Sự cương nghị từ đời thực đến trang văn
Là hậu thế, được nhiều lần đọc tác phẩm và tiếp xúc với nhà báo, nhà văn Nguyễn Trọng Hùng, lúc nào tôi cũng ngưỡng mộ, cảm phục ông. Ở ngoài đời lẫn trong trang viết, phong thái của ông luôn thể hiện sự thẳng thắn, cương nghị. Bạn bè, đồng nghiệp thường bảo, Trọng Hùng vui đâu là hết cỡ, nhưng nghiêm khắc cũng ra trò. Ông không thích lấy lòng ai kể cả những người có thể quyết định danh phận mình. Vẻ bề ngoài đôi lúc lạnh lùng, nhưng càng gần gũi mới thấy được sự ấm áp, thân tình và nhiệt huyết của ông. Ông từng giãi bày sự nghiệp viết lách song hành giữa báo chí và văn học rằng, cuộc đời mỗi con người đi qua bao buồn vui. Những gì mà báo chí không nói hết, cần gửi lại mai sau thì văn học nói hộ. Báo chí như tấm gương soi chiếu cuộc đời, còn văn học là tấm gương soi chiếu tâm hồn, nội tâm nhà văn với cuộc đời.
Sinh thời, ông khiêm tốn nhận mình tài văn có hạn, ông viết văn khó nhọc như người nông dân cày trên đất ruộng khô. Nhưng người đọc biết đến ông là người cần mẫn, nhẫn nại, tỉ mỉ trong tích lũy tư liệu cùng với sự dũng cảm, trung thực của người lính trước trang giấy trắng. Tất cả đã đưa ông trở thành nhà văn với những tác phẩm thời chiến ấn tượng, giàu sức nặng.
Chân dung cố nhà báo, nhà văn Nguyễn Trọng Hùng (ảnh gia đình cung cấp).
Quả thực, những năm tháng gian lao nhưng đầy ắp nghĩa tình ấy đã trở thành miền ký ức không thể nào quên. Bao kỷ niệm chiến trường được tác giả Nguyễn Trọng Hùng tái hiện như một thước phim quay chậm. Nhân vật văn chương bước ra từ ngòi bút của ông mang đậm hơi thở hiện thực với giọng văn uyển chuyển, mộc mạc mà lôi cuốn. Đó là những người chiến sỹ chiến đấu gan dạ ở chiến trường; những thương binh vui buồn về với đời thường hôm nay; là những má Tư, dì Hai đã từng nuôi giấu, chở che người lính... Đặc biệt, những tác phẩm chân thực về nỗi đau, sự mất mát thời hậu chiến khiến người đọc lặng người qua từng trang viết. Có lẽ chính sự trải nghiệm với cuộc sống và với lối viết tự nhiên, tinh tế tạo nên sự thành công cho cuộc đời cầm bút của tác giả.
Sống động trên từng trang viết
Cố nhà văn Nguyễn Trọng Hùng có biệt tài viết lách cực kỳ khéo léo, đó là có thể dựng lại cả một không gian sống động trên từng trang viết. Và khi đọc những bút ký chiến trường của ông, người đọc ngộp thở cùng những phút giây cận kề cái chết của nhân vật. Cách miêu tả tình huống diễn biến tâm lý một cách chân thực, khéo léo như “trình chiếu thước phim” trước mắt độc giả: “Có đứa nghiêng ngó vào bụi ô rô. Tôi nín thở rê nòng súng theo. Chỉ cần nó hô lên hai tiếng “Việt Cộng” là tôi nổ súng, và một trận chiến không cân sức sẽ diễn ra. Tôi chắc chắn sẽ hy sinh chữ không để địch bắt sống. Bên người tôi, luôn có một quả lựu đạn giật nổ tức thì... (Bút ký: Gặp lại tuổi đôi mươi).
Và ở nơi chiến trường ác liệt ấy đã khẳng định bản lĩnh và ý chí kiên cường của người chiến sỹ cách mạng. Ông và đồng đội không bao giờ đầu hàng, luôn vững vàng ý chí “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”: “Chúng mày sẽ không bao giờ bắt sống được tao đâu… Thằng nào xấu số phát hiện thấy tôi trước, thằng ấy sẽ ăn đạn. Đánh đổi mình lấy dăm tên cũng chẳng thiệt chút nào. Mà dăm tên thế nào được, phải hơn…”. (Lục bình đỏ).
