Nghệ thuật và sự cân bằng trong tâm hồn
Với những người làm công việc sáng tạo nghệ thuật, tìm được cho mình một phong cách riêng là rất khó, tạo được ấn tượng và sự yêu thích với người xem lại còn khó hơn nhiều. Với Nguyễn Việt Yến cũng vậy, những gì học được trong nhà trường mới chỉ là sự khởi đầu để chị thực hiện mơ ước - tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Con đường nghệ thuật không phải lúc nào cũng bằng phẳng mà thực sự luôn có rất nhiều chông gai cần phải vượt qua. Mà điều khó nhất là vượt qua chính mình, tránh được sự khô cứng, trùng lặp.
Chị thường tâm sự, “nếu nói khiêu vũ giúp thể hiện cảm xúc của con người qua hình thể, thì vẽ tranh giúp biểu hiện cảm xúc cá nhân thoát ra qua trang giấy. Với tôi, vẽ cũng là một cách để thiền. Trong tĩnh tại, ta học cách lắng nghe bản thân, học cách yên lặng, mình đối diện mình để thấu cảm thế giới nội tâm, để nhận biết, để hiểu mình là ai. Và tìm cách cảm nhận, sống chậm hơn, yêu thương nhiều hơn”.
Họa sỹ Nguyễn Việt Yến bên tác phẩm của mình.
Sinh ra tại Phú Thọ, đam mê vẽ từ nhỏ, cô nàng 8x Nguyễn Việt Yến quyết tâm theo học và thi đỗ vào Khoa Thiết kế mỹ thuật chuyên ngành hoạt hình, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội khóa 2003 - 2008. Từ ngôi trường này, chị bén duyên với chàng trai xứ Tuyên và theo tiếng gọi của con tim chị quyết định lên thành phố Tuyên Quang sinh sống, lập nghiệp. Hai vợ chồng vừa có công ty kinh doanh riêng và cùng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Với chị đó là sự may mắn bởi luôn có người đồng hành, cổ vũ, khích lệ mình trên con đường sáng tác.
Nguyễn Việt Yến vẽ không nhiều thế nhưng mỗi tác phẩm chị tạo ra luôn thể hiện sự chỉn chu, nghiêm túc. Ở nhiều thể loại từ lụa, màu nước, sơn mài nữ họa sỹ thường dùng các gam màu nhẹ. Đúng như tính cách nhẹ nhàng của mình, Việt Yến gửi đến công chúng những tác phẩm đẹp, bình yên, dịu dàng khiến ai nhìn vào đó cũng khó có thể rời mắt được. Để rồi họ phải nhìn thật lâu, thật lâu, thị giác và cảm xúc cùng lúc như được đánh thức, con tim rộng mở đón nhận. Và điều lắng đọng còn lại đó là phút giây chậm rãi, thư thái, lặng mình trước cái đẹp của đời sống hôm nay.
Tặng cuộc đời bằng bút pháp dịu dàng
Nguyễn Việt Yến thừa nhận rằng, chị không định kể chuyện gì rắc rối trên tranh. Chị cũng chẳng chủ trương đổi mới hay cách tân gì hết. Không theo đuổi trường phái này nọ. Không bị lệ thuộc vào bất cứ lý thuyết nghệ thuật nào. Chị đơn giản là vẽ những gì trong mình.
Giới hội họa đánh giá tranh của Nguyễn Việt Yến trong vắt, tình cảm, bút pháp dịu dàng.Với những đề tài về em bé, phụ nữ và hoa… chỉ nghe đến thế thôi ta cũng đủ hình dung khung trời nghệ thuật nhẹ nhàng, an yên của nữ họa sỹ 8x. Đó là những bức tranh Bảo Lâm, Tâm Hiếu, Em bé 1... gương mặt hồn nhiên, trong sáng, đôi mắt to tròn. Đó là bức tranh Cô thiếu nữ yếm thắm dịu dàng bên đóa hoa sen; Cô sinh viên “Vi Oanh” dịu dàng trong tà áo dài cầm đàn hòa vào thanh âm ghi ta; bức chân dung Cô gái Nùng, Cô gái Dao mang vẻ đẹp hồn hậu, nguyên sơ, tinh khiết đến lạ thường. Hay đó là hình ảnh thiếu phụ người Mông hạnh phúc nhìn đứa con mải miết bú mớm bầu sữa của mình trong tác phẩm Mẹ yêu... Tranh của nữ họa sỹ không chỉ gây ấn tượng bởi những nét vẽ tỉ mỉ, sáng tạo về đồ vật, trang phục truyền thống mà còn bởi màu sắc và hình ảnh độc đáo.
Bức tranh lụa "Mẹ yêu" của Nguyễn Việt Yến.
Điều đặc biệt, chị không ưu tiên cho một chất liệu nào, trong quá trình sáng tạo tùy thuộc từng đề tài chị sẽ định hình vẽ lụa, màu nước hay sơn mài. Trong tranh vẽ chân dung phụ nữ nữ họa sỹ thường ưu tiên chất liệu lụa. Chị nói, điểm mạnh của tranh lụa ở sự trong trẻo và êm dịu của màu sắc. Khi vẽ lên lụa, chị thường vẽ lên dần để màu ngấm vào lụa và khô rồi mới vẽ tiếp lớp khác, vẽ từ nhạt đến đậm, các màu nhạt chồng lên nhau nhiều lần sẽ thành đậm dần nhưng vẫn nhìn thấy thớ lụa để tạo nên vẻ đẹp độc đáo. Đó cũng là cách để các mảng màu hòa vào nhau không còn ranh giới tách bạch, từ đó tạo nên sự mềm mại, tinh tế cho bức tranh.
Tác phẩm Mẹ yêu được lấy cảm hứng từ những lần đi thực tế ở các xã vùng cao. Người xem dễ dàng hòa mình vào không gian yên bình, thoáng đãng và giàu chất thơ trong tác phẩm. Đó là hình ảnh người đàn bà Mông hạnh phúc ngắm nhìn đứa con thơ đang bú mớm. Chất lụa như được nữ họa sỹ dệt từ mây mưa, sương gió vùng cao thắm lại hiện ra cảnh vật, con người vừa thật, vừa hư mang đậm bản sắc một vùng quê.
Nguyễn Việt Yến lựa chọn chất liệu màu nước cho những bức tranh về phong cảnh. Nữ họa sỹ chia sẻ: “So với các chất liệu khác, màu nước có kỹ thuật khá là khó, gần như là khó hơn so với các chất liệu khác nhưng khi mình đã làm chủ được chất liệu này rồi thì cái sự biểu đạt và đem lại cảm xúc rất tốt. Bản thân tôi đã có hơn 10 năm gắn bó với chất liệu này rồi nên khi đã cảm nhận về nó tốt rồi thì tôi quyết định lựa chọn màu nước trên con đường sáng tạo…”.
Tranh màu nước của Nguyễn Việt Yến ghi lại những hình ảnh thân quen, bình dị như cỏ cây, hoa lá. Chị dành một vị trí đặc biệt vẽ về các loài hoa. Những bông hoa nhỏ nhắn xinh xắn bước vào tranh của chị, qua cách xử lý chất liệu tinh tế cộng với nét bút phóng khoáng, tài hoa, hình ảnh trở nên sinh động lạ thường. Đến nỗi mỗi lần nhìn vào những bức tranh ấy, người xem như cảm nhận được hương thơm của các loài hoa hồng, huệ, lay ơn… tỏa ra từ tranh. Dường như, năng lượng đẹp từ những bức tranh ấy cứ chậm rãi tỏa ra giúp người xem bình tâm, thanh thản, yêu đời hơn.
Nữ họa sỹ thường có thói quen dạo chơi khắp các con đường để ngắm hoa và lấy cảm hứng sáng tạo. Chị bảo, đó là cuộc dạo chơi lãng đãng để đưa cảnh sắc thực tế vào không gian hội họa.
Ngày hôm nay, bên cạnh công việc kinh doanh bận rộn, nữ họa sỹ trẻ Nguyễn Việt Yến dành khoảng lặng riêng để sáng tác. Nhiều tác phẩm của chị đều đặn được treo tại các Triển lãm Mỹ thuật Khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc, triển lãm nhóm tại Ba Lan, Pháp, Sài Gòn, Hà Nội... Chị và cả người bạn đời sống và sáng tác nghệ thuật một cách tự do, thoải mái và thảnh thơi nhất. Nữ họa sỹ 8x tâm niệm: “Khi vẽ một bức tranh nó cũng giống như làm một bài thơ hay viết một bài văn tản mạn về cuộc sống vậy. Nó là một phần của cảm nhận và tôi diễn tả bằng ngôn ngữ hội họa. Tôi đang thấy rất thoải mái để sáng tạo mà không hề có gì bó buộc mình cả, tất cả bằng cảm xúc rất thật. Tôi nghĩ được sống trong thế giới nghệ thuật của riêng mình. Đó mới là hạnh phúc!”.
Gửi phản hồi
In bài viết