trên đầu cháu có báu vật mà không biết, giọng bé Nam hồn nhiên pha niềm kiêu hãnh. Nhìn hai bà cháu ông Phần cũng khẽ thở dài. Ông kéo con bé vào lòng, giọng ân cần:

- Cái cặp trên đầu cháu còn quý hơn báu vật đấy vì nó được làm ra từ tình yêu của ông nội với bà nội cháu. Nó kết tinh bao tháng năm cần cù của ông nội cưa cọ mới hiện trên nền cái cặp hình chiếc lá Trung Quân đấy cháu ạ…

- Lá Trung Quân, cháu đi học cũng có bài thơ ca ngợi chiếc lá Trung Quân…

- Ừ, chiếc lá ấy quân ta ở Trường Sơn thường lấy làm lá ngụy trang che mắt quân thù, vừa để lợp nhà, lợp hầm nơi đóng quân, ông nội khắc hình chiếc lá Trung Quân là muốn kéo về hình ảnh bà, hình ảnh hậu phương thời ấy luôn che chở cho những đoàn quân đấy cháu ạ. Giờ chiếc lá ấy ngày ngày vẫn lấp lánh từ mặt nền cái cặp trên đầu cháu. Ông mừng lắm.

- Dạ, cháu cảm ơn ông, nhờ các ông cháu mới có cái cặp này, cháu sẽ giữ cái cặp tóc trên đầu cháu như báu vật lấp lánh sáng mãi ạ. Bé Nam lại cười, nụ cười có niềm kiêu hãnh cứ như hoa giữa ngôi nhà dưới chân núi. Ông Phần và bà Mai ngồi lặng ngắm con bé và cuộc hội ngộ hôm nay giữa ngôi nhà của bà cũng phủ màu cổ tích.

Tuyện ngắn: Trịnh Thanh Phong

Tin cùng chuyên mục