Nguyễn Trọng Hùng xuất bản được 5 tập sách: Bãi cuối sông - Tập truyện ngắn đầu tay, in chung với nhà văn Trịnh Thanh Phong; Gió núi, Vị đời, Miền phách tím, miệt tràm xanh và tiểu thuyết Lục Bình đỏ. Trong đó tiểu thuyết Lục Bình đỏ là một trong những “đứa con tinh thần” được tác giả nâng niu, dồn hết tâm lực trong những giai đoạn cuối cuộc đời.
Các tác phẩm của cố nhà báo, nhà văn Nguyễn Trọng Hùng.
Tiểu thuyết được chia làm 17 chương, qua mỗi chương tác giả đưa người đọc đến với những hồi ức chiến tranh. Ở đó có những người chiến sỹ, y tá, bác sỹ với cái tên thân quen như “Mười Hướng”, “Hòa Phệ”, “Tư Pháo”, “Tám Bê”, “Anh Luật cắn chỉ”, “Chị Át”, “Trại Sát Cá”… Đồng đội thương nhau, che chở thân thiết như ruột thịt. Ở đó những người con miền Bắc vào giải phóng miền Nam nguyện ý chí “Sinh Bắc, tử Nam”, coi cái chết nhẹ tựa “lông hồng”.
Thế nhưng nơi chiến trường ác liệt ấy vẫn có những giây phút lãng mạn, thủy chung của tình yêu của những người lính trẻ. Một cuộc sống, chiến đấu anh dũng và rất đỗi bình dị làm nên biểu tượng Lục bình đỏ. Bên cạnh việc tái hiện sự ác liệt của chiến tranh, tác giả còn nói lên nghĩa tình của người dân nơi vùng sâu Gò Công, Chợ Gạo. Đối với tác giả, câu chuyện về những con người, những tấm lòng ấy là bài học lớn về niềm tin vào nhân dân, vào sự toàn thắng của cách mạng.
Ở thể loại truyện ngắn, Nguyễn Trọng Hùng khắc họa tuyến nhân vật ở nhiều hoàn cảnh, đời sống khác nhau. Bên cạnh tác phẩm viết về người lính và chiến trường xưa, ngòi bút của ông còn day dứt với số phận, cuộc đời người lính thời hậu chiến. Truyện ngắn Bức ảnh không chú thích tái hiện một cuộc sống chắp ghép giữa anh thương binh Lạng và “mụ vợ dì ghẻ” tên Hoa. Cả hai đi qua một đời chồng vợ nhưng khi đến với nhau đều rất chân thành. Cô vợ bề ngoài có vẻ chao chát đanh đá nhưng lại hết mực thương yêu chồng và con chồng (nhân vật Sa). Thế nhưng khi bị mù hai mắt lão Lạng quyết định chết vì “Đời tôi, tôi thề không thèm sống dựa vào ai”. Câu chuyện với cái kết có hậu được ghi lại một cách chân thực, lôi cuốn độc giả qua một giọng văn kể tả rất tự nhiên.
Trong Gió núi lao xao tác giả kể về kỷ niệm với đồng đội tên Ngọc từng chung hầm bên suối Ya Nhin. Và khi đất nước hòa bình, câu chuyện càng thú vị với cuộc gặp gỡ giữa con gái Ngọc và nhân vật tôi. Họ đều là nhà báo chiến đấu bằng ngòi bút họ gọi nhau là “anh - em”. Truyện ngắn kết thúc bất ngờ khi nhận ra nhau, tác giả viết nhiều câu văn thật gợi và giàu cảm xúc: “Ngọc và cô con gái cùng cười. Như gió núi lao xao, lao xao thật”.
Trong sự nghiệp, ông đã giành được nhiều giải thưởng danh giá. Tác phẩm “Chợ quê bóng núi” đạt giải Nhất, cuộc thi Viết về Nông thôn mới do Báo Nhân Dân và Hội Nhà báo phối hợp tổ chức năm 2011. Giải Khuyến khích, Giải Báo chí Quốc gia, thể loại Báo in đối với thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí với tác phẩm: Có một người "Công nhân..." đội nón lá. Tập truyện ngắn "Bức ảnh không chú thích" và Tập bút ký "Miền phách tím, miệt tràm xanh" Giải thưởng Tân Trào năm 2016. Tiểu thuyết “Lục Bình đỏ” đoạt giải ba cuộc thi sáng tác về chủ đề 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước do UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trao giải.
Người lính Nguyễn Trọng Hùng sống và viết văn bằng cả trái tim, tâm hồn và nhiệt huyết của thanh xuân tuổi trẻ dồn lại trên trang giấy. Đọc những trang viết ấy, thế hệ trẻ hôm nay càng nhận ra giá trị hòa bình, độc lập, thêm trân quý cuộc sống này hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết