Nhạc sỹ Phú Quang: “Trần gian xin trả lại”

- Sáng 8-12, nhạc sỹ Phú Quang đã qua đời tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô sau hơn một năm nằm viện vì biến chứng tiểu đường. Trang Fanpage của nhạc sỹ Phú Quang đã đăng câu hát trong bài “Lời rêu” của ông để báo tin buồn: “Ngày mai ta bỏ đi/Trần gian xin trả lại...”. Đông đảo người yêu âm nhạc tiếc nuối về sự ra đi của ông.

Nhạc sỹ Phú Quang sinh ngày 13-10-1949, quê gốc Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp hệ Trung cấp kèn Cor, năm 1967 - 1978, ông công tác tại Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch. Năm 1987, ông theo học tại Nhạc viện Hà Nội ngành Chỉ huy dàn nhạc. Năm 1982 ông công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng. Năm 1986, ông công tác ở Phòng ca múa nhạc, Sở Văn hóa - Thông tin 
TP HCM.

Nhạc sỹ Phú Quang. Ảnh: VOV.vn

Ông là nhạc sỹ của những bản tình ca lãng mạn. Trong kho tàng hơn 600 bài hát của ông, nổi bật nhất là chùm ca khúc viết về Hà Nội và mùa thu như: Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo); Đâu phải bởi mùa thu, Dạ khúc, Mơ về nơi xa lắm, Tình khúc 24; Dương cầm lạnh (thơ Dương Tường), Romance (thơ Ý Nhi), Biển nỗi nhớ và em (thơ Hữu Thỉnh), Nỗi nhớ mùa đông; Thương lắm tóc dài ơi...

Nhạc sỹ tài hoa Phú Quang từng chia sẻ, ông chỉ viết nhạc khi trái tim thực sự rung động. Tác phẩm của ông giàu cảm xúc, cơ sở nhạc lý vững chắc. Ông đòi hỏi cao với các nghệ sỹ thể hiện tác phẩm của mình, không chấp nhận hát sai lời hoặc tự ý đổi lời. Những giọng ca gắn bó với ông bao gồm Ngọc Anh 3A, Thanh Lam, Đức Tuấn, Tấn Minh, Minh Chuyên... Đây cũng là những gương mặt thường xuyên xuất hiện trong hai liveshow vào mùa xuân và mùa đông do ông tổ chức thường niên, thu hút đông đảo khán giả.
Nhạc sỹ từng nói: “Tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác”. Tình yêu trong âm nhạc Phú Quang không chỉ là cuộc tình của con người, mà còn là những giai điệu để tình tự với đất Thăng Long, Hà Nội cổ kính và thanh quý.

Nhạc sỹ Phú Quang cũng vinh dự được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Đây là giải thưởng nhằm phát hiện và tôn vinh những tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm tình yêu thủ đô. Đại diện Hội đồng giám khảo - nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội - nói: “Những bài hát có dấu ấn đặc biệt, cách thể hiện rất sâu sắc, gắn với phố, với tâm hồn, cốt cách của người Hà Nội. Qua âm nhạc, ông đã làm cho tình yêu Hà Nội lan tỏa trong trái tim của mỗi người để đi đâu họ cũng phải nhớ về”.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ngoài ca khúc, Phú Quang còn viết nhạc cho hàng trăm bộ phim, vở kịch, ballet; là tác giả của nhiều tác phẩm giao hưởng, hòa tấu. Nhiều trích đoạn hòa tấu của ông đã thành nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam, đặc biệt phần âm nhạc của ông đã góp phần vào thành công của nhiều bộ phim sáng giá của điện ảnh Việt Nam: Bao giờ cho đến tháng Mười (Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh), Ai xuôi vạn lý (Đạo diễn Lê Hoàng), Vị đắng tình yêu (Đạo diễn Lê Xuân Hoàng), Hải Nguyệt (Đạo diễn Trần Mỹ Hà).

Phú Quang thu nạp phố cổ, hoa sữa, cây bàng, gió mùa đông bắc, tiếng dương cầm, nóc nhà thờ, heo may... làm nên trường hình ảnh về một Hà Nội trầm mặc, lãng mạn, nên thơ. Hà Nội của Phú Quang không lấm bụi khói xe hay phố phường bán buôn chật chội mà là một Hà Nội tĩnh lặng, sang cả, không hiện thực mà lãng đãng của mùa: “Dường như ai đi ngang cửa gió mùa đông bắc se lòng/ Chiếc lá thu vàng đã rụng/Chiều nay cũng bỏ ta đi” (Nỗi nhớ mùa đông), “Ta mơ thấy em, ở nơi kia xa lắm. Một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may” (Mơ về nơi xa lắm), “Góc phố mồ côi mùa đông, mảnh trăng mồ côi mùa đông” (Em ơi Hà Nội phố)... Đó cũng không phải thủ đô hào hùng, hoa lệ mà là một Hà Nội riêng tư, của chàng thanh niên lớn lên biết rung cảm, yêu cái đẹp và các cô gái.

Bằng ký ức, nhạc sỹ dẫn dắt người nghe qua từng con phố, để cảm nhận vẻ đẹp trữ tình khi “sương giăng phố vắng, hàng cây lặng im, phố cổ mặc trầm” (Lãng đãng chiều đông Hà Nội) tới khi đêm về, “chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn trong căn phòng nhỏ/ Đêm cuối thu trăng lạnh mờ sương/Chỉ còn nỗi im lặng phố khuya không gian dạ hương sâu thẳm/Từng tiếng chim đêm khắc khoải vọng về” (Im lặng đêm Hà Nội).

Xin tiễn biệt người nhạc sỹ tài hoa với nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam. Với khán giả nhiều thế hệ, những bài hát về Hà Nội, về mùa thu của ông như một phần sống mãi với Hà Nội.

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục